Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 01/09/2012 - 13:40
(Thanh tra) - Khác với những người phụ nữ được chồng chiều chuộng “sớm đón chiều đưa, cưng chiều ưu ái, ra phấn vào son”, là sự chịu khó tần tảo nuôi con khôn lớn và thầm lặng hi sinh của những người vợ lính Nhà giàn DK1.
, Chị Nguyễn Thị Hồng, vợ Trung úy Lê Trần Phương xúc động trong ngôi nhà đồng đội.
Khi chồng vắng nhà biền biệt cả năm, trên đôi vai gầy nhỏ nhắn ấy, các chị vừa làm tròn thiên chức của người mẹ, vừa thay chồng nuôi dạy con cái, lại hiếu thảo với cha mẹ nội ngoại hai bên gia đình. “Đảm đang, chung thủy, vẹn tròn” là đức tính của những người vợ lính Nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân.
Lon gạo quê em giành đợi anh về
Chúng tôi đến ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để trao quyết định “Tặng Nhà đồng đội” cho chị Nguyễn Thị Hồng, là vợ của Trung úy chuyên nghiệp Lê Trần Phương, nhân viên cơ yếu hiện công tác tại Nhà giàn DK1/2 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Căn nhà đồng đội thơm mùi vôi mới chừng 24m2 thật sự ấm áp bởi sự có mặt của lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và bộ đội Hải quân Nhà giàn DK1.
Nhận quyết định “Tặng Nhà đồng đội” của Bộ Tư lệnh Vùng 2 trao tặng, chị Nguyễn Thị Hồng mắt đỏ hoe xúc động chẳng nói nên lời. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong căn nhà mới cứ lăn dài trên má. Chen lẫn niềm vui, xúc động, chị Hồng nghĩ về chồng đang công tác tại Nhà giàn ngoài khơi xa.
Chị Hồng kể, quê chị ở một miền đất trung du nghèo của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2005, chị theo bạn vào làm công nhân giầy da ở khu công nghiệp Nhơn Trạch Đồng Nai rồi tình cờ gặp anh Phương trong một lần giao lưu kết nghĩa. Khi ấy, anh Phương công tác ở đơn vị Căn cứ 696 Hải quân.
Lấy nhau rồi, với mức lương “ba cọc, ba đồng” của 2 vợ chồng không đủ sinh hoạt hằng ngày, ước mơ có ngôi nhà mới để che nắng, che mưa chỉ là mơ ước. Nhờ nội ngoại 2 bên giúp đỡ ít nhiều, anh chị mua mảnh đất 80m2 sình lầy, cỏ hoang gần bãi rác ở ấp Bến Đình, dựng tạm chiếc chòi lá để mẹ con có chỗ chui ra, chui vào.
Ngày anh đi Nhà giàn DK1, chị Hồng động viên chồng: “Nhiệm vụ của quân đội giao là quan trọng, anh cứ đi đi, mẹ con em ở nhà sẽ ổn. Bên cạnh mình còn có hàng xóm, bạn bè và đồng đội”.
Đứa con trai chưa đầy tuổi cứ trân trân nhìn bố. Ghé má mình, Phương bảo con trai: “Thơm bố cái nào, bố đi xa lắm, năm sau mới về”. Cu con thơm má bố, còn chị Hồng giấu giọt nước mắt bằng cách gục đầu vào vai áo chồng. Họ chia tay trong hoàn cảnh nhớ thương ấy.
Chồng đi Nhà giàn DK1, chị Hồng gửi con nhà trẻ tất bật với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền. 6 giờ sáng đạp xe vượt gần chục cây số đến xí nghiệp. 6 giờ tối trở về, ghé bên đường mua quả trứng vịt, về nhà nhóm lửa nấu cơm. Rau muống mẹ ăn, miếng trứng chiên chị giành cho con.
Nhớ lại những ngày gian khó, chị Hồng nghẹn ngào: “Thời gian anh ấy đi Nhà giàn DK1, mẹ con em ở nhà khổ lắm. Nội ngoại ở xa đều nghèo, lúc con ốm em chẳng biết kêu ai được. Nhiều đêm mưa tầm tã, mẹ con ôm nhau co ro và thấy cô đơn. Những lúc như thế lại thấy thương anh ấy, vì ngoài biển giông bão bất thường. Em nghĩ ở đất liền khó khăn thiếu thốn cũng chẳng thấm gì so với các anh ở Nhà giàn. Những lúc khó khăn nhất, em lại nhớ đến buổi chia tay, thế là vượt qua. Nếu nói vợ lính Nhà giàn hiện nay không thiệt thòi là không đúng, nhưng em lại thấy luôn tự hào và kiêu hãnh. Bù lại thiệt thòi sau hơn 200 ngày xa cách, là tình yêu của anh ấy giành cho mẹ con em. Em nghĩ thế là đủ rồi”.
Chị Hồng khoe với chúng tôi: “Biết được đơn vị tặng cho căn Nhà đồng đội, mẹ em gửi 5kg gạo nếp từ quê vào làm quà cho thằng cu tí. Anh ấy đi biển rồi, mẹ con em ở nhà ăn gì chả được. Em để giành khi anh ấy về ăn luôn”.
Mùa “tuyển quân”
Tiếp xúc với những người vợ lính Nhà giàn DK1, chúng tôi mới vỡ lẽ 2 chữ “tuyển quân”. Những câu chuyện “tuyển quân” được các chiến sĩ Nhà giàn truyền nhau như một mách bảo đầy kinh nghiệm. Chuyện “tuyển quân” của chị Nguyễn Thị Hương, vợ Thiếu úy chuyên nghiệp Trương Công Định là “mô hình” để những người vợ khác học tập.
Sau 2 tuần trăng mật, tạm biệt người vợ thân yêu ở quê nhà, anh Định trở lại đơn vị cho chuyến đi biển mới. Vì khao khát có đứa con, chị Hương vượt hơn 1.500 cây số từ Tĩnh Gia, Thanh Hóa vào thăm chồng. Nói là thăm chồng chứ kỳ thực là vào “kiếm” đứa con. Đúng lúc đơn vị sửa chữa doanh trại, không có nhà khách, “tổ ấm” của vợ chồng trẻ là căn nhà thuê rộng chừng 14m2 gần đó.
Trong thời gian “tuyển quân”, chị Hương nhận việc về làm thêm, vừa đỡ buồn chân tay, vừa giúp chồng một phần chi phí trong sinh hoạt hằng ngày. Ngày huấn luyện, tối cùng vợ khâu giày, họ thủ thỉ bên nhau như đôi chim xây tổ ấm.
Trong niềm vui của người vợ trẻ sắp được làm mẹ, chị Hương tâm sự: “Được làm mẹ, làm vợ lính là niềm khát khao của cả đời em. Với những người vợ bộ đội thời bình như em, cả năm biền biệt xa chồng là một thiệt thòi, nhưng phải biết hy sinh hạnh phúc riêng vì nghĩa lớn. Đứa con là sợi dây tình cảm thiêng liêng nhất để chúng em sống vì nhau. Một tháng nghỉ phép còn phải lo bao việc gia đình, bè bạn, “chưa ấm chỗ” anh ấy lại đi thì “cơm cháo gì”!
Xoa xoa bụng vợ, anh Định cười: “No dồn đói góp. Là bộ đội Hải quân thì đánh đâu trúng đấy”. Chị Hương… bĩu môi: “May mà em vào đây mới “tuyển được quân”, lần nghỉ phép sau, có hai mẹ con rồi anh đừng hòng bắt nạt ...”.
Chuyện “tuyển quân” của vợ lính Nhà giàn DK1 đâu phải ai cũng “thuận buồm xuôi gió” như chị Hương. Có chị 12 năm theo chồng để “tuyển” mà vẫn không đậu. Câu chuyện “tuyển quân” của chị Nguyễn Thị Chiến, vợ Thiếu tá Bùi Văn Dong, y sĩ Nhà giàn DK1/6 là một trường hợp như vậy.
12 năm qua, căn nhà thuê của vợ chồng chị ở 41/7 đường Đô Lương, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa đầy 15m2, chỉ đủ kê chiếc giường và bàn bếp, vậy mà cứ rộng thùng thình vì luôn vắng bóng chồng. Ngày chị lủi thủi một mình, đêm về lại làm bạn với chiếc giường cũ kỹ. Chị Chiến nghẹn ngào nói: “Em vào đây đã 12 năm. Chỉ mong có thêm đứa con nữa. Anh Dong đã 8 lần về mà mãi chưa được. Một mình ở đây buồn lắm”. Chị Chiến khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi nén chặt lâu ngày hôm nay mới có dịp trào ra.
Tôi xúc động khi đọc được bài thơ chị viết gửi tặng chồng những ngày mới cưới: “Chỉ bên em ít ngày rồi anh lại đi xa/Em trải dài nỗi nhớ theo tháng năm chờ đợi/Bạn bè em ai cũng bảo yêu lính là dại khờ nông nổi/Bởi gia tài có gì hơn ngoài chiếc ba lô…”.
Tôi không thể trích hết lá thư của chị Chiến viết cho chồng và cũng không thể nói hết những niềm vui, nỗi buồn, trăn trở lo toan của những người vợ lính DK1. Ai cũng một lòng thủy chung son sắc, đảm đang thay chồng nuôi dạy con ngoan dù luôn cô đơn, khắc khoải chờ chồng dài đằng đẵng, chưa kể những lúc khó khăn hoạn nạn, con ốm, mẹ héo, cha già. Vượt lên trên những khó khăn, thiếu thốn ấy là đức cần cù chịu khó, hy sinh hạnh phúc riêng tư, thủy chung vẹn toàn, là hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành nhiệm vụ. Và, có lẽ trong cuộc sống hiện đại hôm nay, một bên là cuộc sống nhung lụa nơi phồn hoa đô hội của những phụ nữ giàu có, một bên là cuộc sống giản dị thường nhật cơm áo gạo tiền của những vợ lính. Một bên là sớm đón chiều đưa, một bên là một mình lầm lũi nuôi con thay chồng. Sự thiệt thòi khác biệt ấy, chỉ có ở những người vợ lính Nhà giàn DK1- những người được gọi là “bốn trong một”, vừa làm mẹ, làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội.
Mai Thắng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà