Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chu Tuấn
Thứ bảy, 30/04/2022 - 06:36
(Thanh tra) - Ngày 30/4/1975, khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, bọn ác ôn trên Côn Đảo tháo chạy toán loạn. Ở Trại VII, sau khi kiểm tra nguồn tin bằng radio và trực tiếp quan sát tình hình, những người có trách nhiệm quyết định chớp thời cơ tự giải phóng. Đến rạng sáng ngày 1/5/1975, cả 8 khu của Trại VII đã được giải phóng. Đảo ủy lâm thời gồm 7 đồng chí được thành lập…
Côn Đảo được định hướng phát triển trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao. Ảnh: Chu Tuấn
Những giây phút đi vào lịch sử
Trước thời điểm giải phóng đảo, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị bị cấm cố trong 8 trại giam.
Ngày 29/4/1975, khi các mặt trận đồng loạt nổ súng tiến vào giải phóng Sài Gòn, thì ở Côn Đảo, các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Chúa đảo Lâm Hữu Phương cùng cố vấn Mỹ bí mật rút chạy ngay trong đêm.
Sáng 30/4/1975, Đại úy Phạm Huỳnh Trung, Chỉ huy phó Đặc khu Côn Sơn nắm quyền chỉ huy ra lệnh khóa chặt cửa các trại giam, tổ chức di tản và chuẩn bị thủ tiêu tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Tình thế đảo ngược khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bọn ác ôn kinh hoàng tháo chạy, dẫm đạp lên nhau tại Cầu Tàu, tranh cướp ghe ra tàu Mỹ di tản.
Ở Trại VII, sau khi kiểm tra nguồn tin bằng radio và trực tiếp quan sát tình hình, những người có trách nhiệm quyết định chớp thời cơ tự giải phóng. 3 giờ sáng ngày 1/5/1975, cả 8 khu của Trại VII được giải phóng, Đảo ủy lâm thời gồm 7 đồng chí được thành lập.
Theo sự chỉ đạo của Đảo ủy, tù chính trị tổ chức lực lượng vũ trang, chia thành nhiều mũi, chiếm được các vị trí xung yếu của đảo và mở cửa giải phóng cho các trại. 10 giờ sáng cùng ngày, Đài Phát thanh Côn Đảo phát tin tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đảo và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng.
Ở một diễn biến khác, ngày 1/5/1975, sau khi TP Vũng Tàu được giải phóng, Tiểu đoàn 445, bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng Tiểu đoàn 6, thuộc Trung đoàn 12 của Sư đoàn Sao Vàng anh hùng được lệnh tập kết về cảng Rạch Dừa, chuẩn bị xuống tàu giải phóng Côn Đảo.
Rạng sáng ngày 4/5/1975, chuyến tàu chở lực lượng vũ trang ra giải phóng Côn Đảo cập bến cũng là lúc tình hình trên đảo đi vào ổn định.
Ngày 5/5/1975, con tàu đầu tiên chở 550 chiến sĩ tù nhân Côn Đảo về đến Vũng Tàu. Uỷ ban Quân quản Vũng Tàu đã tổ chức trọng thể cuộc mít tinh tại cảng Rạch Dừa chào đón những người con ưu tú của Tổ quốc vừa chiến thắng trở về.
Côn Đảo không ngừng đổi thay
47 năm sau ngày giải phóng đảo, Côn Đảo ngày nay đã không ngừng đổi thay, một diện mạo mới đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo UBND huyện Côn Đảo, những năm gần đây, các chỉ số về giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, tăng trưởng bình quân hàng năm đều ở mức cao từ 7,34 - 9,17%. Doanh thu thương mại tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,64%...
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Côn Đảo đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xúc tiến quảng cáo du lịch với nhiều hình thức đa dạng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Trong giai đoạn này, doanh thu dịch vụ thực hiện được hơn 7.560 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là doanh thu du lịch thực hiện được hơn 6.000 tỷ đồng; đón tiếp hơn 1,4 triệu lượt khách thăm quan, tăng trưởng bình quân hàng năm tới 19,21%...
Từ năm 2017 đến nay, có hơn 50 dự án đăng ký nguyện vọng đầu tư vào Côn Đảo, trong đó có 7 dự án đã được cấp quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư. Có 19 nhà đầu tư được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư du lịch sinh thái trong vườn quốc gia. Thu hút 2 nhà đầu tư phương tiện vận tải đường thủy cao tốc kết nối giao thông giữa đất liền với Côn Đảo…
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Côn Đảo là phát triển du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Côn Đảo ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, đồng thời phải gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh các hoạt động để thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ, những năm gần đây, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan ở Côn Đảo cũng được đầu tư xây dựng. Hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ ngày càng hoàn thiện trên đảo, đa dạng phương thức giao thông kết nối như các tuyến bay kết nối từ Hà Nội, TP HCM đến Côn Đảo, tuyến trực thăng Vũng Tàu - Côn Đảo, các tuyến vận tải tàu cao tốc từ Vũng Tàu và Sóc Trăng… Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao đã và đang hình hành, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển du lịch của huyện đảo.
Với điều kiện tự nhiên đặc sắc và truyền thống cách mạng hào hùng, trong thời gian qua và những năm tới, Côn Đảo luôn được tỉnh xác định là địa bàn trọng điểm để đầu tư, phát triển thành khu du lịch - dịch vụ chất lượng cao.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045. Quyết định đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao…
Có thể thấy, với lợi thế, tiềm năng sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, đã và đang phát huy hiệu quả trong việc thu hút ngày càng nhiều khách du lịch tới Côn Đảo thăm quan, nghỉ dưỡng. Tin tưởng rằng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, du lịch Côn Đảo sẽ thực sự cất cánh, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch dịch vụ chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp, nhất là đối với người dân ở các huyện miền núi, biên giới, có đồng bào DTTS sinh sống.
Đức Anh
19:47 23/11/2024Bùi Bình
22:58 22/11/2024Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình
Lợi Châu
Đức Anh
Văn Thanh
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Minh Thắng