Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cây hương liệu ướp trà trước nguy cơ xóa sổ

Thứ năm, 14/04/2011 - 22:24

(Thanh tra) - Trà ướp hương là một sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu Trà B’Lao vốn nổi danh lâu nay của tỉnh Lâm Đồng. Để tạo nên hương vị thơm ngon của loại trà này thì nguồn hương liệu tự nhiên như hoa lài, hoa ngâu, hoa sói, trà tiên…là rất cần thiết. Trước đây, người dân phường Lộc Tiến, xã Đại Lào và Lộc Châu (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) trồng rất phổ biến. Nhiều nông dân đã từng làm giàu nhờ những loại cây hương liệu ướp trà này. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các loại cây hương liệu ướp trà trên vùng đất danh trà B’Lao đang dần bị thu hẹp diện tích.

Danh trà B’Lao

Lộc Tiến  là nơi có phố trà ướp hương nổi tiếng của Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Hàng năm, hàng chục doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến chè ướp hương ở đây tiêu thụ một lượng lớn nguồn hương liệu tự nhiên như hoa lài, hoa ngâu, hoa sói… của Bảo Lộc. Nhờ đó, số hộ dân trồng các loại cây nguyên liệu ướp hương (chủ yếu là hoa sói) ở Bảo Lộc tăng lên khá nhiều và diện tích cây hương liệu cũng tăng lên đáng kể mỗi năm. Ông Cao Văn Lưu, Chủ tịch Hội nông dân phường Lộc Tiến, cho biết: “Trong những năm từ 2004 - 2006, toàn phường có hơn 20 ha hoa sói được trồng chuyên canh và xen canh trong vườn chè, cà phê. Nhưng hiện tại, diện tích này còn chưa đến 6 ha và diện tích chuyên canh hoa sói gần như không còn. Nguyên nhân là do giá cả trên thị trường không ổn định”.

Hoa sói cho thu hoạch quanh năm nhưng rộ vào mùa mưa và khan hiếm trong mùa hạn, nên giá cả cũng thường biến động theo mùa. Thông thường, giá hoa sói khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Vào thời điểm cuối năm, khi những cơ sở chế biến “hút” nguồn hương liệu để ướp trà thì hoa sói có thể tăng lên đến 60.000đ/kg. Đặc trưng của loại hoa này là khi thu hoạch xong phải đưa vào ướp trà ngay, không thể bảo quản hay dự trữ. Do đó, người nông dân không thể “trữ” hàng hoặc sơ chế để đợi chờ giá. Chính sự bấp bênh này đã khiến nhiều nông dân quyết định phá bỏ diện tích hoa sói sau nhiều năm canh tác.

Ông Nguyễn Đức Quyết, một nông dân ở khu phố 3, phường Lộc Tiến, cho biết: “Gia đình tôi trồng hoa sói 15 năm nay rồi. Nhưng, nếu chiết tính mức độ đầu tư trồng hoa sói thì hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này không cao so với nhiều loại cây trồng khác”.

Ở khu vực này, trước đây có rất nhiều người trồng hoa sói nhưng giờ người ta chỉ còn giữ được khoảng 1/3 diện tích. Hiện tại, tôi đang trồng dặm cà phê vào diện tích trồng hoa sói. Đến khi cà phê cho thu hoạch, chắc tôi cũng phá bỏ hoàn toàn diện tích hoa sói mà thôi!”. Bên cạnh yếu tố giá cả bấp bênh, nông dân ở Bảo Lộc trồng hoa sói hiện nay không tìm được nguồn tiêu thụ ổn định cho sản phẩm mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của các cơ sở chế biến trà tại địa phương. “Có năm, hoa sói thu hoạch không bán được, người nông dân phải bỏ hàng loạt vì không thể trữ lại!” - ông Quyết cho biết thêm.

Tính riêng trên địa bàn phường Lộc Tiến hiện có 16 DN chế biến trà ướp hương và có hơn 20 hộ cá thể thường xuyên ướp trà. Vào mùa cao điểm, trung bình một ngày mỗi DN cần khoảng 10kg hoa sói để ướp hương. Với nhu cầu này, lượng hoa sói trên địa bàn Lộc Tiến, Lộc Châu, Đại Lào không đủ để cung ứng. Các DN buộc phải mua thêm hoa sói ở các tỉnh khác. Thiếu thì vẫn thiếu,  thừa thì vẫn thừa đang là một nghịch lý và là bài toán khó cho người trồng hoa sói ở TP. Bảo Lộc hiện nay.

Và những hỗ trợ cần thiết

Theo ông Cao Văn Lưu, Chủ tịch Hội nông dân phường Lộc Tiến, để khôi phục cây hoa sói cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Cách tối ưu là giữa những người trồng hoa sói nên liên kết theo mô hình hợp tác xã để tổ chức trồng, thu hoạch và tiêu thụ hoa sói theo quy trình khép kín. Từ đó, cây hoa sói mới có thể tồn tại và phát triển trên vùng đất trà B’Lao. 

Ngoài hoa sói, các DN chế biến trà ướp hương còn sử dụng các hương liệu khác như lá trà tiên, hoa lài, hoa ngâu… Tuy nhiên, ở Bảo Lộc, các loại cây này đang được trồng với diện tích còn ít ỏi. Mặc dù các loại hương liệu tổng hợp đang được sử dụng phổ biến, nhưng nhiều DN trà ướp hương lâu đời (như Quốc Thái, Đỗ Hữu, Thiên Thành…) thì hoa lài, hóa sói, hoa ngâu vẫn là nguồn nguyên liệu không thể thiếu để ướp trà. Anh Trần Đại Bình, DN Trà Thiên Thành, khẳng định: “Hương liệu tổng hợp hiện được sử dụng khá phổ biến, nhưng để tạo được hương vị đặc trưng của trà thì hương liệu tự nhiên không thể thiếu. Nó được xem là nguyên liệu chính để tạo nên hương vị riêng, mang tính đặc trưng, truyền thống của từng danh trà”. Cũng theo anh Bình, nếu ngành trà ướp hương còn được duy trì thì sản phẩm trà ướp hương được người tiêu dùng ưa chuộng. Và khi ấy, tất yếu các cây hương liệu vẫn còn… đất sống.

Với người uống trà “sành điệu”, chỉ cần nhấp một ngụm trà là có thể cảm nhận được từng loại hương trong trà. Đó chính là nhờ hương hoa sói, hoa lài, hoa ngâu hòa quyện, tạo nên hương vị đậm đà của Trà B’Lao. Lễ hội Văn hóa Trà lần thứ 3 vừa qua đã công bố quyền sở hữu chứng nhận nhãn hiệu Trà B’Lao, đồng nghĩa với việc thương hiệu Trà B’Lao đang tìm lại được “tên tuổi” của mình. Và, sự sống còn của các loại cây nguyên liệu ướp trà sẽ góp phần không nhỏ vào việc khôi phục, phát triển thương hiệu Trà B’Lao.


Kim Chánh – Đông Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm