Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hành trình gánh chữ lên… non

Thứ bảy, 17/11/2012 - 09:39

(Thanh tra) - Bà con vùng cao vẫn có câu “Học cũng ăn ngô, không học cũng ăn ngô, thì ở nhà giúp bố mẹ trồng ngô, đi học làm gì”. Từ suy nghĩ như vậy mà việc vận động học sinh và phụ huynh tham gia vào sự nghiệp gieo con chữ là hết sức khó khăn. Đó là chưa kể, đời sống còn nhiều khó khăn, việc kiếm kế sinh nhai đã khiến nhiều người không còn tâm trí để mặn mà với cái tiếng, con chữ. Nhưng rồi, với sự nhiệt tình, lòng kiên trì và quyết tâm của các thầy cô giáo trẻ, cái tiếng, con chữ cũng bám được nơi đây…

Cô và trò lớp bán trú dân nuôi trường THCS xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Từ cao nguyên đá… 

Hà Giang là một trong số những tỉnh nghèo nhất nước. Người Mông chiếm gần 34%, cao nhất trong cộng đồng 22 dân tộc anh em tại đây. Đến nay, cả tỉnh vẫn còn trên 50% hộ nghèo và cận nghèo. Từ lâu, sự nghiệp giáo dục ở Hà Giang vẫn trong cảnh “xóa mù” rồi lại “tái mù”. Những ngôi nhà tạm được gọi là trường, học sinh phải dồn lớp, vì không đủ trò và thiếu cả thầy. Trong hoàn cảnh ấy, thầy cô mà bám trụ được vài ba năm học ở nơi núi cao, rừng sâu đã có thể được coi là người dũng cảm. Vậy mà không ít giáo viên đi cắm bản rồi chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình...

Cô giáo người Kinh Đinh Thị Bài, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, chia sẻ, xuất phát từ tình yêu nghề, thương trẻ nên sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Phú Thọ, cô giáo đã tình nguyện về đây. 15 năm gắn bó với đất và người Cán Chu Phìn, giờ đây cô người Kinh cũng thành thạo tiếng Mông.

Trong muôn vàn khó khăn, nhất là sự khác biệt ngôn ngữ là rào chắn giữa thầy trò. Không biết tiếng đồng bào, làm sao mà nói chuyện vận động phụ huynh cho con em đến trường. Buổi sáng lên lớp, chiều, tối lại vào bản vận động phụ hunh đồng ý cho con đi học tiếp ngày mai... 

Không riêng ở Cán Chu Phìn, ở bản nào trên vùng cao nguyên cực Bắc, các thầy cô giáo cũng đều phải đi vận động phụ huynh, năn nỉ học sinh đến lớp, đến trường; rồi đừng bỏ lớp giữa chừng, gắng đi học cho đủ giờ, đủ ngày.

Năm nào cũng vậy, cô Bài cũng dành một khoản nhỏ từ khoản tiền lương eo hẹp mua thêm quyển vở, đồ dùng học tập, hay cái áo mới cho học sinh nghèo. Chính lòng yêu nghề, tình yêu thương trẻ đã làm thay đổi nếp nghĩ trong nhiều gia đình đồng bào dân tộc. Còn các em học sinh thương cô trở nên chăm học không bỏ lớp giữa chừng. Lớp cô Bài năm nào cũng có học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện.

Về Trường Tiểu học Bạch Đích, một trường vùng biên thuộc huyện Yên Minh, cũng được nghe thầy cô và học trò, bà con dân bản kể nhiều về cô giáo Phan Thị Thơ.

Là người dân tộc Bố Y, quê ở huyện Quản Bạ, một huyện vùng cao núi đá Hà Giang. Dù chỉ mới 40, cô Thơ đã có thâm niên 18 năm với ngôi trường vùng cao biên giới này. Dù có biết bao kỷ niệm trong gần 20 năm đi gieo con chữ cho đồng bào dân tộc, cô giáo Thơ vẫn không bao giờ quên ánh mắt trẻ thơ mở to trên gương mặt hồn nhiên mà cô bắt gặp trong ngày đầu tiên lên lớp.

Cô Thơ chia sẻ, đó là điểm tựa, là sự thôi thúc những khát khao trong cô: Phải dạy cho các em biết chữ để cuộc sống các em, của bà con vùng cao không còn đói khổ. Cô vẫn mong ngày nào đó cơ sở vật chất ở các điểm trường được cải thiện hơn, học sinh dân tộc thiểu số được học tin học... Ngôi trường của các em được đảm bảo an toàn trong mỗi mùa mưa bão.

Đó là chuyện từ đỉnh đầu tổ quốc. Mang cái chữ đến với đồng bào dân tộc biên giới Tây Nam cũng không kém phần vất vả.

… Đến dốc Cổng trời


Cách TP. Buôn Ma Thuột gần 100km, theo Quốc lộ 27 (hướng Đắk Lắk đi Đà Lạt), huyện Krông Bông là nơi có nhiều núi cao, vực sâu. Ở đây còn có một con dốc nổi tiếng là dốc Cổng trời Ea Lang. Vượt qua con dốc này là đến Trường Tiểu học Yang Mao. Lớp học cách trung tâm huyện chừng 40 cây số.

Yang Mao là nơi ngụ cư chủ yếu của bà con dân tộc M Nông, Ê Đê và một phần rất ít bà con người Kinh. Đây là xã vùng 3 của huyện miền núi nghèo, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Yang Mao, cô Nguyễn Thị Lài cho biết, những ngày đầu cắm bản, thiếu thốn đủ thứ. Nhà ở không có, các thầy cô phải vào buôn mượn kho chứa lương thực của bà con để ở tạm. Sống xa buôn, nước không có, các cô phải chia nhau mỗi người vào nhà dân xin một xô nước mỗi ngày để chia nhau dùng chung. Còn các cháu thiếu thốn lắm, có những cháu mặc một bộ quần áo đến cả ba, bốn tháng cũng không thay, thương nhưng chẳng biết  làm thế nào. Nhưng rồi, với sự nhiệt tình, lòng kiên trì và quyết tâm của các thầy cô giáo, trẻ em người M Nông và Ê Đê đã đến lớp ngày một đông hơn.

Nằm trên ngọn núi M Năng Dơng xa xôi, Trường trung học cơ sở Yang Mao giờ cũng được xây dựng khá khang trang. Thầy Hiệu trưởng Y Sang Niê, cho biết, trường có 21 giáo viên, trong đó có 5 cô, hầu hết giáo viên cắm bản.

Sinh 1983, quê Nghệ An, năm 2006, cô Nguyễn Thị Thu Hà tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên rồi được cử về đây. Mọi việc đều xa lạ trong lần đầu tiên cắm bản, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà kể: Lúc đầu đến lớp, mình không biết tiếng, học sinh cũng chưa rõ tiếng Kinh, giảng bài một lúc, thấy học sinh cứ ngơ ngác. Hôm sau, lớp học vắng hoe. Lúc ấy mình chạy lên báo cáo với Ban giám hiệu rồi ngồi khóc… Vậy mà sau 3 năm, cô giáo Hà đã lập gia đình rồi chọn nơi đây làm quê hương, quyết ở lại với núi rừng, với những đứa trẻ khát chữ.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Dung, quê ở Bình Lục, Hà Nam cắm bản đã trên 7 năm. Gắn bó lâu ngày với Yang Mao, nay cô đã coi đây là quê hương. Việc dạy và học tiếng Việt cho học sinh dân tộc đã là kỳ tích, vậy mà cô Dung còn “liều mình” dạy cả tiếng Anh cho bọn trẻ...

Hầu hết, các thầy cô Trường mầm non và Trường trung học cơ sở Yang Mao tuổi đời còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Giữa núi rừng hoang vu, không ít thầy cô lo cho tương lai vì sợ… “ế”. Thế nhưng, tuổi trẻ, khát vọng, niềm tin và lòng yêu nghề đã chiến thắng sự run sợ trước khó khăn, gian nan, và vất vả, để các thầy cô giáo trẻ tiếp tục quyết tâm gieo chữ vào tận trong những bản làng xa xôi.

Nhưng mỗi khi nghĩ về các em học sinh người M Nông, Ê Đê, các thầy cô lại thấy thương. Bỏ trường, bỏ lớp đi rồi còn ai ở lại dạy chữ cho các em. Các em học sinh nơi đây đã trở thành những người thân trong gia đình, gánh nặng cuộc sống cứ đè nặng lên đôi vai các thầy cô giáo trẻ với đồng lương “ba cọc, ba đồng” là vậy.

Nhưng trên tất cả là niềm vui, là hạnh phúc. Cứ một năm học mới lại đến, tiếng trống khai giảng vang lên là bao khó khăn lùi lại phía sau, mỗi suy nghĩ và việc làm của các thầy cô giáo vùng cao đều hướng đến mục tiêu: Làm sao năm học mới trường, lớp có đủ học sinh, không có chuyện bỏ lớp, bỏ trường; ngày càng có thêm nhiều học sinh người dân tộc giỏi con chữ phổ thông, có kiến thức để xây dựng quê hương, thôn bản.

   
Hải Duy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm