Chiều ngày 24/10, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được tách thành 2 dự án luật. Theo đó, Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Còn Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sau 10 năm thực hiện, cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế…

So với luật hiện hành dự thảo luật đã bỏ 2 chương quy định về quy tắc giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ để đưa vào Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo luật có 6 chương, 102 điều. Trong đó, có quy định, “người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chương trình khung đào tạo nghiệp vụ vận tải”.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: TN

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho hay, trong quá trình thẩm tra dự án luật này, nhiều ý kiến nhất trí quy định trên. Song cũng có ý kiến cân nhắc vì “làm phát sinh một loại giấy phép”.

Một vấn đề nữa, dự thảo luật bổ sung quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

“Dự thảo luật đã giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong việc bảo vệ đối tượng yếu thế là trẻ em tham gia giao thông trong thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị quy định chặt chẽ, hợp lý không gây tốn kém; đồng thời, gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo trong việc tổ chức hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông khi đưa đón học sinh.

“Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên cho phù hợp, không để trùng dẫm giữa hai luật, tránh gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia giao thông và bảo đảm tính khả thi”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nói.

Theo dự thảo luật, lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.

Trước khi tổ chức thực hiện, cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải thông báo đến cơ quan cấp giấy phép các thông tin gồm: hành trình đưa đón, các điểm dừng đón, trả học sinh; danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo; hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng. Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin tại khoản này, cơ sở giáo dục thực hiện thông báo bổ sung.

Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô.

Cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông….

Hương Giang