Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 27/09/2019 - 20:25
Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá việc ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực là cần thiết và vào đúng thời điểm, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 7. (Nguồn: TTXVN)
Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá việc ban hành chủ trương này là cần thiết và vào đúng thời điểm, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Chánh văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền Hoàng Trọng Hưng để làm rõ hơn tầm quan trọng của việc triển khai Quy định trong bối cảnh các địa phương chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp.
-Xin ông cho biết vì sao Bộ Chính trị quyết định ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vào thời điểm này. Ông dự báo như thế nào về tác động của quy định này tới công tác cán bộ trong thời gian tới?
+Ông Hoàng Trọng Hưng: Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Trong đó, Nghị quyết 26 (Hội nghị Trung ương 7) đã yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các trường hợp có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; “kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ…”; nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ, đảng viên để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.
Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “... Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.”
Trong thời điểm các cấp ủy triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì việc ban hành và thực hiện Quy định này càng cần thiết đối với công tác chuẩn bị nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo.
-Trong Quy định có bốn mục, trong đó có hai mục là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đồng chí có thể nói rõ hơn về những điểm mới của các quy định trong hai mục này?
+Ông Hoàng Trọng Hưng: Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về lĩnh vực này. Theo tôi, Quy định có 5 nhóm nội dung mới.
Thứ nhất là cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực theo các chủ thể: Các nội dung quy định theo 6 nhóm chủ thể là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ để gắn trách nhiệm, nêu những việc phải làm, không được làm đối với từng nhóm chủ thể này.
Chẳng hạn như: Với chủ thể là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo thì Quy định nêu rõ phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai trong từng khâu về công tác cán bộ... Hay với chủ thể là người đứng đầu cấp ủy, địa phương thì phải triệu tập đầy đủ, đúng thành phần khi họp bàn về công tác cán bộ; dành thời gian thỏa đáng để tập thể thảo luận, biểu quyết thật sự khách quan, dân chủ; không được thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình…
Chủ thể là cán bộ tham mưu phải chịu trách nhiệm về đề xuất của mình và tính chính xác, kịp thời của hồ sơ nhân sự... Còn chủ thể là nhân sự thì phải có trách nhiệm kê khai trung thực tài sản, thu nhập theo quy định...
Thứ hai là quy định về hành vi: Nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Trong một số văn bản của Đảng đã nêu vấn đề này nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Việc chỉ rõ như trong Quy định làm cơ sở cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý và giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào đó để phát hiện, tố giác, phản ánh.
Thứ ba là bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Bộ Chính trị đã có Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngoài hình thức xử lý theo Quy định 102-QĐ/TW, người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật…
Thứ tư, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh tính tự giác. Đơn cử, những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ phải tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý khi có người thân là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Tránh trường hợp bố, mẹ nhận xét con; vợ nhận xét chồng... sẽ không khách quan; nhân sự thì phải tự giác không ứng cử hoặc nhận đề cử khi thấy mình không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khỏe… Đây cũng chính là việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hành xây dựng Đảng về đạo đức, hình thành nét văn hóa, lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên trong vấn đề này.
Quy định cũng nghiêm cấm nhân sự trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phát tán thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ.
Thứ năm, quy định này có những nội dung nhằm đảm bảo tính khách quan cho những người thực thi nhiệm vụ đồng thời ngăn chặn tiêu cực, “lợi ích nhóm,” “hoàng hôn nhiệm kỳ” có thể xảy ra trong công tác cán bộ. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan không được bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan trực tiếp, có thể tạo ra ảnh hưởng đến tính khách quan trong thực thi công tác cán bộ như Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra ở cùng một địa phương... ; yêu cầu phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ khi người đứng đầu ở đó đã có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, hay quy định thời hạn phải chuyển đổi người theo dõi công tác cán bộ đối với một địa bàn, lĩnh vực…
-Để đảm bảo Quy định này phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần có những lưu ý gì đối với cấp ủy các cấp trong quá trình triển khai, thưa đồng chí?
+Ông Hoàng Trọng Hưng: Để triển khai thực hiện hiệu quả, đưa Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống; ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền trong công tác cán bộ, các hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung làm tốt một số giải pháp trọng tâm.
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống chạy chức, chạy quyền thông qua công tác tuyên truyền, quán triệt Quy định. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa, môi trường lành mạnh trong bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; lên án mạnh mẽ việc chạy chức, chạy quyền và các hiện tượng tiêu cực khác trong công tác cán bộ.
Đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị; coi việc thực hiện nhiệm vụ khách quan, công tâm là lương tâm, nhân phẩm, lòng tự trọng của người có thẩm quyền trong công tác cán bộ.
Thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW gắn với thực hiện có hiệu quả Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc: Các quy định của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phải thống nhất với quy định của Đảng; đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành và phù hợp với tình hình thực tế.
Trong thời gian tới, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định này. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới khung xử lý hành vi vi phạm nêu trong Quy định.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Cấp ủy các cấp thường xuyên tự kiểm tra, tự đánh giá công tác cán bộ, thực hiện cấp trên kiểm tra, giám sát, thanh tra cấp dưới và cấp dưới giám sát cấp trên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nội bộ và theo chuyên đề, chuyên ngành.
Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể (tổ chức đảng, cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức) và của cá nhân cán bộ, đảng viên trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục việc nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc lợi dụng để đả kích, nói xấu hoặc thực hiện ý đồ cá nhân.
Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực theo hướng: Thực hiện công khai, minh bạch và giải trình theo quy định khi có yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự.
Định kỳ trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm; coi trọng và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.
Điều căn bản là phải xây dựng cho được một môi trường lành mạnh, văn hóa; đề ra cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực trong trong công tác cán bộ. Theo tôi, Quy định này đã có các biện pháp cụ thể, cần thiết và mạnh mẽ.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hà Nội yêu cầu kiểm tra đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có gia tăng chi phí cao bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lãng phí trong thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Hải Hà
17:09 11/12/2024(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.
Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Trung Hà
Hương Giang
Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang