Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 30/07/2012 - 09:16
(Thanh tra) - Dù khởi đầu còn khó khăn, nhưng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn cho thấy, nhiều ưu việt và hiệu quả thiết thực với người trồng lúa. Việc sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn đang ngày càng mở rộng đang được xem là hướng đi tất yếu góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.
Cánh đồng mẫu - Ảnh minh họa
Xu thế tất yếu
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Phạm Đồng Quảng cho biết, phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất và tiêu thụ lúa được phát động năm 2003 tại các tỉnh phía Nam. Sau một thời gian, Bộ NN&PTNT đã quyết định mở rộng ra cả nước, coi việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là giải pháp lâu dài để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Theo đó, trong quá trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích một cách cao nhất. Trong đó, nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và giá trị tăng thêm cho lúa.
Cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ… góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.
Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình này cho thấy, ở một số địa phương lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Đó là nhờ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh…
Hiện, cả nước có 54.000 ha đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Có 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tích cực tham gia. Các tỉnh phía Bắc làm chậm hơn, nhưng các địa phương đang hưởng ứng tích cực. Vụ Đông Xuân 2011 - 2012, có 6 tỉnh đã triển khai. Rất nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án, kế hoạch. Nhiều tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ riêng.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định, mô hình cánh đồng mẫu lớn tuy mới triển khai nhưng là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay, là phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ bền vững, góp phần khắc phục khó khăn lớn nhất hiện nay là tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Vũ Trọng Bình cho biết, muốn làm cánh đồng mẫu lớn phải làm quy hoạch nông nghiệp ổn định lâu dài 50 - 100 năm. Phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch về quản lý đất đai, tách bạch đất nông nghiệp với đất đô thị, từ đó kéo đầu tư vào nông nghiệp.
Ngoài ra, cần lan tỏa, mở rộng hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở khoa học công nghệ, và tổ chức tiêu thụ bền vững cho nông dân và không chỉ ở lĩnh vực trồng lúa. Cần khuyến khích, hỗ trợ dồn điền đổi thửa để có cánh đồng lớn. Bà con nông dân cần chủ động xây dựng tổ hợp tác để cùng nhau làm chủ cánh đồng, làm chủ sản xuất với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà khoa học và sự điều tiết của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn dù đã có những thành công nhất định, nhưng cũng còn nhiều trở ngại cho sự phát triển mô hình này.
Cần cơ chế nhân rộng
Tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất lúa theo hướng tự cung tự cấp, chưa có hướng sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, trình độ nông dân không đồng đều nên việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật bị hạn chế, nhận thức về sản xuất cây trồng an toàn chưa cao, vẫn đang là thực trạng cần cải tạo, nhất là tại các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh đó, mối liên kết 4 nhà: Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nước chưa được chặt chẽ do thiếu doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp còn chưa mạnh dạn đầu tư thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo.
Hiện tại, dù cũng có doanh nghiệp thu mua lúa trong mô hình này, nhưng quy mô nhỏ từ vài trăm đến vài nghìn hécta, không có năng lực mở rộng diện tích thu mua do thiếu nguồn nhân lực, phương tiện (máy sấy, kho chứa, xay xát…), nguồn vốn và hệ thống thu mua.
Một số doanh nghiệp dù tích cực tham gia, tiêu biểu như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đang đầu tư lớn xây dựng hệ thống kho chứa, sấy, chế biến nhưng lâu nay do chưa, hoặc mới tham gia xuất khẩu gạo nên thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Do vậy, họ vẫn phải bán gạo qua một doanh nghiệp xuất khẩu khác. Điều này ảnh hưởng tới chuỗi giá trị hàng hóa của hệ thống sản xuất lúa gạo. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có chính sách rõ ràng và cụ thể hơn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
GS. TS. Võ Tòng Xuân cho rằng, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn còn phải làm theo chuỗi giá trị. Vì lẽ nông dân đang rất thấp thỏm trong giải quyết đầu ra. Theo ông, doanh nghiệp phải là đầu tàu quan trọng nhất và tham gia từ đầu, vì họ có đầu ra, biết thị trường, mà quay về vùng nguyên liệu và nhờ các nhà khoa học đưa giống gì vào canh tác. Đồng thời cần tiến tới xây dựng các công ty cổ phần nông nghiệp, nông dân sẽ mua cổ phần và cuối năm khi tính toán hiệu quả làm ăn, họ cũng được chia phần lãi.
Về phía quản lý Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Phạm Đồng Quảng cho biết, đang đề nghị tăng mức vay cho nông dân tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc để cơ giới hóa nông nghiệp cũng cần sửa đổi. Cục cũng kiến nghị ban hành văn bản bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung ứng cho khoảng 30 - 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng vào năm 2015, tiến tới sau năm 2015 bảo đảm đủ 50 - 80% lượng gạo xuất khẩu. Nếu làm được như vậy, ngành Lúa gạo sẽ phát triển vượt bậc, giá trị gia tăng về xuất khẩu và khả năng cạnh tranh hơn rất nhiều so với hiện nay.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị có cơ chế quản lý thương lái là phải có đăng ký kinh doanh, có quản lý để phát huy tốt nhất vai trò tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đồng thời, Cục đề nghị chỉnh sửa Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ thành một quyết định mới của Thủ tướng và chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản theo phương thức cánh đồng mẫu lớn.
Minh Mẫn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà