Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 26/05/2015 - 06:47
(Thanh tra)- Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, điều. Vậy mà, đóng góp của nông sản trong tổng thu ngân sách vẫn ở tỷ lệ khiêm tốn.
Thu hoạch bông thanh long bán cho thương lái. Ảnh: nongnghiep.vn
Giầu về nông sản nhưng trong đời sống của người nông dân vẫn chứa nhiều bất an và rủi ro lớn. Đó là điệp khúc trúng mùa rớt giá, chặt - trồng thay thế, thu mua nông sản bất thường diễn ra nhiều năm như: Mua lá điều, lá mãng cầu xiêm, rễ tiêu, rễ quế... và mới đây là bông thanh long non và quả cam non.
Toàn những thứ mua để làm gì thì chưa có lời giải thích, chỉ có lời đồn đoán trong nhân dân là: Mua để gây xáo trộn trong cơ cấu cây trồng, mua để gây bất ổn trong đời sống người dân. Nếu đúng như lời đồn đại thì rõ ràng kẻ gian thương mua nông sản để phá hoại! Đáng tiếc là việc xấu diễn ra nhiều năm, ở nhiều tỉnh thành nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có lời giải thích căn cơ về nguyên nhân cũng như nêu giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Với khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng nhiều lợi thế, cộng với sự cần cù của người nông dân, Việt Nam đã có được nhiều nông sản chất lượng cao để phục vụ trong nước và xuất khẩu như: Dưa hấu đất Quảng, hành tím Sóc Trăng, hành Tây Đà Lạt, thanh long Bình Thuận, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, nhãn Hưng Yên... Đó là những đặc sản mà Việt Nam có thể thu hoạch cùng một thời điểm với khối lượng khổng lồ đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Cũng chính vì sự đầu tư ồ ạt nông sản trong khi chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ xuất khẩu ổn định cho nên dẫn đến tình trạng ứ thừa trong mùa thu hoạch, giá bán thấp dưới cả giá thành. Đó là lý do nhiều nhà nông đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua nông sản này đã phải méo mặt chấp nhận bại sản.
Năm nay, cả nước có khoảng 400.000 ha vải thiều, tập trung nhiều nhất ở Bắc Giang và Hải Dương. Những cây vải chín sớm đầu mùa có giá từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, nhưng sản lượng chẳng đáng là bao. Vải chín rộ trong 3 tuần từ cuối tháng tư đến giữa tháng 5 Âm lịch. Thời vụ ngắn nên vải dễ ứ đọng, trong khi quả vải khó bảo quản, dễ bị thâm màu, giảm giá trị. Một tin vui lớn: Năm nay Mỹ, Úc, Hàn Quốc chấp nhận mua vải thiều, nhãn của Việt Nam ở những địa phương đã tuân thủ bộ quy tắc GAP (an toàn từ khâu sản xuất, khâu thu hoạch, xử lý sau thu hoạch). Khi quả vải, nhãn được xuất khẩu với số lượng lớn, với giá bán cao, theo đó giá bán trong nước cũng được nâng lên, đó là điều tất nhiên. Hy vọng quả vải, quả nhãn không cùng chung “số phận hồng nhan” như quả dưa, quả thanh long.
Đã có nhiều hội nghị, hội thảo tìm nguyên nhân nông sản rớt giá, tìm giải pháp tiêu thụ, rút cục đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan sau: Người nông dân do tầm nhìn ngắn hạn, tâm lý ăn xổi nên đua nhau trồng theo phong trào. Khi mủ cao su bán rất chạy thì cây cao su đã phủ kín từ Bình Dương, nhiều vùng đất Tây Nguyên tràn qua Thanh - Nghệ - Tĩnh ra tận các tỉnh vùng cao của miền Bắc có khí hậu mùa đông lạnh không thích nghi.
Vậy bây giờ mủ cao su khó tiêu thụ, nông dân có chặt cao su để trồng cây khác thay thế? DN cũng có lỗi lớn trong việc giữ vai trò đầu mối gom nông sản. DN tìm những thứ nông dân có rồi đưa đi chào hàng ở nước bạn chứ chưa liên doanh, liên kết với các DN, tổ chức ở nước ngoài để trồng nông sản theo tiêu chí của họ để họ bao tiêu sản phẩm. Lỗi lớn nhất vẫn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, đành rằng đã có những kế hoạch phát triển nông sản dài hơi, nhưng rất thiếu cụ thể. Đến giờ này Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương vẫn chưa kết nối thật sự được người nông dân với DN. Vai trò xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường ngoài nước vẫn chỉ dừng lại ở mức người mù xem voi.
Nhiều cá nhân, DN có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang Trung Quốc chia sẻ: Họ có nhiều hạn chế để không bơi xa được ra biển kinh tế thị trường bởi ngoại ngữ kém, chi phí đầu tư cho việc thăm dò tìm kiếm thị trường, đối tác ở nước ngoài rất cao, trong khi lưng vốn của họ thì hạn hẹp. Đó là lý do họ chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc chứ không dám vươn xa.
Thực tế, hàng năm Nhà nước chi khoản tiền không nhỏ cho hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Nghiêm túc mà đánh giá hoạt động các tổ chức này chưa đạt kết quả như mong muốn. Những yếu kém trên đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều rủi ro đối với nông dân và DN. Xưa nay chưa ai bảo làm nông là sướng cả, cái nghề đổi bát mồ hôi lấy bát gạo. Phần đa người nông dân gắn với nghề bởi không kiếm được nghề khác, đó là một sự thật. Những biến động trong đời sống của nông dân trong thời gian qua đã làm cho nhiều người phải chuyển nghề, thậm chí bỏ nghề đi làm thuê. Tình trạng người làm nông sống bằng thu nhập của những việc khác là hoàn toàn có thật. Nhiều địa phương ở Thanh - Nghệ - Tĩnh mỗi năm chỉ dành 3 - 4 tháng cho việc trồng lúa, còn lại là đi khắp các tỉnh, thành làm thuê trên các công trình xây dựng đường xá, nhà cửa. Rất nhiều người đi sang tận Thái Lan, Lào, Trung Quốc làm thuê. Họ đắng cay thừa nhận: Nghề phụ nhưng lại là thu nhập chính của gia đình.
Bao giờ người nông dân yên ổn sống được bằng nghề, luôn là câu hỏi nóng đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan chức năng.
Thế Lữ
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh