Thái Hải
Thứ hai, 09/09/2024 - 15:53
(Thanh tra) - Du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành xu hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu tất yếu của ngành Du lịch để hướng đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam cần hướng đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững để tồn tại và phát triển.
Việt Nam hướng đến phát triển du lịch xanh để phát triển bền vững. Ảnh: PV
83% du khách mong muốn những điểm đến du lịch xanh, sạch hơn
Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, phát triển du lịch xanh là phải gắn liền với trách nhiệm, bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững.
Mọi người cứ tưởng du lịch ít hoặc không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Du lịch liên quan nhiều đến giao thông vận tải, lưu trú, tham quan, mua sắm... nên ảnh hưởng nhiều đến môi trường về khí thải, rác thải... Theo tính toán một năm, Việt Nam thải ra khoảng trên dưới 500 triệu tấn CO2, trung bình một người thải khoảng 5 tấn/năm
TS Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra ví dụ, một gia đình 4 người ở Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh du lịch vài ngày rồi trở lại Hà Nội sẽ thải ra khoảng 1 - 2 tấn CO2. Nói như vậy để thấy du lịch tác động rất nhiều đến môi trường sống. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn sử dụng năng lượng hóa thạch nhiều, thay vì năng lượng tái tạo. Yêu cầu hiện nay là cần chuyển dịch, chuyển đổi phát triển theo hướng du lịch xanh.
Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, sau hơn 2 năm khôi phục hoạt động, ngành Du lịch toàn cầu gần như đã phục hồi so với trước đại dịch Covid-19. Trong quý 1/2024, đã có hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, đạt 97% mức trước đại dịch. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương đạt 82% mức trước đại dịch. Riêng với Việt Nam, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Mặc dù thu hút lượng lớn khách du lịch nhưng ngành Du lịch đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cũng cho biết, trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ. Tại Việt Nam, có 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.
Cần phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với xu thế phát triển chung đó, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải bằng không (0), vừa qua, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hướng đến phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành Du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch bền vững đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yếu tố về môi trường, con người, điều kiện vật chất, các chính sách...
Người dân phải là những đại sứ thân thiện của du lịch
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, du lịch xanh bắt đầu từ hành động của mỗi một thành viên trong tổ chức, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, hoạch định chính sách, tăng cường công tác thanh kiểm tra. Doanh nghiệp giữ vai trò là nhà sáng tạo, tạo ra dòng sản phẩm, dựa trên nguồn lực tài nguyên thiên nhiên - chọn ra dòng sản phẩm chủ động xuyên suốt. Tiếp đó là đề cao vai trò của chủ thể - mỗi người dân tham gia quá trình du lịch xanh phải được hưởng lợi. Người dân phải là những đại sứ thân thiện của du lịch…
Vì vậy mà du lịch xanh phải được tổ chức, được triển khai mà trong đó dựa trên nền tảng: Sản phẩm của du lịch phải bắt đầu từ văn hóa và mang đậm bản sắc văn hóa, chỉ có bằng con đường này, chúng ta mới kiến tạo sự phát triển theo hướng bền vững.
Hiện nay, để phát triển du lịch xanh, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động phát triển du lịch gắn với 17 tiêu chí phát triển bền vững của UNESCO và hướng đến việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hoá trong từng hoạt động. Theo đó, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch phát triển du lịch bền vững từ khâu đào tạo nguồn nhân lực cho đến việc phát triển, kêu gọi người dân tham gia bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kêu gọi doanh nghiệp du lịch bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hoá, triển khai các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên.
Gợi ý biện pháp ngành Du lịch có thể thực hiện để hướng tới du lịch xanh, TS Lương Quang Huy cho rằng cần sự chung tay của mọi tổ chức, cá nhân. Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, nên cần có đóng góp tương xứng vào lộ trình phát triển ít phát thải của Việt Nam thông qua giảm tối đa phát thải khí nhà kính tại tất cả các công đoạn.
Theo ông Huy, trước tiên, Việt Nam muốn phát triển du lịch xanh cần mở rộng các doanh nghiệp đã triển khai hoạt động xanh hóa để họ chia sẻ kinh nghiệm du lịch ra sao, triển khai thế nào để cả cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Đối với các cơ quan chức năng, để hoàn thành mục tiêu hướng đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0 thì phải có những chính sách, ưu đãi để vận động doanh nghiệp cùng chung tay giảm khí thải CO2, ưu tiên sử dụng điện gió, sử dụng điện mặt trời cho hoạt động du lịch...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...; khách sạn, nhà hàng cam kết giảm thiểu chất thải; phát triển giao thông công cộng, giao thông điện... đẩy mạnh phát triển du lịch xanh theo hướng này để tăng tính hiệu quả cao.
Dưới góc nhìn quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch cho biết, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững trở thành xu hướng chung của toàn cầu, Việt Nam không đứng ngoài sự phát triển trên. Vì vậy, sắp tới, các địa phương phải thực hiện chuyển đổi xanh trong du lịch, đầu tư xanh, phát triển du lịch xanh, khuyến khích tạo sản phẩm xanh nhằm thu hút du khách. Đặc biệt, đa dạng loại hình du lịch trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch bảo tồn và phát huy văn hóa 54 dân tộc...
Bộ trưởng cho rằng, tập trung xây dựng các dòng sản phẩm trên cơ sở tôn trọng sự phát triển bền vững. Cùng với đó, đa dạng các loại hình du lịch mà Việt Nam đang có lợi thế như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Để hướng đến mục tiêu du lịch xanh cần sự đòi hỏi chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngành Du lịch, cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định chính sách trong việc đưa ra các chính sách, quy định và khi triển khai thực hiện phát triển du lịch xanh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Nhật Minh
17:12 10/10/2024Thái Hải
17:01 07/10/2024Thái Hải
18:26 06/10/2024Thái Hải
21:29 04/10/2024Thanh Thanh
Thanh Thanh
Văn Thanh
Hoàng Nam
Bùi Bình
Trà Vân
T.Thanh (Tổng hợp)
Vũ Linh
Bùi Bình
Lê Hữu Chính