Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ hai, 08/07/2024 - 22:10
(Thanh tra) - Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội. Đáng nói, số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hoá, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn…
Vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp và ngày càng trẻ hoá. Ảnh: C.D
Gia tăng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật
Kết quả giám sát tình hình vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên của HĐND TP Hà Nội từ ngày 1/1/2018 - 31/12/2023 tại 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, trong 5 năm qua, Công an TP Hà Nội đã phát hiện 858 vụ với 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, chiếm 3,4% tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra.
Các số liệu thống kê của Công an TP Hà Nội cũng cho thấy, vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên đã tăng lên cả về số vụ và số lượng đối tượng phạm tội. Nếu như năm 2018, cơ quan chức năng phát hiện 100 vụ, 204 đối tượng thì đến năm 2023, con số này đã là 231 vụ với 1.390 đối tượng (tăng 642% so với năm 2018).
Đáng lo ngại, hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Trong số 858 vụ, 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật thì các loại tội phạm chủ yếu là giết người, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, giao cấu với trẻ em, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, sử dụng trái phép ma tuý...
Số liệu thống kê cũng cho thấy, độ tuổi vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hoá: Dưới 14 tuổi 67 đối tượng (2,1%); từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi 796 đối tượng (25,3%); từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi 2.287 đối tượng (72,6%). Như vậy, có thể thấy, có xấp xỉ 30% số đối tượng dưới 16 tuổi phạm tội.
Lo ngại hơn, qua đánh giá, phân loại, hiện nay đang gia tăng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật. Trong số 3.150 đối tượng vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi thì đã bỏ học là 1.278 đối tượng (hơn 40%); còn lại là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường (gần 60%).
Trong số các đối tượng vi phạm, số đối tượng có trình độ học vấn THPT chiếm 61,8% (1.948 đối tượng), trình độ THCS chiếm 37% (1.166 đối tượng) còn lại là trình độ tiểu học.
Thông tin đáng chú ý từ kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, các vụ việc vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên thường xảy ra tại địa bàn các huyện ngoại thành khu vực giáp ranh phức tạp, khu vực dân trí không cao, điều kiện cập nhật thông tin bị hạn chế.
So sánh trên các địa bàn có thể thấy, các quận nội thành có số trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật thấp hơn các huyện giáp ranh ngoại thành. Cụ thể, trong 5 năm từ 2018 đến 2023, quận Cầu Giấy có 18 đối tượng, quận Ba Đình có 24 đối tượng, quận Đống Đa có 25 đối tượng, quận Bắc Từ Liêm 47 đối tượng; huyện Ba Vì 149 đối tượng, huyện Chương Mỹ 200 đối tượng, huyện Đông Anh 236 đối tượng, quận Hà Đông 221 đối tượng, huyện Sóc Sơn 226 đối tượng.
Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng không còn đơn giản là do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị. Thời gian gần đây, tình trạng các thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm (gồm cả học sinh) thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích... thậm chí còn mang theo hung khí (dao kiếm, tuýp sắt gắn dao bầu...) để giải quyết mâu thuẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ra các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích... gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Trong 5 năm qua, Công an TP Hà Nội đã phải xử lý hình sự 682 vụ, 2.383 đối tượng (chiếm 79,5%); xử lý hành chính 139 vụ, 630 đối tượng (chiếm 16,2%); các hình thức xử lý khác 37 vụ, 137 đối tượng.
Cần nhiều giải pháp
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên phạm tội, Ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội nhận định, ngoài những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm hình sự nói chung, còn có những đặc điểm riêng như lứa tuổi, đặc trưng về tâm sinh lý... và những lý do xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo số liệu thống kê của Công an TP Hà Nội, ngoài các đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phức tạp, thì đa số các đối tượng trẻ vị thành niên đều đang sống với gia đình. Qua đó, có thể thấy vấn đề giáo dục con cái trong nhiều gia đình hiện nay chưa thực sự được chú trọng, quan tâm.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân xuất phát từ nhà trường và xã hội. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên liên tục; công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nhiều nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong trường học hiện nay còn nhiều bất hợp lý (ví dụ như việc xử lý đối với các học sinh vi phạm kỷ luật ở hình thức buộc thôi học, dẫn đến các em bị thất học, không có việc làm, bị đối tượng xấu lôi kéo); sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội...
Để hạn chế vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên, theo Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương cần phải có nhiều giải pháp phòng ngừa. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về thanh niên, trẻ em, bao gồm cả hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng bộ máy tư pháp hoàn chỉnh để áp dụng các quy định đặc thù về người chưa thành niên phạm tội như: Tòa án chuyên biệt, chế độ giam giữ, công tác cán bộ, cơ sở vật chất dành riêng cho người chưa thành niên. Có cơ chế đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp chuyên trách tiến hành tố tụng đối với các vụ án người chưa thành niên phạm tội...
Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về vai trò và trách nhiệm của gia đình và nhà tường trong việc giáo dục trẻ em vị thành niên; chú trọng hơn nữa việc quản lý, giáo dục trẻ em trong mỗi gia đình và nhà trường; tạo môi trường thuận lợi cho trẻ vị thành niên phát triển lành mạnh, hoàn thiện nhân cách…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 21/11, Sở Thông tin và Truyền thông khai trương dự án "Thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025".
Kim Thành
21:13 21/11/2024(Thanh tra) - Ngày 21/11, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai năm 2024.
Phương Anh
21:05 21/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Hương Trà
19:24 21/11/2024Ngọc Phó
16:21 21/11/2024N. Phê - L. Bình
16:20 21/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên