Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đánh thức vàng… xanh

Chủ nhật, 12/05/2013 - 08:41

(Thanh tra) - Với quyết tâm bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, xây dựng thành sản phẩm chủ lực, Kon Tum đã có những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa ước mơ bao đời của đồng bào dân tộc nơi đây là sống được và làm giàu được từ… rừng.

Sâm Ngọc Linh không chỉ xóa nghèo, mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho bà con dân tộc

Tiếc nuối để…

Ngược dốc theo hướng Bắc gần 100 cây số từ TP. Kon Tum là đến thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Với độ cao 1.000m quanh đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ có nhiều loại dược liệu đặc hữu, như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm, Ngũ vị tử…

Già A Dớt, dân tộc Xê đăng, làng Pu Tá bảo: Nhờ sâm mà dân làng có nhiều sức khỏe để gùi đạn, cõng lương giúp bộ đội suốt những năm đánh Mỹ. Khi cái chân không muốn bước, khi hai vai đã mỏi, chỉ cần nhai một mắt sâm là khỏe ngay.

Tuy nhiên, mong muốn được tận mắt nhìn thấy một cây sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên ngay tại quê hương của loài cây này, giờ đây là không thể. Nhiều người làng, giờ đây cũng tỏ ra tiếc nuối, ngày xưa, cứ vào rừng là thấy sâm, giờ có đi mỏi cái chân cũng không thấy đâu.

Những người già ở Măng Ri thì tiếc nuối cây sâm Ngọc Linh, còn người trẻ thì khát khao sở hữu, bởi mỗi kg sâm tươi có thể bán với giá 20 triệu đồng, thậm chí có lúc lên tới 30 triệu đồng - 40 triệu đồng.

Trước sự cạn kiệt của loại dược liệu quý này, người dân bản địa cũng đã trồng sâm để sử dụng và phát triển kinh tế gia đình. Trên 4.000m2 sâm của người dân làng Lạc Bông, xã Ngọc Lei được trồng từ năm 1995 nay đã bắt đầu cho khai thác là một tín hiệu vui. Hiện tại, Công ty CP Sâm Ngọc Linh đã tạo được vườn sâm rộng trên 150 ha. Còn Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cũng đang sở hữu gần 8 ha.

Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Kon Tum, Huỳnh Văn Liêm cho biết, một héc ta sâm Ngọc Linh sau 8 năm trồng cho thu hoạch từ 400 đến 500kg củ. Với giá bán 20 triệu đồng/kg củ tươi như hiện nay, một héc ta sâm có doanh thu hơn 9 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí có thể lãi trên 6 tỷ đồng.

… Quyết tâm làm giàu

Với những giá trị đặc biệt về y dược riêng có như hàm lượng saponin vượt cả sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật, sâm Ngọc Linh còn có tính năng mà cả sâm ngoại không có là kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống oxy hóa và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Trước tiềm năng kinh tế vô cùng lớn của loại cây dược liệu này, một dự án phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2025 đang được Kon Tum triển khai thực hiện, với tổng diện tích quy hoạch lên tới trên 31.000 ha rừng, trong đó vùng trồng sâm gần 17.000 ha tại 5 xã của huyện Tu Mơ Rông và 3 xã thuộc huyện Đăk Glei. Dự kiến đến năm 2015 trồng được 300 ha, năm 2020 trồng được 1.000 ha.

Mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng cây sâm thành một trong 9 sản phẩm chủ lực, biến cây sâm không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà là cây làm giàu cho bà con dân tộc ở Tu Mơ Rông.

Người từ hàng chục năm nay dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh và cũng là người đang trực tiếp xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại dược liệu quý hiếm này, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum, Trần Thị Tuyết cho biết, môi trường sống tốt nhất của sâm Ngọc Linh là dưới tán rừng tự nhiên, độ che phủ đạt trên 80% ở độ cao từ 1.500m trở lên.

Thành công của dự án, bên cạnh nguồn lợi kinh tế lớn mang lại cho hàng chục nghìn đồng bào dân tộc, còn có ý nghĩa quan trọng bảo vệ môi trường tự nhiên đang hàng ngày bị đe dọa, bảo vệ được rừng đầu nguồn cho Kon Tum và miền Trung.

Nếu như phải mất thêm một thời gian nữa sâm Ngọc Linh mới trở thành cây trồng phổ biến trong nhân dân, thì Hồng Đẳng Sâm, loại cây dược liệu có tên trong sách đỏ Việt Nam từ năm 1996, người dân địa phương thường gọi là sâm dây, vốn dễ trồng, dễ chăm sóc đang giúp các hộ Xê Đăng ở đây từng bước thoát nghèo.

Dẫu chưa thể làm giàu, song đã có không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Giẻ Triêng… sống quanh chân núi Ngọc Linh thoát nghèo nhờ những cây dược liệu đặc hữu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Chị Y H’lạng, làng Pu Tá nói, nhờ sâm dây, gia đình chị mới no ấm, ba con của chị có điều kiện học trường huyện, trường tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy xã Măng Ri, Lâm Quang Huy huyện cho biết, sâm dây rất thích hợp với hình thức trồng xen và không hề ảnh hưởng tới cây trồng chính. Mấy năm trở lại đây, người dân lấy hạt sâm dây từ rừng về trồng trong nương rẫy đã cho thu nhập tốt. Riêng trong năm 2012, từ sự hỗ trợ của huyện, người dân trong xã đã mở rộng thêm được 16 héc ta.

Vậy là ước mơ bao đời của đồng bào nơi đây, là sống được và làm giàu được từ rừng mà không phải chặt phá rừng sẽ sớm thành sự thật trong một tương lai không xa.

                Khoa Điềm - Thủy Thụy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm