Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Con chữ lên mầm thay mầu hoa anh túc

Thứ năm, 28/03/2013 - 06:50

(Thanh tra)- Những năm trước đây, huyện vùng cao Bắc Yên của tỉnh Sơn La vốn nổi tiếng là xứ sở trồng cây anh túc. 5 năm trở lại đây, trên các vạt nương, sườn núi của nhiều xã vùng cao nơi đây, màu hoa anh túc đã không còn; người dân đã từ bỏ thuốc phiện, cùng các giáo viên cắm bản kiên trì gieo chữ, trồng người. Ở nơi đây, con chữ đã nảy mầm thay màu hoa anh túc.

Mầm chữ đang lớn dần trong Gia đình chị Thào Thị Tra, bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, khi những đứa con của chị đều được đi học cái chữ, để sau này xây dựng bản làng ấm no hơn. Ảnh: Thái Bình

Tà Xùa những ngày… mời nhau hút thuốc phiện
 
 Về xã vùng cao Tà Xùa, huyện Bắc Yên, có 8 bản với gần 3.000 nhân khẩu, 100% số hộ là người dân tộc H’Mông. Bản cách xa trung tâm nhất cũng phải mất nửa ngày đi bộ.

Trên đỉnh Tà Xùa, quanh năm mây phủ trắng núi, cũng bởi vì cao quá nên không khí ở đây lúc nào cũng ẩm ướt, đến phơi quần áo cũng khó có thể khô. Không khí ẩm, đất lại khô cằn và dốc nên các cây lương thực như lúa và ngô lai đều không sống được. Khí hậu này, mảnh đất này, những năm 90 của thế kỷ trước rất hợp với cây hoa anh túc. Hồi đó, hoa anh túc phủ kín trên các sườn đồi, khe núi, một mầu của mê hoặc và nghèo đói. Giờ đây, lên Tà Xùa, những đám mây lẩn quất theo bước chân người, quấn quện kể về câu chuyện của hàng chục năm trước, khi mà lên Tà Xùa, việc tìm hỏi nhựa thuốc phiện còn dễ như mua mớ rau ngoài chợ. Khói thuốc phiện không chỉ khiến cho đàn ông vùng cao vốn dĩ chăm chỉ, thật thà, to khỏe như những cây rừng bị đổ ngã mà còn khiến cho nhiều phụ nữ cũng mắc nghiện thứ thuốc màu nâu đen ấy. Thậm chí, bước ra cửa là thấy thuốc phiện, vào nhà chơi là mời nhau hút thuốc phiện... ông Mùa A Sềnh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Xùa, nhớ lại.

Đúng như ông Sềnh nói, cuộc cách mạng “nói không” với hoa anh túc phải bắt nguồn từ những đổi thay trong nhận thức của người dân. Điều đó chỉ có thể đạt được nhờ công tác tuyên truyền và những chủ trương, chính sách hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước. Chọn cây gì, con gì để thay thế cây thuốc phiện, giúp bà con “no cái bụng”, tiến tới làm giàu là điều kiện tiên quyết để hoa anh túc không còn đất mọc. Quyết tâm, phát huy tiềm năng đất đai của địa phương, lãnh đạo xã Tà Xùa đã vận động bà con phát nương rẫy, trồng rong riềng, trồng chè và trồng rừng sơn tra.

Về xã Tà Xùa lần này, ông Mùa A Sềnh cho biết: “Hiện toàn xã có gần 90ha chè, được trồng ở 4 bản: Tà Xùa A, Tà Xùa C, Mống Vàng và Chung Chinh. Tại các bản này đều có những xưởng sao sấy, sơ chế thủ công. Năm vừa qua, dự án giảm nghèo đã đầu tư cho xã 30 máy sấy chè quay tay, được phân bổ cho các bản. Sản phẩm chè Tà Xùa đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và đã đạt Huy chương Vàng về “búp chè sạch” tại Lễ hội Trà Quốc tế tổ chức tại Thái Nguyên năm 2011”.

Đáng chú ý, hiện Tà Xùa vẫn giữ được những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cung cấp cho thị trường sản phẩm chè đặc sản ngon nổi tiếng, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con vùng chè.

Xã đã vận động bà con đăng ký với Ban Quản lý Dự án 661 của huyện tham gia trồng gần 150ha cây sơn tra. Quả sơn tra bước đầu được thu hoạch cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Thào Thị Tra ở bản tà Xùa A. Trong ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới, anh chị không giấu được niềm vui. Chị Tra cho biết: “Nhờ Đảng, Nhà nước, hỗ trợ nguồn vốn 30a nên gia đình đã dựng được ngôi nhà mới. Giờ thì vợ chồng tôi không còn lo mưa nắng nữa. Có cái nhà vững chắc rồi, mình yên tâm làm ăn, có điều kiện để con cái học hành rồi”.

Chị Tra cho biết thêm: “Trước đây, nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ tôi thì mất sớm, gia đình không có điều kiện để cho con cái đi học, nên tôi cũng không được học hành, không biết chữ. Đói nên phải đi nương để kiếm cái ăn. Giờ thì gia đình đã phát triển kinh tế, trồng chè, trồng dong riềng, trồng được cả lúa nước, cũng đủ ăn rồi. Mình phải cho con cái đi học, để sau này con biết cái chữ, về để xây dựng bản làng mình, để không còn khổ như mình nữa”.

Và, ở nơi mây mù quanh năm phủ trắng rừng, trắng núi ấy, câu chuyện cổ tích kỳ diệu đã được viết nên. Đặc biệt, sau hơn 5 năm thực hiện Kết luận 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về tăng cường công tác phòng, chống ma túy, đồng bào nơi đây đã và đang quyết tâm từ bỏ được thứ cây đã đày đọa bao thế hệ người Mông.

Con chữ nảy mầm…

Sớm tinh mơ, đường Tà Xùa ẩm ướt như vừa qua 1 trận mưa. Từ những đám sương mờ mờ chưa tỏ mặt người, đã có tiếng ríu rít rủ nhau đi học của các em học sinh. Trên những con đường trơn trượt cheo leo, các em tay cắp sách, chân không dép, những ngón chân trần bấm chặt xuống đường để khỏi ngã. Nhìn những hình ảnh đi học đầy vất vả ấy, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần hiếu học của các em. Tinh thần ấy đã được thắp sáng bởi chính những thầy cô ở đây đã coi trò như con, trò coi thầy như cha, mẹ thứ hai; sự tin yêu của các phụ huynh được gửi gắm qua từng trang sách, từng con chữ.

Được biết, từ hàng chục năm nay, đồng hành với quyết tâm từ bỏ cây thuốc phiện của người dân Tà Xùa là sự quyết tâm, kiên trì của các thầy, cô giáo đã bám trường, bám lớp để gieo chữ trồng người. Không quản ngại đường xá khó khăn, đi lại vất vả, các thầy cô giáo đã đi từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến trường. Thầy giáo Hiệu trưởng Phạm Văn Tập nhớ lại: Bản thân tôi cũng từng xắn quần lội suối, vượt núi băng rừng để đến từng bản, từng nhà vận động học sinh đi học. Trước đây, bà con cho rằng, bọn trẻ ở nhà còn giúp bố mẹ việc nhà, trông em, chứ đi học sao no nổi cái bụng. Vậy mà, mưa dầm thấm đất, kiên trì bền bỉ, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Tà Xùa đã tận tình đưa học sinh đến lớp. Và, giờ đây, bà con Tà Xùa đã coi các thầy cô giáo như người thân trong nhà.

Mầm chữ đã bám rễ nơi đây, càng khẳng định thêm quyết tâm của đồng bào cho con xuống núi học chữ, thay vì theo bố mẹ lên nương phá rừng trồng thuốc phiện. Bởi đồng bào đã hiểu rằng: Chỉ có đi học mới đuổi được lạc hậu và thuốc phiện ra khỏi cuộc sống của họ một cách triệt để và lâu dài.

Ông Lù A Súa, Bí thư Chi bộ bản Tà Xùa C, nói: “ Bây giờ, bà con biết ơn các thầy cô lắm, đã dạy dỗ cho các con, các cháu biết cái chữ, biết đọc, biết viết. Bà con bây giờ ai cũng vui, phấn khởi, yên tâm cho con cháu đi học, để sau này làm người có ích, xây dựng bản làng ấm no”.

Có thâm niên trụ vững trên đỉnh Tà Xùa gieo chữ phải kể đến cô giáo Nông Thị Vinh. Ra trường năm 1997, cô giáo Vinh tình nguyện lên Tà Xùa dạy học. Những năm trước, học sinh ra lớp ít, chị phải cõng con, cùng đồng nghiệp vượt núi đến từng nhà vận động, chia sẻ với học sinh từng manh áo, bữa cơm. Giờ đây, quen người, quen đất, chị đã giao tiếp thành thạo với học sinh bằng tiếng Mông và không nỡ rời xa mảnh đất đã gắn bó 14 năm để xin về huyện cho gần với gia đình.

Chị Vinh tâm sự: “Bà con ở đây tuy nghèo vật chất, nhưng sống tình cảm lắm. Hồi mình là cô giáo mới lên, được phụ huynh quan tâm, chia sẻ từ cân gạo đến mớ rau; mình có đau ốm, bà con hỏi thăm tận tình, còn lo cả thuốc thang nữa. Mấy năm trước, cũng có cơ hội chuyển xuống huyện cho gần gũi bố mẹ, anh chị em, nhưng rồi lại không nỡ xa các em học sinh, xa bà con trên này vậy là mình ở đấy đến giờ luôn, mình quen đất, quen người nơi đây rồi”.

Trên đỉnh cao mù sương trắng Tà Xùa, hình ảnh hoa anh túc nở trắng tím những sườn đồi đã lùi xa trong ký ức của nhiều người dân. Nơi đây, những mầm hoa của con chữ đang lấp lánh bật lên một sức sống mạnh mẽ. Mầm hoa ấy sẽ được vun trồng và lớn lên, mang theo khát vọng đổi đời của nhiều người dân vùng cao, để cuộc sống của thế hệ con cháu mai sau ngày càng ấm no, hạnh phúc. Bức tranh vùng cao bình yên và sống động đã và đang được vẽ nên bởi tình yêu của những người thầy đang ngày đêm lặng thầm gieo chữ và những người cán bộ, người dân nơi đây đang nỗ lực vươn lên.

Thái Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm