Hiện nay các nhà khoa học đã nghiên cứu có trên 30 loại vitamin, mỗi loại sẽ có vai trò khác nhau đối với sức khoẻ. Vitamin được phân thành 2 nhóm:

- Vitamin tan trong nước gồm các vitamin nhóm B và C.

- Vitamin tan trong chất béo gồm các vitamin nhóm A, D, E …

 Vitamin C

Các nghiên cứu y học cho thấy, vitamin C có vai trò quan trọng với sự hoạt động của xương, cơ bắp, mạch máu và các mô liên kết. Bổ sung đầy đủ loại vitamin này giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh do thiếu hụt vitamin C. 

Vitamin C có vai trò quan trọng với cơ thể người

Vitamin C làm vững thành mạch máu. Trẻ em khi thiếu vitamin C dễ chảy máu cam ở mũi, khoang miệng; người già thiếu vitamin C dễ xuất huyết ở tay, vùng mặt, não …

Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C góp phần quan trọng giúp tăng hiệu quả quá trình hoạt động thể chất và sức mạnh cơ bắp. 

Mỗi người cần bổ sung bao nhiêu vitamin C?

Những người bình thường nên bổ sung loại vitamin tự nhiên từ thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. 

Nhu cầu vitamin C: 

- Trẻ em < 6 tháng 25mg/ngày.

- Trẻ 6 tháng - 6 tuổi: 30mg/ngày.

- Trẻ 7 - 9 tuổi: 35mg/ngày.

- 10 - 18 tuổi: 65mg/ngày.

- Người trưởng thành: 70mg/ngày.

- Phụ nữ mang thai, cho con bú: 80 - 90 mg/ngày.

Các loại thực phẩm giàu vitamin C

Trong các loại thực phẩm, trái cây và rau quả chứa nhiều loại vitamin C như:

Cam, chanh: Cam, chanh và các loại hoa quả cùng loài là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Trong 100 gram cam chứa khoảng 53 mg loại vitamin C. Như vậy 1 quả cam trung bình cấp cho chúng ta khoảng 70mg loại vitamin này, còn chanh là 77mg.

Đu đủ: Mỗi 100g đu đủ chứa tới 62mg vitamin C. Ngoài ra, sử dụng 1 ly đu đủ giúp giảm viêm, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa oxy hóa tốt.

Dâu tây: Cứ 100g dâu tây chứa khoảng 59mg loại vitamin C, nửa cốc dâu tây cung cấp lượng 89mg vitamin C.

Bông cải xanh: Bông cải xanh rất giàu vitamin C (chứa 89 mg vitamin C trong 100g), giúp giảm viêm, giảm stress, tăng miễn dịch tốt.

Ớt vàng ngọt: Ớt vàng ngọt chứa lượng vitamin C rất cao, tới 183mg trên 100g. Ăn ớt ngọt cũng giúp ngăn ngừa đục thủy tinh thể.

Mùi tây: Mỗi 100g mùi tây chứa 133mg vitamin C, ăn mùi tây giúp tăng hấp thụ sắt cho cơ thể.

Loại vitamin này dễ bị phá hủy do nhiệt độ, ánh sáng nên cần chế biến, sử dụng hoa quả, trái cây đúng cách để hấp thu được lượng vitamin tối đa.

leftcenterrightdel
 Ảnh: https://madefresh.com.vn/

Sử dụng các chế phẩm cung cấp vitamin C thế nào?

Các chế phẩm cung cấp vitamin thường là dạng acid ascorbic, muối ascorbate như: calci ascorbat, natri ascorbate,… Trong đó, dạng acid ascorbic có độ khả dụng cao, giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng. Do đó, bổ sung vitamin C cho cơ thể nên chọn dạng acid ascorbic.

Ngoài ra, các loại vitamin tổng hợp đều chứa một lượng acid ascorbic giúp bổ sung vitamin C và các loại dinh dưỡng khác cho cơ thể.

Liều dùng của các chế phẩm bổ sung vitamin được ghi trên bao bì, nên sử dụng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không sử dụng với hàm lượng nhỏ hoặc lớn hơn, thời gian kéo dài hơn hướng dẫn.

Khi sử dụng bổ sung vitamin C, cần lưu ý:

- Uống nhiều nước, từ 1,5 - 2,5 lít nước mỗi ngày.

- Không nghiền nát, nhai hoặc đập vỡ viên uống, hãy nuốt trọn vẹn thuốc.

Thời điểm tốt nhất để cơ thể hấp thụ tốt loại vitamin này là khi đói bụng. Do đó, sử dụng chế phẩm bổ sung vào buổi sáng, trước khi ăn 30 phút hoặc sau khi ăn 2 giờ. Loại vitamin này dễ dàng hòa tan vào nước giúp cơ thể hấp thụ. Nếu bổ sung dư thừa, cơ thể không lưu trữ mà đào thải qua đường nước tiểu.

Vitamin B1

Thiamin(vitamin B1) là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà tất cả các mô của cơ thể cần để hoạt động đúng. Thiamin là vitamin B đầu tiên mà các nhà khoa học phát hiện ra. Đây là lý do tại sao tên của nó mang số 1. Giống như các vitamin B khác, thiamin tan trong nước và giúp cơ thể biến thức ăn thành năng lượng.

Thiamin giúp cơ thể tạo ra năng lượng từ các chất dinh dưỡng. Thiamin là chất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và chức năng của các tế bào.

leftcenterrightdel
 Ảnh: https://www.bachhoaxanh.com/

Hầu hết mọi người nhận đủ thiamin từ thực phẩm được sử dụng hàng ngày. Thực phẩm giàu thiamin bao gồm men, các loại đậu, lương thực (gạo, bột mì, ngô, khoai, sắn…), cũng như thực phẩm tăng cường, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng. Tuy nhiên, làm nóng thực phẩm có chứa thiamin có thể làm giảm hàm lượng thiamin.

Sự thiếu hụt thiamin có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể , bao gồm cả những chức năng của hệ thần kinh; tim và não.

Hiện nay, tình trạng thiếu thiamin thường ít xảy ra. Thiếu thiamin hiếm gặp ở người lớn có sức khỏe tốt. Tình trạng thiếu thiamin thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy giảm. Các tác nhân làm giảm nồng độ thiamin bao gồm: nghiện rượu, chán ăn.

Thiếu thiamin có thể dẫn đến hai vấn đề sức khỏe chính: Ảnh hưởng đến hơi thở, cử động mắt, chức năng tim. Nó gây ra bởi sự tích tụ axit pyruvic trong máu, đây là tác dụng phụ khiến cơ thể không thể biến thức ăn thành năng lượng.

Cách sử dụng thiamin:

Một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng sẽ cung cấp cho hầu hết mọi người đủ thiamin. Tuy nhiên, đối với những người đã phẫu thuật, có các tình trạng như HIV/AIDS, nghiện rượu mãn tính hoặc sử dụng một số loại thuốc, có thể cần bổ sung thiamin.

Uống vitamin B1 từ 1 đến 3 lần mỗi ngày. Thực hiện theo tất cả các hướng dẫn trên gói sản phẩm, hoặc thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe của và đáp ứng của vitamin với điều trị.

Bài 2: Nhóm vitamin tan trong chất béo



Th.S Nguyễn Hữu Tú