Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy), Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm), Võ Chí Công (Tây Hồ) hay Trần Phú (Hà Đông)… các thương hiệu bánh quen thuộc như Hữu Nghị, Kinh Đô, Như Lan, Bibica, Bảo Minh… những chiếc bánh Trung thu đã được đóng hộp và xếp hàng dài trên các quầy hàng, tủ kính, chờ khách đến mua. Tuy nhiên, việc trưng bày sản phẩm trong thời tiết nắng, mưa thất thường khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sản phẩm.
Theo ghi nhận, trên thị trường hiện có hàng trăm chủng loại bánh Trung thu khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Về giá bán, chị Trần Thị Hương, chủ đại lý trên đường Láng Hạ cho biết, ở phân khúc cao cấp và phổ thông hiện ở mức tương đương mọi năm. Các dòng bánh Trung thu truyền thống có mức giá dao động từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng/chiếc. Các sản phẩm bánh Trung thu cao cấp có giá dao động từ 600.000 đồng/hộp trở lên.
Ngoài bánh Trung thu của các thương hiệu lớn thì những năm gần đây, bánh Trung thu handmade hay "bánh nhà làm" được nhiều người lựa chọn bởi mẫu mã lạ, bắt mắt, nhiều vị nhân mới, độ ngọt vừa phải, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Khách hàng có thể vừa mua thưởng thức, vừa làm quà biếu, tặng. Giá cả của những loại bánh này cũng khá đa dạng, dao động từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng/hộp.
Bên cạnh các thương hiệu bánh truyền thống nổi tiếng thì cũng có nhiều sản phẩm bánh Trung thu nhập khẩu và do các cá nhân tự làm được bán tràn lan trên khắp các trang mạng xã hội. Ngoài việc bán tại các cửa hàng, siêu thị, bánh Trung thu được mở bán, đẩy mạnh, thậm chí có nhiều ưu đãi giảm giá trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... cũng như các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo...
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (Bắc Từ Liêm) chia sẻ, dù những năm gần đây trên thị trường đa dạng các loại bánh được trình bày rất đẹp mắt, chất lượng bánh được đánh giá khá hài hoà giữa vị truyền thống và hiện đại với giá thành khá cao. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, anh Tuấn vẫn chọn những loại bánh có thương hiệu và uy tín lâu năm trên thị trường vì theo anh, các hãng bánh có thương hiệu thì đã có sự kiểm soát của Nhà nước, cơ quan chức năng nên tạo tâm lý an toàn cho người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia thực phẩm, bánh Trung thu thường có thời gian sử dụng ngắn; nguyên liệu sản xuất là thịt, trứng, bột, đường, lạp xưởng… lại là những loại dễ bị ôi, thiu. Không những vậy, đâu đó vẫn còn tình trạng nhiều đối tượng đưa một số loại sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn, lưu thông trên thị trường, kể cả bánh Trung thu từ nước ngoài nhập lậu nhằm thu lợi bất chính. Những hành vi nêu trên gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng; là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vào dịp Tết Trung thu nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu cần trang bị cho mình kiến thức trong lựa chọn và sử dụng bánh để đảm bảo sử dụng bánh an toàn nhất cho mình. Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: Có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dâp nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ…
Cùng với việc lựa chọn sản phẩm bảo đảm an toàn, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần bảo quản và sử dụng bánh Trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm. Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng xâm nhập. Người tiêu dùng chỉ nên ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.