Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 17/06/2012 - 17:12
Nước sạch sinh hoạt bị thiếu, ô nhiễm hay nhiễm mặn đang trở thành vấn nạn, đe doạ hàng triệu dân ở khắp vùng đô thị và nông thôn cả nước. Nguyên nhân không chỉ do biến đổi khí hậu, rừng bị tàn phá, sông suối bị chặn, phân tầng để làm thuỷ điện... mà còn do sự tắc trách của con người.
Nhiều khu vực thiếu nước sạch, người dân phải mua với giá cao 2-3 lần quy định - Ảnh: T.Phan
Nước thải “đầu độc” nước nguồn
Mới đầu hè, nhưng nhiều nơi ở cả thành phố lẫn nông thôn đã bị mất nước sinh hoạt cục bộ. Trong khi đó, cứ sau những trận mưa to, những ngày triều cường, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM lại thừa thãi nước thải dâng ngập đường phố. Mặc dù Hà Nội, TPHCM đã có nhiều cố gắng, nhưng tình trạng ngập nước đô thị vẫn không được cải thiện. Sau mưa to, triều cường, nhiều đường phố vẫn biến thành sông, nhiều hộ dân vẫn phải lội bì bõm trong nước ngập để hứng những giọt nước máy ri rỉ và nhiễm bẩn vàng đục. Nước thải sinh hoạt cộng với lượng nước thải công nghiệp luôn “dồi dào”, do các DN xả thẳng ra môi trường, sông ngòi không qua xử lý đã góp phần “đầu độc” nước mặt và nước ngầm – những nguồn chính để khai thác, sản xuất nước sinh hoạt.
Tại Đà Nẵng, liên tiếp mấy tuần qua, người dân lại phản ứng KCN dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang gây ô nhiễm môi trường. Đây là “điểm nóng” ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài gần 10 năm qua. Tại đây hiện có trên 20 DN thu mua, chế biến thuỷ hải sản đang hoạt động, mỗi ngày đêm xả ra xấp xỉ 7.000-8.000m3 nước thải, trong khi nhà máy thu gom, xử lý nước thải cho cả KCN chỉ được thiết kế... 3.000m3. Quá tải, vỡ đường ống, đổ bể chứa... gây ô nhiễm đến khu dân cư xung quanh là điều tất yếu.
Mới đây, thanh tra Bộ TNMT, Cảnh sát môi trường bắt quả tang hàng loạt DN xả thẳng nước thải ô nhiễm ra biển. Vụ việc chưa nguôi dư luận, thì hiện nay, tại KCN Hoà Cầm lại rộ lên việc DN thải thẳng nước ra khu dân cư, làm cây trồng, cá nuôi của nông dân Hoà Vang chết oan uổng... Hiện tượng tương tự cũng đã “làm nóng” dư luận tại Quảng Ngãi từ đầu năm 2012.
Miền Nam cũng là “điểm nóng” về tình trạng DN xả nước thải ra môi trường, với những vụ nổi cộm như Cty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải, Cty CP dịch vụ Sonadezi Long Thành xả nước thải ra sông Đồng Nai... Điều đáng nói là hầu hết các KCN ở khắp cả nước đều xảy ra hiện tượng tương tự, gần như cứ nơi nào có KCN thì môi trường và các dòng sông nơi ấy bị “đầu độc” bởi nước thải công nghiệp. Chỉ khi người dân tụ tập, phản ứng tập thể hay có đoàn thanh tra cấp nhà nước về thì nhiều vụ việc mới được phát hiện, chấn chỉnh. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
Các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đang báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông suối do khai thác vàng, khoáng sản, sử dụng hoá chất phân kim độc hại như cyanua, thuỷ ngân... đe doạ sức khoẻ người dân và súc vật nuôi. Ở ĐBSCL, sông Tiền, sông Hậu đang oằn mình với chất thải từ các KCN và các lồng nuôi cá bè. Chỉ tính riêng các nguồn chất thải do nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL, mỗi năm đã có khoảng gần 500 triệu m3. Ở miền Bắc, sông Hồng ngày càng cạn kiệt, sông Đà thì đang bị hàng chục tàu vàng “tàn sát”, đổ thủy ngân vào “bể nước ăn” người Hà Nội (Báo Lao Động ngày 25.5.2012).
Song song với việc môi trường tự nhiên bị hoạt động công nghiệp “đầu độc” bằng nước thải ô nhiễm, không qua xử lý, hiện nay nguồn nước tự nhiên từ sông suối, mạch nước ngầm cũng bị khai thác vô tội vạ, thiếu quy hoạch tổng hợp, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nổi bật nhất là việc nhà máy thuỷ điện Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã cắt kiệt dòng đầu nguồn của sông Vu Gia, chuyển hẳn nước về sông Thu Bồn để nâng cao hiệu quả phát điện. Hậu quả, hơn 50% lưu lượng của dòng sông Vu Gia bị cạn kiệt, trên 1,7 triệu dân vùng hạ du thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuộc tranh chấp nguồn nước này giữa 2 địa phương cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
“Khát” nước sạch
Nguồn nước mặt, nước ngầm suy giảm cả về số lượng và chất lượng đã dẫn tới tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt. Mới đầu hè, một số khu vực ngay trong nội thành Hà Nội, như nhà D3 khu tập thể Thành Công, khu dân cư phường Láng Thượng... đã bị mất nước sinh hoạt cục bộ. Cơn “khát” nước sạch tại ngoại thành còn trầm trọng hơn. Theo thống kê, đến nay mới có 32% dân số ngoại thành Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn.
Một số xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì... có tới 40-60% số hộ thiếu nước sinh hoạt từ 4-6 tháng trong năm. Vào mùa hè, giếng khơi, giếng khoan cũng cạn, nhiều hộ dân phải lọc nước ao tù để tắm, giặt hằng ngày, còn nước ăn phải mua từng can, từng thùng với giá lên tới 80.000-100.000 đồng/m3.
Hà Nội đã đầu tư xây dựng 102 trạm cấp nước sạch, nhưng mới dừng lại ở các thị trấn và vùng đông dân cư ven đô, trong đó gần 20 trạm chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Phần lớn dân cư nông thôn đang sử dụng nước giếng đào, giếng khoan, nước mưa, nước sông, ao, hồ... không bảo đảm vệ sinh. Nhiều dự án cấp nước sạch nông thôn đã được phê duyệt với kinh phí hàng chục tỉ đồng lại chưa được triển khai. Điển hình là dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã bị thu hồi đất phục vụ dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và các xã vùng lân cận huyện Ba Vì với tổng kinh phí hơn 358 tỉ đồng, vẫn “đắp chiếu” sau 1 năm kể từ ngày được phê duyệt.
Vùng nông thôn miền Trung cũng có hàng loạt công trình nước sạch sinh hoạt được đầu tư gần như không phát huy hiệu quả như mong muốn. Tại Quảng Nam, có đến 321 trong số 387 công trình cấp nước sạch hoạt động không hiệu quả. Trên 320 công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chính phủ, 84 công trình từ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và nhiều công trình do xã hội, các nhà đầu tư thuỷ điện xây dựng ở các khu tái định cư đều có hiệu quả thấp, thậm chí nhiều nơi còn bị bỏ hoang, gây lãng phí, bức xúc trong dân. Tuy vậy, nguyên nhân bao giờ cũng bị đổ lỗi do ý thức người dân miền núi kém, không bảo vệ, phá hỏng, không có nguồn kinh phí sửa chữa kịp thời...
Hiện nguồn vốn Chính phủ và các nguồn tài trợ khác đang tập trung đầu tư cho vấn đề nước sạch nông thôn miền Trung, trong đó Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ gần 50 triệu USD, đầu tư nước sạch cho trên 350.000 dân các huyện miền núi thuộc 6 tỉnh khu vực miền Trung vừa mới triển khai năm 2001. Tuy nhiên, để các công trình này phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia ngay từ đầu của người thụ hưởng, tham gia giám sát của nhân dân.
Dùng cả nước bẩn
Dù khan hiếm, nhưng mỗi ngày có một lượng lớn nước sạch bị lãng phí vì tỉ lệ thất thoát nước cao. Đơn cử như ở TPHCM, mỗi ngày, các nhà máy nước sạch cung cấp khoảng 1,5 triệu m3 nước, nhưng do tỉ lệ thất thoát nước sạch hiện nay chiếm đến khoảng 38%, do vậy lượng nước bị thất thoát không đến với người dân ước khoảng 500.000m3, trị giá hàng tỉ đồng.
Trong lúc đó, người dân ở nhiều nơi lại phải sử dụng nước giếng khoan và cả nước máy không đảm bảo vệ sinh. Giữa tháng 5 vừa qua, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường công bố kết quả điều tra về chất lượng nước máy Hà Nội cho biết, khu vực phía nam và đông nam thành phố, nguồn nước ngầm đều bị ô nhiễm nặng. Hàm lượng amoni của mẫu nước lấy tại giếng Nhà máy nước Pháp Vân cao hơn giới hạn cho phép nhiều lần. Tại 3 điểm lấy mẫu ở quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hoàng Mai, hàm lượng asen trong nước máy đều vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là ở quận Hoàng Mai, nước lấy mẫu có hàm lượng asen vượt gấp đôi, hàm lượng chì vượt gấp 3 giới hạn cho phép...
Tại TPHCM, một số khu vực dân cư ở các phường Bình Trị Đông, An Lạc, Bình Hưng Hòa thuộc quận Bình Tân được xem là địa bàn ô nhiễm nguồn nước, do ảnh hưởng từ việc xả thải của một số nhà máy sản xuất, khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa có từ lâu nay. Phần lớn các hộ dân sống tại các khu vực trên đều sử dụng nguồn nước từ giếng khoan bị nhiễm phèn bị vàng đục, nên đều tự trang bị bình lọc nước.
Chị Nguyễn Thị Hương (P.Bình Hưng Hòa) phản ánh: “Nhiều năm không có nước sạch, gia đình phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn. Nhìn bằng mắt nước sau khi lọc có trong hơn, nhưng thật ra vẫn còn mùi tanh tanh, do vậy gia đình chỉ dám sử dụng để tắm, giặt. Còn ăn, uống phải mua nước bình loại 20 lít, với chi phí khoảng 100.000 đồng mỗi tháng”. Dự kiến đến cuối năm 2012, Cty CP Cấp nước Chợ Lớn sẽ lắp đặt 7.000 - 8.000 đồng hồ nước cho người dân, chủ yếu tại các phường Bình Trị Đông, An Lạc, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B - quận Bình Tân.
Tương tự, nhiều hộ dân P.Trường Thọ (Q.Thủ Đức), xã Vĩnh Lộc A, B (huyện Bình Cách), Cần Giờ, Nhà Bè... nhiều năm qua sống trong cảnh thiếu nước sạch, hằng ngày phải chấp nhận sử dụng nguồn nước bẩn hoặc phải đi mua lại từng can nước sạch từ các đại lý với giá cao gấp 2-3 lần mức giá quy định.
Tình trạng này đã được người dân phản ánh đến chính quyền các cấp cũng như ngành cấp nước TPHCM đã nhiều năm, nhưng đến nay, tỉ lệ hộ dân thiếu nước sạch vẫn ở mức cao. TCty TNHH một thành viên Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, tỉ lệ hộ dân trên địa bàn thành phố được cấp nước sạch hiện nay đạt khoảng 86,04%, dự kiến sẽ năng lên mức 87% trong năm 2012. Tuy mục tiêu năm 2012 chỉ nâng tỉ lệ hộ dân có nước sạch tăng thêm khoảng 1%, song thực hiện nó không đơn giản, bởi vấn đề lớn nhất đối với ngành cấp nước hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư.
Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015 có tổng vốn 27.600 tỉ đồng với mục tiêu, đến cuối 2015, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày.
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng thường xuyên nhận được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, trong đó có Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Từ năm 1997 đến nay, AFD đã tài trợ cho VN 13 dự án nước và vệ sinh môi trường, như Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp ở 23 tỉnh với khoản vay 14,48 triệu euro xây dựng đường nông thôn, cơ sở hạ tầng thủy lợi và chống lụt, Dự án Lưu vực sông Hồng khoản vay 35 triệu euro để xây dựng, nâng cấp đê, hiện đại hóa các trạm bơm. Nhiều tỉnh, thành như TPHCM, Tây Ninh, Long An, Ninh Thuận, Sơn La, 6 tỉnh đồng bằng sông Mekong, 13 tỉnh miền Trung... đã được cải thiện môi trường, nước sạch, phát triển hạ tầng nông thôn... theo các dự án của AFD. Đã có 11,2 triệu người Việt Nam được thụ hưởng các dự án của ADF, trong đó có 966.000 người được tiếp cận hệ thống nước sạch, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. |
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền