Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phá suối tìm vàng trái phép

Thứ năm, 07/04/2011 - 09:25

(Thanh tra)- Nhận được thông tin trên suối Hón Tĩnh, thuộc địa phận thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang diễn ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép, PV Báo Thanh tra đã vượt hàng trăm km để tìm hiểu vụ việc.

Hì hục dùng cuốc, xẻng đào bới tìm vàng

Từ Nhà máy Thuỷ lợi - Thuỷ điện Cửa Đạt, phải liên tục hỏi đường chúng tôi mới đến được trung tâm UBND xã Xuân Chinh. Men theo con đường đất ngoằn nghèo, qua nhiều cây cầu tạm bằng luồng bắc qua suối, theo sự chỉ dẫn của một số người dân bản địa chúng tôi mới vào “sào huyệt” khai thác vàng trái phép.

Đào bới tứ tung

Suối Hón Tĩnh ngàn đời nay có dòng nước trong mát, được người dân dùng guồng quay lấy nước vào từng hộ gia đình để sinh hoạt. Từ khi xuất hiện nạn khai thác vàng trái phép, nguồn nước ở đây đục ngầu và ô nhiễm nghiêm trọng. Lần theo dòng nước đục, chúng tôi được “mục sở thị” một bãi “chiến trường” nham nhở hố sâu do “vàng tặc” đào bới tứ tung khắp lòng hồ. Không những thế, nhiều hộ dân ở đây cũng đào đất trong vườn nhà mình rồi gánh ra suối Hón Tĩnh đãi đất tìm vận may. 

Theo quan sát của PV, để đào đãi vàng phải mất khá nhiều công đoạn: Chọn địa điểm xúc đất, gánh xuống lòng suối, đổ đất vào một cái sàng làm bằng sắt rồi đẩy đi đẩy lại như đãi gạo dưới lòng suối, nếu có, vàng sẽ đọng lại dưới đáy sàng.

Chúng tôi tìm đến tâm điểm của “vàng tặc”, từng tốp người vừa nói chuyện vừa hì hục dùng xà beng, cuốc, xẻng đào bới tứ tung. Trung bình mỗi tốp khoảng 8 - 9 người, già có, trung niên có, thanh niên có. Để phục vụ đắc lực cho việc tìm vận may, những tốp người này chung nhau đóng góp tiền mua một máy nổ cỡ nhỏ, cùng với hệ thống ống hút nước từ các hố khai thác ra ngoài, tạo thuận lợi cho việc xúc đất đưa lên bờ để tìm vàng. Quy trình đào đãi vàng ở đây lại khác, sau khi đất cát được đưa từ hố lên bờ, những người ở trên đổ vào một chiếc máng làm bằng gỗ, sau đó nổ máy bơm nước lên đãi cho đến khi còn lại một lớp đất màu đen ở lại thì người dân mới tỉ mỉ tìm vàng sa khoáng.

Cần sớm chấn chỉnh

Anh Hà Văn Mạnh, người dân tộc Thái, đập một cục đá, gạt gạt rồi giơ lên cho chúng tôi xem một vẩy vàng nhỏ li ti bám ở giữa và cho biết, theo kinh nghiệm của dân đào vàng, khi gặp lớp đá dày khoảng 15 - 20 phân là đến tầng đất có vàng. Trả lời câu hỏi của PV: Các anh đào đãi vàng ở đây có được ai cho phép không? Không sợ công an bắt à? Anh Mạnh trả lời: Chúng tôi chỉ đào đãi khi không có lực lượng chức năng kiểm tra. Còn nếu có, chúng tôi tạm thời rút lui. Khi cơ quan chức năng về, chúng tôi lại tiếp tục đào đãi. 

Để phục vụ cho những chuyến khai thác trong thời gian dài, từng tốp người tự lập lều bằng luồng, nứa, mái lợp bằng lá cây hoặc căng bạt. Đêm xuống hoặc trời mưa thì họ vào lều để trú ẩn. Những túp lều này còn là nơi các phụ nữ đi theo để cơm nước phục vụ cho họ. Theo một số người dân ở đây, nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát nạn đào đãi vàng ở suối Hón Tĩnh là do có một số đầu nậu ở Nghệ An, Hòa Bình vào tuyên truyền, chỉ điểm những nơi có vàng sa khoáng nên người dân mới tổ chức đào bới. 

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện miền núi Thường Xuân cho biết: Mới đây, huyện đã huy động lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền xã Xuân Chinh kiểm tra, chấn chỉnh. Tuy nhiên, do đang là thời điểm giáp hạt nên đã xảy ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép. “Chúng tôi tiếp thu thông tin phản ánh của PV, đồng thời sẽ tiếp tục huy động lực lượng xuống kiểm tra thực tế, chấn chỉnh, không để xảy ra điểm nóng, nhất là khi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 sắp diễn ra”.

Cũng theo ông Cầm Bá Xuân, năm 2007, tình trạng khai thác vàng trái phép cũng đã diễn ra ở núi Pù Lè, xã Xuân Chinh. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho nổ mìn đánh sập các vỉa vàng và cấm không được khai thác.

Ông Lục Đăng Khoa, Bí thư Huyện uỷ Thường Xuân khẳng định: Để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương đã chưa quản lý chặt chẽ. Ông Lục Đăng Khoa còn cho biết thêm: “Đây là địa bàn giáp ranh với huyện miền núi Như Xuân nên có một bộ phận chuyên đi sưu tầm, mua bán và tiết lộ thông tin địa điểm có vàng nên người dân ở đây đã tranh thủ lúc nông nhàn đi tìm vận may”.


Với sự việc nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra thực tế, tăng cường chấn chỉnh, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm