Tại đây có nhiều nguồn gen động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, nhất là các loài thú móng guốc cỡ lớn, đặc biệt quý hiếm phân bổ tập trung nhất của Việt Nam như bò rừng, bò tót… cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhiệm vụ này dường như là “bất khả thi” bởi áp lực… “ăn rừng”.“Ăn rừng”… đủ kiểu“Ăn rừng” là cách nói của cán bộ kiểm lâm, mà dân gian gọi là lâm tặc. Không như những vùng rừng khác, lâm tặc chỉ khai thác gỗ, ở Ea Sô thì áp lực nặng nề hơn, bởi có hàng trăm kiểu “ăn rừng” khác nhau, từ khai thác gỗ, phá rừng làm rẫy, đến săn bắt, đặt bẫy thú…Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của Ea Sô đã phát hiện, xử lý trên 100 vụ vi phạm với 135 đối tượng; tháo dỡ, phá hủy và xử lý trên 500 bẫy thú các loại, tịch thu và xử lý trên 60 chiếc xe máy, nhiều cưa máy, súng độ chế và nhiều công cụ “ăn rừng” khác nhau. Đáng chú ý là trong số các vụ việc vi phạm nêu trên có đến 6 vụ nghiêm trọng đã được Hạt Kiểm lâm Khu Ea Sô chuyển các cơ quan tố tụng xử lý hình sự.Không chỉ vào rừng săn bắt, khai thác gỗ, nhiều hộ dân còn ngang nhiên “cạo trọc” rừng để làm nương rẫy. Phó Hạt Kiểm lâm Ea Sô, Bùi Đình Kính bức xúc: Lực lượng kiểm lâm có giới hạn, trong khi người dân thì lăm le “ăn rừng” cả ngày lẫn đêm, nên không thể nào kiểm soát xuể.Đơn cử như ở Tiểu khu 632 hiện đang bị một số người Mông di cư tự do vào chiếm trái phép đất rừng để làm nương rẫy, tình hình rất nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến các hộ như Vàng A Tả lấn chiếm 9.543m2, hộ Sùng Thị Mo lấn chiếm 12.326m2, hộ Vàng Thị Ca lấn chiếm 890m2… Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến đề nghị các cấp các ngành phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhưng đến nay tình hình vẫn không thay đổi. Và thực tế đáng buồn là người dân vẫn tiếp tục xâm hại rừng!Phối hợp để giữ rừngThực tế cho thấy, trên địa bàn quản lý của Ea Sô tại các khu vực giáp ranh như huyện Krông Pa, Gia Lai, huyện Sông Hinh, Phú Yên, và huyện Krông Năng, Đắk Lắk, tình hình an ninh rừng đang diễn ra vô cùng phức tạp. Giám đốc BQLDA Khu BTTN Ea Sô, Lê Đắc Ý cho biết: Chúng tôi đã tăng cường và áp dụng rất nhiều hình thức để ngăn chặn lâm tặc, đặc biệt là tăng cường tuần tra kiểm soát trong rừng nhằm phát hiện, bắt quả tang các đối tượng xâm hại rừng, nhiều vụ việc đã được xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong khi đó, công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của các tỉnh giáp ranh vẫn chưa được quan tâm quyết liệt. Điều này khiến áp lực xâm hại rừng từ các hướng Krông Pa, Sông Hinh và Krông Năng ngày càng lớn. Chỉ trong năm 2011, Hạt Kiểm lâm Ea Sô đã tiến hành lập biên bản và xử lý 44 vụ việc, 35 đối tượng vi phạm là người ở tỉnh Phú Yên; 11 vụ, 17 đối tượng là người ở huyện Krông Pa, Gia Lai. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Hạt cũng đã lập biên bản, xử lý 23 vụ, 32 đối tượng, trong đó bàn giao công an xử lý hình sự 2 vụ, 2 đối tượng là người ở Phú Yên và 25 vụ, 36 đối tượng ở tỉnh Gia Lai. Còn tại địa bàn giáp ranh với huyện Krông Năng, việc quản lý bảo vệ rừng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát các đối tượng xâm hại đến rừng. Ông Bùi Đình Kính giới thiệu các loại bẫy mà dân “ăn rừng” dùng để bẫy thúTheo Phó Hạt Kiểm lâm Bùi Đình Kính, lâm tặc đã lợi dụng sự thiếu ổn định trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để xâm nhập vào Ea Sô “ăn rừng”. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2012, Hạt đã tiến hành lập biên bản và xử lý 17 vụ, 28 đối tượng thuộc huyện Krông Năng, trong đó bàn giao Công an huyện xử lý hình sự 3 vụ, 3 đối tượng về hành vi khai thác gỗ và phá rừng làm rẫy.Ngược lại, trên địa bàn huyện Ea Kar, hiện tượng người dân “ăn rừng” đã giảm đáng kể nhờ công tác phối hợp nhịp nhàng và quyết liệt giữa chính quyền địa phương, và các cơ quan chức năng với BQLDA Khu BTTN Ea Sô từ việc thường xuyên phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Lâm nghiệp các xã và chính quyền địa phương tổ chức họp dân các thôn buôn vùng đệm, vùng lân cận Khu bảo tồn để tuyên truyền, phát tờ rơi, ký kết giao ước không vi phạm… Nhờ đó, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều đối tượng trước đây chuyên “ăn rừng” nay đã bỏ nghề chuyển sang làm công việc khác. Trong khi đó, việc tuyên truyền vận động nhân dân ở những vùng khác thì không phải dễ, bởi còn nhiều thứ liên quan đến chính quyền sở tại…Thực ra, công tác phối hợp giữa BQLDA Khu BTTN Ea Sô với Hạt Kiểm lâm các huyện và chính quyền địa phương tại các khu vực vùng đệm cũng đã được triển khai và các bên cũng đã ký quy chế phối hợp. Tuy nhiên, theo ông Lê Đắc Ý, công tác phối hợp này cần triển khai thường xuyên, tích cực và đồng bộ hơn nữa. Bên cạnh đó cũng cần phải có sự phối hợp ở cấp cao hơn để chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc. Có như vậy mới mong nâng cao được hiệu quả quản lý bảo vệ rừng ở Khu BTTN Ea Sô trước áp lực “ăn rừng”… Đầu năm 2012, tổ tuần tra Hạt Kiểm lâm Ea Sô bắt quả tang Giàng A Tu, Hờ A Hủ và Sùng A Giang (thôn Giang Đông, xã Ea Dah) dùng cưa máy khai thác 5 cây gỗ hương với khối lượng trên 19m3 gỗ tại Tiểu khu 619 vào đầu năm. Vụ án đã được TAND huyện Ea Kar xét xử và tuyên phạt Giàng A Tu 30 tháng tù, Hờ A Hủ 24 tháng tù. Riêng Sùng A Giang sau đó đã bỏ trốn, hiện đã bị Công an huyện Ea Kar phát lệnh truy nã... Ngày 26/4/2012, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Cứ Ga Vàng trú thôn Giang Đông, xã Ea Dah (Krông Năng) về hành vi chặt phá là 0,81 ha, TAND huyện Ea Kar đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Cứ Ga Vàng 5 năm tù. Ngày 20/8 mới đây, tại Tiểu khu 634 phát hiện một đám cháy lớn gây thiệt hại trên 8 ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Trớ trêu thay, nguyên nhân xảy ra cháy rừng lại là do… “sáng kiến” của một nhóm đối tượng đi săn. Theo lời khai của Nguyễn Quang Thắng (SN 1990) và Nguyễn Quang Hải (SN 1989) cùng trú thôn 6 xã Cư Prao (MDrak) thì chính họ đã châm lửa đốt rừng nhằm tạo đường đi và tạo ra bãi săn thú (!). Việt Cường