Tuy nhiên, việc phát huy thế mạnh này cũng luôn gắn với bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp vốn có ở vùng cao.

Du lịch mang lại giá trị mới cho đồng bào vùng dân tộc

Trong những năm qua, sức thu hút của du lịch ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi từng bước tăng lên, giá trị và sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch được khai thác và khẳng định, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt; góp phần bảo tồn và đa dạng hóa sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

Đặc biệt, những bản văn hóa du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai), Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang... Những điểm du lịch này không chỉ là không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư, mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Đồng bào các dân tộc đã biết tận dụng những nghề truyền thống, những món ăn dân dã, điệu múa; những căn nhà sàn truyền thống… để tạo sự khác biệt, thu hút du khách đến thăm quan, giao lưu, khám phá.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở vùng miền núi, DTTS cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục. Một số nơi có tốc độ phát triển du lịch nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ hoặc thiếu quy hoạch tổng thể, có nơi chỉ mới chú ý khai thác tài nguyên mà chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, di sản.

Tại nhiều khu vực, do tốc độ phát triển quá nhanh của hoạt động du lịch vượt ngoài khả năng và nhận thức về quản lý, nên đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây ô nhiễm và nguy cơ suy thoái lâu dài.

Đơn cử: Tại Sa Pa có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện; việc phân chia nguồn lợi từ du lịch chưa hài hòa khiến người dân bản địa - những người chủ đích thực của núi rừng - chưa được hưởng lợi nhiều; việc “biến” bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa thành nguồn lợi chưa tương xứng với tiềm năng... Hay tại nhiều khu du lịch vùng miền núi, du khách tụ tập đốt lửa trại khiến thú rừng sợ hãi, cỏ cây bị tàn phá nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến cháy rừng.

Sử dụng các sản phẩm tự nhiên tại chỗ

Để phát triển du lịch hiệu quả, quảng bá được văn hóa bản địa, cải thiện cuộc sống, nâng cao mức sống cho đồng bào, trở thành đòn bẩy, chủ lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực… thì yếu tố cũng rất quan trọng là cảnh quan và môi trường. Môi trường có xanh - sạch - đẹp thì mới tạo được ấn tượng với du khách, vừa tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng.

Bảo vệ môi trường trong du lịch là một trong những yếu tố không chỉ làm cho làng bản sạch sẽ, thu hút khách du lịch, mà đó còn là một trong những nếp sống văn hóa hiện nay.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; đặt các tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường tại các khu vực công cộng là một trong những giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường tại các khu du lịch.

Đồng thời, các địa phương còn thành lập bộ phận hoặc phân công cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường; xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch; bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác; bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định.

Đặc biệt là người dân vùng cao cần làm du lịch theo đúng nghĩa “cộng đồng”, tức là cả bản cùng tham gia. Đồng thời, nhà nào cũng phải có trách nhiệm gìn giữ môi trường chung, tạo cảnh quan, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống. Địa phương phải vận động bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch.

Mặt khác, để tránh việc xả rác bừa bãi và "nói không với rác thải nhựa" để nâng cao chất lượng du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng, du khách được sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên từ tre, nứa... việc sử dụng cốc làm từ tre, túi đan bằng nứa, bằng vải của bà con vùng dân tộc, thay cho những vật dụng bằng nhựa và túi ni lông, một mặt giúp du khách được trải nhiệm cuộc sống thực tế của đồng bào dân tộc, mặt khác góp phần giúp cho địa phương giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và nâng cao chất lượng du lịch tại địa phương.

Đối với các vườn du lịch quốc gia đặt tại các tỉnh miền núi, các điểm du lịch cần đặt thêm các thùng rác, điểm thu gom rác, thường xuyên dọn dẹp nhiều hơn vào ngày cao điểm, phụ thu ngày lễ hoặc tăng giá vé để có ngân sách trong việc xử lý rác thải; tuyệt đối cấm đốt lửa tại khu vực không được phép; xây dựng những khu nướng đảm bảo an toàn, có thiết bị phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp; cắt đặt nhân viên kiểm soát việc đốt lửa; hoàn toàn cấm xe máy cá nhân và xe ô tô nhỏ vào trong rừng, mở rộng khu vực đậu xe tại cửa rừng; mở một số tuyến đường đi bộ trong rừng song song với đường cái, nối các trạm với nhau; không làm đường bê tông mà chỉ cần phát quang và làm phẳng cho dễ đi, có thể dùng vật liệu thân thiện môi trường và cảnh quan.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, xu hướng du lịch sinh thái sẽ tiếp tục phát triển mạnh bởi những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường của loại hình này, đồng thời phản ánh mối quan tâm của khách du lịch, của toàn cầu đến sự phát triển bền vững. Đó là sự gia tăng các tour du lịch xanh, tour tìm hiểu và chung tay bảo vệ thế giới tự nhiên, động vật hoang dã; các chuyến đi kết hợp với hoạt động bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên môi trường tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên...

Thái Hải