Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghiên cứu các chính sách ưu đãi khuyến khích sự tham gia công cuộc xã hội hóa giáo dục

Lê Phương

Thứ sáu, 25/10/2024 - 17:33

(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, diễn ra ngày 25/10, tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Ảnh: Trần Hiệp

Xã hội hóa góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia

Báo cáo tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập với tổng số 553.181 phòng học. Trong đó, chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non với tỷ lệ rất thấp chỉ đạt 47,7%, trong khi ở cấp học tiểu học và THCS tỷ lệ này lần lượt là 61,6% và 80,5%.

Tính đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số phòng học của cả nước tăng lên 628.571 phòng, trong đó 86,6% phòng học đã được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013. Cụ thể, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2%, và THCS đạt 94,9%.

Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của cấp học mầm non có 56.9% trường, cấp tiểu học có 62,8% trường; cấp THCS có 72,3% trường; cấp THPT có 49,6% trường; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường.

Tính đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số phòng học của cả nước tăng lên 628.571 phòng, trong đó 86,6% phòng học đã được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013. Cụ thể, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2%, và THCS đạt 94,9%. Ảnh: Trần Hiệp

Trong giai đoạn 2013-2023, nhờ vào sự hỗ trợ từ xã hội hóa, cả nước đã xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng. Đó là sự quan tâm hết sức thiết thực của toàn xã hội đối với giáo dục và đào tạo.

Đây là kết quả rất đáng tự hào, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn. Đó cũng chính là các điều kiện cần thiết để ngành Giáo dục tập trung nâng chất lượng giáo dục, phát động phong trào học tập, thi đua giữa các địa phương, đơn vị.

Đến năm 2030 thực hiện kiên cố hoá 100% trường học

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thể hiện quyết tâm của ngành Giáo dục trong thực hiện mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030 theo chỉ đạo tại Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, khẳng định Đảng và Nhà nước ta coi GDĐT là quốc sách hàng đầu và luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển GDĐT bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn.

Để thực hiện được mục tiêu lớn này, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện nay, cả nước tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%. Tỷ lệ này đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn, (như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung bộ và cả Tây Nam Bộ), tỷ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu…). Đáng chú ý là những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Ảnh: Trần Hiệp

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua cho thấy, trong xã hội có rất nhiều tấm lòng vàng, nhiều cơ quan, tổ chức nhiều cá nhân đã rất hăng hái quan tâm góp sức cho xây trường học và nhà công vụ. Qua những việc làm bình thường và qua việc đột xuất ứng phó với bão số 3 (Yagi) vừa qua, càng cho thấy tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần tương trợ, tinh thần ưu tiên những gì tốt đẹp nhất dành cho trẻ em luôn thường trực trong mỗi người Việt Nam.

Thay mặt các nhà giáo, các em học sinh được thụ hưởng sự quan tâm từ cộng đồng xã hội, được dạy và học trong những ngôi trường khang trang được dựng lên từ tình yêu thương, từ sự quan tâm, chia sẻ, Bộ trưởng bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc tới những tấm lòng vàng của các tập thể, tổ chức và cá nhân hảo tâm xây dựng.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác.

Ngành Giáo dục sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, trong 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ lớp học tạm bợ nay được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.

Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, nhiều báo cáo, tham luận của các đại biểu tại hội nghị cũng cho thấy những kết quả cơ bản đạt được trong thời gian qua đó là hệ thống cơ chế chính sách liên tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý trong việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xã hội hóa giáo dục. Nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng thúc đẩy xã hội hóa giáo dục như hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất để thu hút đầu tư vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long biểu dương và đánh giá cao Bộ GDĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua. Đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục. Ảnh: Trần Hiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho biết chúng ta vẫn còn nhiều thách thức. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục; trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GDĐT cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực..

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn; trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.

Đồng thời, đảm bảo ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Giám sát, quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.

“Tôi tin tưởng, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nghiên cứu các chính sách ưu đãi khuyến khích sự tham gia công cuộc xã hội hóa giáo dục

Nghiên cứu các chính sách ưu đãi khuyến khích sự tham gia công cuộc xã hội hóa giáo dục

(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, diễn ra ngày 25/10, tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành.

Lê Phương

17:33 25/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm