Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 09/11/2012 - 20:33
Tại Hội thảo khoa học địa chất công trình nền đập Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 do Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam, tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội, với sự tham gia của gần 200 đại biểu hoạt động trong lĩnh vực địa chất công trình, nhiều nhà khoa học đã khẳng định rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên nền đá gneis có độ bền tốt, chịu được cường độ cao, an toàn và ổn định.
Đập thủy điện Sông Tranh 2 thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Nền đập cứng chắc
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Huy Phương, Hội Địa chất công trình và môi trường cho biết vừa qua, Hội đã tổ chức một đoàn nghiên cứu về công trình thủy điện Sông Tranh 2. Quá trình khảo sát thực địa cho thấy, cấu trúc toàn bộ nền đập được đặt trên nền đá gneis cứng chắc, bền vững, có sức chịu tải cao, đúng như khảo sát thiết kế của Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 1. Đập ổn định theo tính toán của công ty AF - Consult Switzerland Ltd. Ở nền đập chỉ có các đứt gãy bậc 4 nhưng đã được xử lý khi thi công, không có các vấn đề địa chất công trình khác như xói ngầm, cát chảy…
Cùng quan điểm với Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Trịnh, Chủ tịch Hội Kiến tạo Việt Nam về đập thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng nền đá gneis có độ bền tốt nhất, ông Nguyễn Xuân Bao, Hội Địa chất Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong quá trình khảo sát thiết kế, Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 1 đã thực hiện khá đầy đủ và nghiêm túc các dạng khảo sát bao gồm đo vẽ lập bản đồ địa chất - địa chất công trình toàn bộ vùng hồ tỷ lệ 1:50.000, vùng tuyến tỷ lệ 1:10.000, các hạng mục công trình chính tỷ lệ 1:2.000.
Vùng tuyến đập đã khoan 120 hố sâu từ 20-100m, với tổng số 7.580m khoan, lấy 377 mẫu đá thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý, xác định 350 mẫu lát mỏng thạch học. Năm 2003, Viện Vật lý Địa cầu đã lập sơ đồ kiến tạo và địa động lực khu vực Sông Tranh 2 và lân cận. Trước khi thi công đã bóc sạch móng tuyến đập, trám bít tất cả các vết nứt nẻ và lỗ khoan cẩn thận. Do vậy, không đáng quan ngại về tính ổn định địa chất công trình ở tuyến đập.
Chủ tịch Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam, phó giáo sư-tiến sỹ Tạ Đức Thịnh cũng khẳng định rằng nền đập thủy điện Sông Tranh 2 hoàn toàn ổn định về cường độ và biến dạng do được cấu tạo bởi đá gneis cứng chắc, ít nứt nẻ. Đập được đặt hoàn toàn trên đới IIA có giá trị cường độ kháng nén rất cao, chịu được cường độ cao.
Chỉ là động đất kích thích
Các ý kiến tham gia hội thảo đều nhận định rằng những trận động đất quan trắc được từ khi hồ Sông Tranh chứa tích nước đến nay là động đất kích thích. Cường độ động đất kích thích lớn nhất đo được ngày 22/10 vừa qua với gia tốc nền 106,82 cm/s2 (4,6 độ Richter). Với động đất kích thích cường độ nhỏ hơn 5,5 độ Richter, nền đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn. Đập thủy điện Sông Tranh 2 có chiều cao khoảng 100m và dung tích hồ 700km2 nên động đất kích thích cực đại được dự báo không quá 5,5 độ Richter.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Huy Phương, ở công trình này có đặc điểm rất khác biệt là động đất có tần suất rất dày. Tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 68 trận động đất, hầu hết là động đất nhỏ; trong đó có bốn trận động đất tương đương cấp 6 và ba trận động đất tương đương cấp 7 (cực đại là 4,6 độ Richter).
Tại đập Sông Tranh 2 đã lắp đặt hệ thống quan trắc cho phép phát hiện kịp thời các hư hỏng của đập khi xảy ra các trận động đất kích thích để đề ra các biện pháp sửa chữa thích hợp. Tuy nhiên, các trận động đất kích thích đã xảy ra chưa làm nứt đập, làm nứt nền đá hoặc làm hỏng màng chống thấm, đập vẫn ở tình trạng làm việc bình thường.
Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Trọng Thắng, Trường Đại học Mỏ Địa chất nhận định rằng khu vực xây dựng đập và hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 là nơi hội tụ đủ tất cả các yếu tố gây động đất kích thích với nguồn sinh chấn là đứt gẫy bậc 2 Hưng Nhượng-Tà Vi.
Tác động gây động đất kích thích chính là do yếu tố nước từ đáy hồ thấm xuống chủ yếu theo đới dập vỡ của đứt gẫy bậc 2, kết hợp với yếu tố gia tải của cột nước hồ, làm giảm độ bền kháng cắt của đá và thay đổi trạng thái ứng suất tích tụ cân bằng của đới đứt gẫy, dẫn đến dịch chuyển và giải phóng năng lượng, gây nên các chấn động địa chấn.
Căn cứ các đánh giá cũng cho thấy động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra ngày 22/10 vừa qua với cường độ 4,6 độ Richter có thể đã gần đỉnh. Sau khi tích nước hồ đến cao độ mực nước dâng bình thường, cường độ động đất cực đại có thể đạt trên dưới 5 độ Richter, sau đó tần suất và cường độ động đất kích thích sẽ giảm dần về trạng thái bình ổn. Thời gian bình ổn có thể kéo dài khoảng 3-5 năm.
Phó giáo sư-tiến sỹ Tạ Đức Thịnh cũng khẳng định rằng trong khu vực tồn tại các đứt gãy bậc 2 và bậc 3 thuộc đới đứt gãy Hưng Nhượng-Tà Vi có khả năng sinh chấn động đến 5,5 độ Richter, nhưng không đi qua nền đập. Hệ thống đứt gãy bậc 4 là những đứt gãy nhỏ phát triển nhưng phạm vi ảnh hưởng nhỏ, không ảnh hưởng đến ổn định nền đập; không có đứt gãy lớn cắt qua nền đập.
Theo ông Nguyễn Xuân Bao, Hội Địa chất Thành phố Hồ Chí Minh, việc thay đổi tải trọng và nhất là áp suất hay chiều cao hồ nước cùng với độ thẩm thấu của nền móng hồ chứa và sự có mặt của các đứt gãy trong vùng là những tác nhân quan trọng của động đất kích thích. Hồ Sông Tranh 2 tuy không lớn nhưng địa chất móng hồ phức tạp.
Sau khi tích nước ứng suất nền móng thay đổi do có thêm tải trọng hồ nước; đồng thời nước nhanh chóng thẩm thấu xuống sâu đến các chỗ hở và dập nát của các đứt gãy, kẻ cả đứt gãy lớn Trà Bồng-Trà My. Khi đột ngột giảm thể tích và chiều cao hồ nước, có hiệu ứng ngược lại cũng dẫn đến động đất. Vấn đề hiện nay là cần tổ chức thẩm định việc đánh giá về đặc điểm kiến tạo của vùng trong mối liên quan đến động đất cả tự nhiên và kích thích.
"Đáng tiếc là lẽ ra khi thiết kế cần phải dự liệu khả năng có động đất kích thích với điều kiện nền móng hồ phức tạp ở đây và giải thích cho mọi người hiểu để không quá bất ngờ và hoảng loạn khi xảy ra động đất kích thích chưa đến mức gây thảm họa. Và cũng phải cần có kịch bản ứng phó với tình huống xấu không mong đợi có thể xảy ra dù với xác suất rất thấp," ông Bao nói.
Vẫn tiếp tục xảy ra động đất kích thích
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia động đất, thời gian tới, tại công trình, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra nhưng cường độ không vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của đập thủy điện Sông Tranh 2. Động đất kích thích cũng không ảnh hưởng đến ổn định nền đập nhưng sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của nhân dân.
Kết luận hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Tạ Đức Thịnh kiến nghị, động đất kích thích thủy điện Sông Tranh 2 rất khó dự báo nên cần tiếp tục công tác quan trắc nhằm phát hiện những sự biến đổi bất thường cũng như giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết rõ về động đất kích thích để sống và làm việc bình thường. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác, không hoang mang dao động, thận trọng trước những thông tin liên quan đến ổn định nền đập.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đập thủy điện này cần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ người dân những thiệt hại do các động đất kích thích gây ra theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước.
(Theo Vietnam+)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà