Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tết ở vùng biên

Thứ tư, 25/01/2012 - 08:07

(Thanh tra)- Người giàu ở nước ta bây giờ nhiều lắm, thế nhưng giàu từ việc sản xuất nông nghiệp thì chưa nhiều, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ấy vậy mà, ngay sát với nước bạn Campuchia, làng "đại gia" xuất hiện ngày một nhiều, danh sách những triệu phú "chân đất" ngày càng dày thêm.

"Đại gia" Ksor Găn tiếp chuyện cán bộ Công ty 72.

"Đại gia" giữa đại ngàn

Cũng như những buôn, làng ở khu vực Tây Nguyên, làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tọa lạc bên sườn một ngọn núi cao, xung quanh bao phủ bởi những cánh rừng cao su, cà phê xanh tốt. Lạ thật, ở một nơi mà "gà nước này gáy, nước kia thức giấc", lại có một ngôi làng sầm uất với hàng hàng, lớp lớp những ngôi nhà xây kiến trúc hiện đại, xe máy "xịn", rồi cả xe hơi lưu thông tấp nập đến thế. Nghe chúng tôi đề cập chuyện làm giàu và ăn Tết của bà con, Thiếu tá Dương Thế Hệ, trợ lý dân vận Công ty 72 (Binh đoàn 15) cười hóm hỉnh: "Nhà báo muốn gặp gỡ hộ như thế nào? Ở đây những hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm nhiều không đếm xuể, chỉ sợ nhà báo không đủ sức thôi".

Đang đứng trước nhà lau rửa chiếc xe máy ga mới coóng, nhìn thấy chúng tôi, anh Ksor Găn (dân tộc Jrai, 30 tuổi) đon đả: "Cán bộ đi đâu đấy, vào nhà tôi uống ly nước chè cho ấm bụng đã nào". "Tôi dẫn nhà báo đến tìm hiểu cách làm giàu của Găn đấy", Thiếu tá Hệ tiếp lời. "Cán bộ quá khen rồi, ở đây khối người còn giàu hơn cả mình mà", Ksor Găn khiêm tốn. Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà khang trang được xây từ năm 2007, Găn khoe: "Mình xây căn nhà này hết 200 triệu đồng từ tiền thu hoạch hoa màu và làm công nhân cao su. Còn đây là bộ bàn ghế gỗ hương trị giá hơn 70 triệu đồng được sắm từ tiền thưởng Tết và vượt sản lượng năm ngoái đấy". Nhà Găn chỉ có 4 người mà có tới 6 chiếc xe máy, đều là loại xịn.

Cán bộ, chiến sĩ Công ty 72 giúp nhân dân làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ khơi thông mương dẫn nước vào đồng ruộng.

Có được cuộc sống như ngày hôm nay là từ khi Găn được nhận vào làm công nhân Công ty 72. Tiền lương hơn 6 triệu đồng/tháng, rồi tiền thưởng các dịp lễ, Tết, tiền vượt sản lượng, cộng với thu nhập từ những ha cà phê, sắn... giúp gia đình Găn có của ăn, của để. Có tiền, Găn xây nhà đẹp, mua xe xịn, ti vi, tủ lạnh, đầu tư vào ruộng vườn và việc học hành của con cái... Giờ đây, Ksor Găn được liệt vào hàng "đại gia" ở miền biên viễn, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều năm liền, Găn được các cấp hội nông dân bình bầu là nông dân sản xuất giỏi.

Cũng ở làng Chan, nhà vợ chồng anh Rơ Lan Diên cũng chẳng kém anh Ksor Găn là mấy. Vợ ở nhà lo việc đồng áng, chồng được tiếp nhận làm công nhân Công ty 72. Thu nhập khấm khá cộng với 2ha cao su tiểu điền, 1ha cà phê, 1 ha sắn, hơn 600 trụ tiêu và cà phê... Diên là "hình mẫu" cho đoàn viên - thanh niên xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) noi theo. "Vậy mà có thời gia đình mình được liệt vào diện hộ nghèo của xã đấy...", Rơ Lan Diên hồ hởi cho biết.

Ở vùng biên này, những "đại gia" trẻ tuổi như vợ chồng Ksor Găn, Rơ Lan Diên còn rất nhiều.

Ấm áp những ngày Xuân


Trong tâm tưởng của già làng Siu Luynh, những ngày khốn khó của gần 300 hộ đồng bào dân tộc Jrai này như vừa mới hôm qua. Đó là mùa giáp hạt năm 1985, trong lúc bà con đang lên rừng, xuống suối tìm cái ăn cho gia đình thì cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ Công ty 72 về đây phát dọn đất hoang để trồng lứa cao su đầu tiên. Thấy cuộc sống khó khăn của người dân, các anh vừa vận động bà con vào làm công nhân, vừa làm đường, xây trường học và hỗ trợ vật liệu cho dân làm nhà, lương thực cứu đói... Thấm thoắt mà đã mấy chục năm trôi qua, bộ mặt của làng đã thay đổi hẳn. Không còn những ngày chật vật kiếm miếng ăn, giờ đây bà con đã hướng tới việc ăn ngon, mặc đẹp, làm giàu. Nhiều hủ tục lạc hậu như: “Ma chung”, thuốc thư ma lai, giết bò cúng Yàng, bắt chồng… cũng dần được bà con loại bỏ.

Già làng Siu Luynh, làng Chan (xã Ia Pnôn) cho biết: "Giờ thì khác rồi, bà con mình không những no cái bụng mà còn cất được nhà đẹp, có xe máy để đi, trẻ em được đến trường. Những ngày Tết của đồng bào mình hay Tết của người Kinh, bà con đều mổ lợn, nấu gạo nếp, mua sắm quần áo mới, tổ chức đốt lửa nhảy múa, ăn uống no say cả mấy ngày... ".

Đại tá Võ Phước Nguyên - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 72 cho biết: "Toàn công ty có 724 hộ là người dân tộc thiểu số bản địa, tập trung chủ yếu ở các xã Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), lương bình quân trên 6,5 triệu đồng/tháng, cá biệt có nhiều công nhân hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc giúp bà con trồng, chăm sóc khai thác cao su, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của công ty còn giúp bà con tăng gia sản xuất cà phê, sắn, lúa nước… Các ngày lễ, Tết trong năm công ty đều thưởng tiền, tổ chức vui chơi, thăm hỏi bà con. Tết này, mỗi công nhân đều được thưởng ít nhất là 2 tháng lương... ".

Mang theo tiếng cười hồ hởi của người dân nơi đây, chúng tôi tạm biệt làng Chan trong sắc vàng rực của ràn rạt dã quỳ. Lẩn khuất đâu đó là hình ảnh những đoàn viên thanh niên làng Tung (xã Ia Nan) và cán bộ Công ty 72 hỗ trợ bà con trong làng khơi thông những dòng mương dẫn nước chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân sắp tới. Một mùa Xuân ấm cúng nữa cũng sắp bắt đầu ở vùng biên giới.



                                Bài và ảnh: Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm