Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảm đến đâu, đến bao giờ?

Thứ hai, 07/03/2011 - 22:18

(Thanh tra)-Thanh tra Chủ nhật ngày 23/01/2011 có bài viết “Xuất khẩu xỉ Titan: Ai hưởng lợi? ” phản ánh việc các DN khai thác và xuất khẩu xỉ titan hiện đang kêu lỗ vì thuế suất xuất khẩu cao, và có kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm thuế để hỗ trợ cho hoạt động này. Bài viết dưới đây mang đến những cứ liệu đánh giá: Liệu có cần giảm thuế, giảm thuế đến đâu, và giảm đến bao giờ?

Khó khăn vì thuế?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam Lê Văn Lịch: Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 nên đầu ra cho sản phẩm này cũng đã bị giảm đáng kể. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) khai thác, xuất khẩu sản phẩm titan. Đồng thời, việc suy thoái kinh tế cũng khiến không ít các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội gặp khó khăn trong việc huy động cho các dự án sản xuất sâu, và dự án khai thác cũng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, các chi phí như xăng, dầu, điện, đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều so với trước đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của mặt hàng khoáng sản titan. Ông Lịch cũng nói thêm, thuế đang là bất lợi đối với các DN sản xuất mặt hàng xỉ titan, nhưng đây không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà vấn đề quan trọng nhất của các DN hiện nay là việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thì việc mong muốn có thị trường đầu ra tốt là tương đối khó, chính vì thế các DN đã phải lựa chọn phương án giảm bớt các yếu tố khó khăn từ trong nước. 

Theo cách mà ông Lịch lý giải, thì khó khăn của các DN khai thác và sản xuất titan là có nhiều nguyên nhân, thuế chỉ là một phần.

Trên thực tế, từ 20/5/2010 xỉ titan xuất khẩu đã được điều chỉnh thuế suất 20% còn 15%. Đó cũng là một nỗ lực từ chính quyền nhẳm tháo gỡ phần nào khó khăn cho DN. Thế nhưng nhiều DN trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục kêu khó. Theo đó bài toán được các DN đưa ra cụ thể là:

Nếu xuất Ilmenite giá bình quân là: 100 USD/tấn, thuế suất 20%, tiền thuế là 20 USD/tấn Ilmenite XK.

Sau chế biến ra xỉ titan: Tiêu hao 1,75 kg Ilmenite/1 kg xỉ titan, giá bán xỉ titan bình quân: 600 USD, thuế suất 15%, tiền thuế là 90 USD/tấn xỉ XK = 51,5 USD/tấn Ilmenite XK.Vậy sau chế biến sâu, tiền thuế tăng lên: 51,5/20 = 2,6 lần.

Từ đó để khuyến khích chế biến sâu, nên chăng giảm hoặc tối thiểu thì cũng giữ nguyên tiền thuế phải nộp ( 15%/2,6 = 5,8 % ). Mức hợp lý sẽ là 5%.

Thời gian vừa qua DN trong ngành titan chỉ có một con đường phải lao vào là chế biến sâu (do cấm xuất thô hết 2010), tuy nhiên mức thuế 15% cho xỉ Titan là quá cao và bất hợp lý, không có cơ sở khoa học.

Tuy nhiên theo chúng tôi, việc khẳng định không có cơ sở khoa học như vậy là chưa sòng phẳng. Bởi lẽ, trong suốt quá trình lập luận của bài toán này, chưa thấy các DN nói rõ giá thành  xỉ titan là bao nhiêu. Và chỉ khi hạch toán trên giá thành mới có được con số lãi lỗ chính xác. Đàng này, hạch toán được căn cứ vào giá bán (giá xuất khẩu) là một cách đánh tráo khái niệm, nhằm tô đậm thêm yêu sách giảm thuế mà thôi.

Giải pháp dung hoà


Nhìn nhận điều này, đại diện một DN tại Bình Định giải thích, khi xây dựng nhà máy, đã tính toán mức thuế suất xuất khẩu xỉ titan  khoảng 0-3%. Nhưng Bộ Tài chính áp mức thuế lên tới 18% (sau đó giảm xuống 15%) khiến DN bị động, sản phẩm không có đầu ra, phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà máy đã phải dừng hoạt động…


Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Vũ Văn Trường khẳng định, căn cứ vào tình hình thị trường tiêu thụ xỉ titan, số liệu thống kê của các bộ ngành và chi phí của các DN thì thuế suất 15% là hợp lý. Vụ Chính sách Thuế cũng cho rằng, việc áp thuế như vậy là do chính sách không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên. Vì vậy, DN sản xuất các mặt hàng này phải cân nhắc, tính toán. Việc không xuất khẩu được titan không nên chỉ đổ lỗi cho thuế xuất khẩu mà nên xem xét nhiều vấn đề, trong đó có giá thế giới, chi phí sản xuất… Vì thực tế, thuế suất xuất khẩu xỉ titan 15% là đã có ưu đãi hơn so với quặng chưa qua chế biến.


Ông Trường cũng cho biết, khả năng sửa đổi mức thuế hay không phải thu thập thông tin một cách đầy đủ và toàn diện từ nhiều nguồn như Hiệp hội Titan, các DN, các cơ quan chuyên ngành (Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường)… chứ một thông tin đơn lẻ không thể làm thay đổi chính sách được vì đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt… 

Quan điểm của Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển, Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Tú thì, tài nguyên khoáng sản là tài sản hay là vốn dự trữ quốc gia. Việc khai thác, sử dụng  là chi tiêu vào vốn.


Thế nhưng, công tác thăm dò khai khoáng hiện nay chủ yếu do các DN thực hiện. Điều này đồng nghĩa với DN chi tiêu vào đồng vốn sở hữu toàn dân, mà các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản chưa biết chính xác về trữ lượng (đồng vốn sở hữu có bao nhiêu), cũng như hàng năm các DN lấy từ lòng đất bao nhiêu khoáng sản.


Và chỉ khi nào quản lý nhà nước được toàn diện hoạt động này, khi đó mới có thể tính được giá thành sản phẩm. Để từ đó có thể tính toán được bài toán lãi lỗ của các DN khai thác, chế biến và xuất khẩu. Chừng như hiện nay, Nhà nước chỉ thu thuế dựa trên số liệu báo cáo của DN, sẽ dẫn đến thất thoát tài nguyên và nguồn thu ngân sách là rất cao. Nói theo dân gian là hiện các DN đang thu lợi trên món hàng mà không phải tốn chi phí “gieo trồng”.


Theo ông Tú, để đảm bảo hiệu quả, Nhà nước cần đầu tư ngân sách để thực hiện thúc đẩy điều tra thăm dò, và coi đây như là khoản đầu tư ban đầu, đề sau đó thu lại thông qua đấu thầu mỏ, tính vào giá mỏ. Đồng thời, Nhà nước cần quy định công nghệ chế biến sâu cho từng loại khoáng sản cụ thể (đặc biệt đối với những loại quý hiếm), để buộc các ngành, các DN sử dụng nguồn nguyên liệu khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả.


Trở lại với quan điểm của Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Phạm Quang Tú, cần thể chế hoá trách nhiệm cộng đồng của DN khai thác với người dân vùng mỏ, chứ không dừng lại ở việc kêu gọi các hoạt động từ thiện của DN.


Trong lúc chờ những giải pháp bền vững hơn, có nhiều ý kiến cho là hãy cứ giữ y nguyên mức thuế suất xuất khẩu xỉ titan.

Hữu Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm