Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 14/10/2020 - 17:06
Vụ sạt lở núi do mưa lũ tại khu vực nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên-Huế là sự cố thiên tai đặc biệt nghiêm trọng khiến 30 người mất tích.
Vận chuyển các trang thiết bị để tiếp ứng cho lực lượng cứu hộ cứu nạn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Khi tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tỉnh miền Trung đang gồng mình chống chịu giữa biển nước mênh mông của đợt mưa lũ lịch sử, một tin buồn đã đến khi Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 gặp sự cố sạt lở núi khiến 30 người mất tích, bao gồm cả công nhân và các thành viên của Đoàn công tác đến hiện trường kiểm tra. Đây là sự cố thiên tai đặc biệt nghiêm trọng.
Nỗi đau chồng nỗi đau
Xã Phong Xuân, huyện Phong Điền nằm dưới chân núi, cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 20 km, người dân nơi đây thường ngày vẫn cung cấp nhu yếu phẩm cho các công nhân đang thi công ở trên núi.
Mấy ngày nay khi thông tin về những công nhân của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn công tác bị mất liên lạc, không khí lo lắng bao trùm lên những người dân địa phương.
Ông Phan Văn Khánh, 70 tuổi, ở thôn Bình An, xã Phong Xuân cho biết, địa bàn xã từ trước đến nay không có hiện tượng sạt lở núi. Do vậy, khi xảy ra vụ việc này, người dân địa phương rất bàng hoàng. Địa phương cũng có một số con em đang làm công nhân ở đây nên mọi người ai cũng ngóng đợi thông tin và cầu mong sự may mắn sẽ đến.
Tại Trường Trung học Cơ sở Phong Xuân, nhiều thân nhân của những công nhân tử nạn đang đợi để xác nhận người thân và đưa về quê an táng. Nghe hung tin người con trai 29 tuổi bị thiệt mạng từ sự cố tại Thủy điện Rào Trăng 3, ông Đặng Hữu đã vội vã bắt xe từ huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị lên thẳng xã Phong Xuân, chờ đợi trong nỗi đau.
Gạt nước mắt, ông chia sẻ, con trai ông đi làm công nhân xây dựng Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 được ba năm, thường xuyên gửi tiền về để giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
[Vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3: Triển khai 2 hướng tiếp cận cứu nạn]
Trước khi gặp nạn 4 ngày, anh có gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình và sau đó khi có thông tin về sự cố ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, gia đình không thể liên hệ được nữa. Nỗi lo lắng về điều tồi tệ nhất đã xảy ra khi gia đình nhận được thông báo.
Trước đó, trưa ngày 12/10, sau khi nhận được tin báo điện thoại ngắn ngủi của một công nhân về sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích, lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày.
Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ôtô không qua được, đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến khoảng 21 giờ ngày 12/10, do mưa rất lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà đoàn đang nghỉ, có 8 người thoát được ra ngoài.
Có mặt tại hiện trường chỉ đạo trực tiếp công tác cứu hộ cứu nạn ngày 13/10, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã gửi lời chia sẻ sâu sắc đối với mất mát, đau buồn, lo âu của những gia đình có người đang mất tích liên quan đến vụ sạt lở núi đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Thủy điện Rào Trăng 3. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho Thừa Thiên-Huế, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm và sẵn sàng cứu chữa cho người bị thương.
Khẩn trương đưa người bị thương và thi thể nạn nhân ra ngoài
Bước sang ngày thứ 3 của cuộc tìm kiếm, mọi thông tin về những người mất tích được người thân cũng như đồng bào cả nước dõi theo, với hy vọng những phép màu sẽ xảy ra.
Máy bay trực thăng đã được điều động tham gia cứu hộ, cứu nạn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Sáng 14/10, Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) đã chia thành hai hướng đường thủy và đường bộ tiến vào khu vực sạt lở để đưa những người bị thương và thi thể nạn nhân vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài.
Hướng đường bộ tiến theo đường 71 đã được khai thông cơ bản đến gần vị trí xác định có thi thể các nạn nhân và người bị thương. Hướng đường thủy, do lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai sử dụng xuồng và cano vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền để vận chuyển hàng hóa cho những công nhân đang tập trung ở Thủy điện Rào Trăng 4 và sẽ triển khai đưa những người bị kẹt ở đây ra ngoài.
Trong sáng 14/10, lực lượng chức năng đã huy động máy bay trực thăng và chó nghiệp vụ tham gia cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương chỉ đạo tranh thủ thời tiết không mưa, đẩy nhanh tiến độ khai thông các điểm sạt lở, phấn đấu đến trưa 14/10 sẽ thông tuyến vào khu vực trạm kiểm lâm tiểu khu 67, vị trí được cho là nơi có 13 người trong Đoàn công tác bị mất tích.
Ghi nhận tại hiện trường, nhiều máy phát điện đã được tăng cường vận chuyển vào trong đường 71 để có thể hỗ trợ các lực lượng làm việc trong đêm.
Trước đó, tối 13/10, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp cận được Thủy điện Rào Trăng 4, cung cấp nhu yếu phẩm cho các chuyên gia, công nhân tại đây.
Lực lượng Công an đã kịp thời cứu và đưa 5 người bị thương nặng đi cấp cứu tại bệnh viện. Trước đó, 40 công nhân từ Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ) đã di chuyển bằng đường rừng về Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 cách đó khoảng 10km.
Lãnh đạo Thủy điện Rào Trăng 3 đã xác nhận đến thời điểm hiện nay có 3 trường hợp công nhân của Nhà máy bị tử vong do sạt lở núi vào ngày 12/10.
Các lực lượng chuẩn bị tiến vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để cứu nạn cứu hộ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Cũng liên quan vụ sạt lở này, ngày 14/10, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị nạn do sạt, lở đất ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3, thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Danh tính 3 nạn nhân trong vụ sạt lở bước đầu được xác định gồm Lê Văn S. (sinh năm 1984), Lê Văn H. (sinh năm 1983) và Nguyễn Đình N. (sinh năm 1984), đều trú tại thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, thay mặt lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà, Trưởng ban Dân vận huyện Lộc Hà Đặng Xuân Tùng và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình có người bị nạn.
Tại đây, lãnh đạo huyện Lộc Hà đã chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thân bị nạn và hỗ trợ mỗi gia đình số tiền 4 triệu đồng.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ Phan Đình Hinh, địa phương có nhiều con em đang tham gia làm việc tại các công trình thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Riêng tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3 đã có trên 10 người hiện đang làm việc tại đây. Đến thời điểm này, cấp ủy chính quyền địa phương vẫn chưa có được tình hình cụ thể của con em địa phương tại vùng bị nạn do thông tin chia cắt./.
(Theo Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Phương Anh
21:55 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương