Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển BHXH tự nguyện, đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân

Trần Trung

Thứ năm, 05/05/2022 - 09:40

(Thanh tra) –Mở rộng phạm vi bao phủ BHXH nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động (LĐ), người dân. Nhờ tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người dân đã có lương hưu, giúp trang trải cuộc sống, an nhàn hơn lúc tuổi già.

Quý I/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh minh họa

Năm 2020 được coi là năm bản lề đối với bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong phát triển người tham gia BHXH, trong đó có mở rộng BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Chính nhờ xác định đúng và trúng, toàn Ngành đã đạt kết quả quan trọng, đặc biệt là việc mở rộng diện bao phủ ở nhóm LĐ phi chính thức hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao.

Về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra

Theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, việc cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện, không chỉ quan tâm đến LĐ khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến người nông dân, LĐ phi chính thức - đây là “khoảng trống” vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.

Theo đó mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, LĐ phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng LĐ trong độ tuổi.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân, nhưng ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành vượt mức phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 28. Cụ thể, kết quả đến nay đã có trên 1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt trên 2% lực lượng LĐ trong độ tuổi LĐ.

Chính nhờ xác định đúng và trúng, toàn Ngành BHXH đã đạt kết quả quan trọng, đặc biệt là việc mở rộng diện bao phủ ở nhóm LĐ phi chính thức hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao

Nhận định về việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, từ năm 2008 đến hết năm 2018, cả nước chỉ có khoảng 280.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên đến năm 2019 số người tham gia đã có sự gia tăng ngoạn mục, khi cả nước có thêm gần 300.000 người đăng ký tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên trên 580.000 người.

Đặc biệt, trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai lũ lụt tại miền Trung nhưng kết quả đến nay đã có trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng LĐ trong độ tuổi là nông dân và LĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, đạt 165% so với kế hoạch Chính phủ giao, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đã đề ra.

Ổn định cuộc sống nhờ lương hưu

Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc mở rộng phạm vi bao phủ BHXH nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người LĐ, người dân. Nhờ tham gia BHXH tự nguyện, nhiều người dân đã có lương hưu, giúp trang trải cuộc sống, an nhàn hơn lúc tuổi già.

Đơn cử, bà Huỳnh Ngọc Huệ (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã 8 tháng kể từ ngày nhận quyết định hưởng chế độ hưu trí từ cơ quan BHXH nhưng đến nay vẫn lâng lâng niềm vui.

“Bây giờ có lương hưu hàng tháng thấy yên tâm, bởi có một khoản thu nhập ổn định để lo cuộc sống”, bà Huệ cho biết.

Trước đây, bà Huệ làm giáo viên được 7 năm, vì nhiều lý do nên bà xin nghỉ. Sau đó, bà làm công nhân, tham gia BHXH bắt buộc gần 14 năm. Đến tháng 9/2021, dù đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng, bà quyết định nhận BHXH một lần.

Khi đến BHXH huyện Châu Thành A để giải quyết thủ tục, bà được viên chức BHXH huyện giải thích về quyền lợi khi nhận lương hưu hàng tháng và những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần.

Bà Huỳnh Ngọc Huệ vui mừng vì có lương hưu nhờ chính sách BHXH tự nguyện

Vì vậy, bà quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm 73 tháng nữa cho đủ 20 năm theo quy định để hưởng chế độ hưu trí. “Nhờ đó đến nay, tôi đã nhận lương hưu được 8 tháng, mỗi tháng hơn 1,5 triệu đồng. Số tiền này tuy không nhiều nhưng giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế. Vui hơn nữa là tôi có thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) miễn phí với mức quyền lợi hưởng 95%, quyền lợi cao hơn tham gia BHYT hộ gia đình”, bà Huệ bộc bạch.

Không chỉ bà Huệ, mà nhiều người LĐ chia sẻ, họ tin tưởng tham gia BHXH tự nguyện, vì không tiếp tục đóng BHXH, “bệnh một cái là bao nhiêu tiền cũng hết”.

Phân tích về ý nghĩa của việc tham gia BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, không chỉ thực hiện BHXH bắt buộc mà mở rộng cả chính sách BHXH tự nguyện để nhanh chóng đạt độ bao phủ BHXH toàn dân (người LĐ từ 15 tuổi trở lên có tham gia LĐ, có thu nhập đều tham gia vào hệ thống BHXH). Khi nhóm người này đến tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác là hết tuổi LĐ, sẽ có lương hưu - đây là ý nghĩa cực kỳ quan trọng của chính sách này.

“Có một vấn đề được coi như giải pháp đột phá, thể hiện quan điểm rất mới của Đảng và Nhà nước, đó là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người LĐ tham gia BHXH tự nguyện, nhằm khuyến khích đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân”, ông Lợi nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cũng nhấn mạnh thêm, trong lần sửa đổi, bổ sung Luật BHXH tới đây, chính sách BHXH sẽ được thiết kế rất linh hoạt. Theo đó, người tham gia BHXH không nhất thiết phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được nghỉ hưu. Họ có thể tham gia 15 năm; và đến một lúc nào đó có thể giảm thời gian tham gia xuống còn 10 năm.

Trong khi đó, chúng ta cũng đã điều chỉnh phương thức đóng BHXH tự nguyện, giúp người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu.

“Qua chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện đã khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước. Người dân cũng phải tham gia vào quá trình đóng góp để được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau; bảo đảm được lợi ích của người dân khi họ hết tuổi LĐ”, ông Lợi nhấn mạnh.

Hiện ngành BHXH đang mở rộng và khuyến khích người LĐ, nhất là LĐ tự do tham gia BHXH tự nguyện.

Trong đó, Nhà nước hỗ trợ từ 10-30% phí cho đối tượng khó khăn là hộ nghèo, cận nghèo để tham gia BHXH.

Vì thế, cơ hội tham gia, duy trì BHXH để chủ động cho cuộc sống của mình lúc về già, lúc hết tuổi LĐ là tùy thuộc vào lực chọn của người LĐ.

Tính đến hết quý I/2022 đã có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH đạt 32,47% lực lượng LĐ trong độ tuổi, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm