Nhiều vùng đã chú trọng đến chất lượng đặc thù địa phương

Theo báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay, giai cấp nông dân Việt Nam có trên 10,29 triệu hội viên, trong đó có trên 1,8 triệu hội viên là người DTTS, chiếm khoảng 17,5% hội viên. 83% nông dân DTTS sống ở khu vực nông thôn, trùng với địa bàn hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; tỷ lệ nông dân DTTS nghèo chiếm khoảng 35,5%, cao gấp 3 lần bình quân chung của cả nước.

Bình quân hàng năm, có hơn 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; gần 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu (trong đó có 20% hộ DTTS đăng ký và 10% số hộ đăng ký đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp).

Thời gian qua, với lợi thế và tiềm năng, những sản phẩm đặc thù sẵn có tại địa phương, các chương trình, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tạo ra nhiều điểm sáng;

Nhiều địa phương đã chú trọng đến chất lượng sản phẩm, sản phẩm đặc thù địa phương và đã được cấp chỉ dẫn địa lý vùng trồng, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn mác bao bì nhận diện sản phẩm như dự án phát triển cây chè Bắc Kạn tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao; đồng thời, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống; trồng mới thâm canh cải tạo nương chè già cỗi và chế biến chè tại các xã vùng thấp, vùng dân tộc...

Các mô hình kinh tế hộ, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình, dự án triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân (về vật tư, phân bón, vốn) để đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn vùng DTTS và miền núi được xây dựng.

Đơn cử, từ năm 2013 đến nay, Trung ương Hội Nông dân đã phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai 30 dự án phát triển kinh tế với 648 hộ DTTS và miền núi ở 18 tỉnh, thành phố tham gia; hỗ trợ gần 80 ngàn con giống, 30 bộ máy chế biến thức ăn, hơn 5.000 cây giống các loại…

Ngoài ra, thông qua hình thức buổi sinh hoạt tại chi hội, câu lạc bộ nông dân, các thôn bản, cụm dân cư… các cấp hội nông dân đã lồng ghép tuyên truyền và triển khai nhiều mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở miền núi và thực hiện hoạt động hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, vốn phát triển kinh tế trên các địa bàn cũng được chú trọng.

Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế DTTS phát triển

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đối với vùng DTTS.

Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, Trung ương Hội Nông dân sẽ xây dựng các chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân vùng DTTS và miền núi chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống... để trình Chính phủ phê duyệt, quyết định.

Xây dựng các đề án, dự án hoặc trực tiếp thực hiện các dự án trong vùng DTTS. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình nông dân và nông thôn vùng dân tộc và miền núi.

Mặt khác, các cấp Hội Nông dân tích cực phối hợp với các ngành, đặc biệt là với Uỷ ban Dân tộc, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hưởng ứng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai sâu rộng các nội dung về xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, làng, ấp, bản, văn hóa...; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu.

Đồng thời, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân triển khai Đề án “Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi”, làm cơ sở để vận động hội viên nông dân vùng DTTS tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị trong vùng DTTS và miền núi.

Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp; mô hình liên kết hộ, tổ hợp tác... hỗ trợ nhau trong việc phát triển kinh tế vùng DTTS để nhân rộng.

Tổ chức tốt việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến những kinh nghiệm sản xuất giỏi vùng đồng bào dân tộc. Tổ chức hội thảo đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc tại nông thôn vùng dân tộc và miền núi.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân các DTTS phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xây dựng nông thôn mới, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, “ly nông, bất ly hương”, “làng trong phố, phố trong làng”.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi để có những ý kiến, đề xuất với Đảng, Chính phủ.

Ưu tiên các dự án theo chuỗi liên kết

Ngoài các biện pháp trên, việc đưa khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng dân tộc và miền núi cũng được chú trọng.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2025, nhiều địa phương đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao được nhiều mô hình, công nghệ phù hợp với từng vùng miền, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng DTTS.

Trong đó, các dự án theo chuỗi liên kết được ưu tiên lựa chọn nhằm tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, trong đó xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với nông dân và với nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Chẳng hạn như: Các dự án đã mang lại hiệu quả môi trường khi tận dụng được các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, mùn cưa…) để sản xuất thành sản phẩm có giá trị sử dụng và trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Qua đó, không chỉ doanh nghiệp sản xuất mà cả người dân sẽ có ý thức tận dụng, thu gom để cấp cho dự án, vừa có tác dụng tăng thu nhập, vừa góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường nông thôn.

Hay các dự án sản xuất gạch không nung đã góp phần phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Các dự án sản xuất rau, quả, chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn theo VietGap, an toàn hữu cơ không chỉ giúp tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, mà còn giúp giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học ra môi trường, giảm phát thải từ sản xuất ra môi trường.

Ngoài ra, các dự án xử lý nước, cấp nước sạch, tưới tiết kiệm nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho những khu vực khí hậu khô hạn…

Qua đó, chúng ta thấy các dự án góp phần sản xuất bền vững, bình ổn giá nông sản. Vì thế, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nhanh chóng được nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thái Hải