Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Y tế: COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A

Phương Anh

Thứ sáu, 12/08/2022 - 16:51

(Thanh tra)- Bộ Y tế cho biết vừa có tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin. Ảnh: PA

Duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin

Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 291 triệu ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số ca mắc vượt 582 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1

Về tình hình dịch bệnh trong nước, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Riêng trong tháng 7/2022, ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới, 6 ca tử vong; số mắc mới trung bình 1.000 ca mắc mỗi ngày.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với COVID-19 có những thách thức như: Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vắc xin trong tình trạng khẩn cấp.

Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo đó, trong tờ trình, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B

Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở Kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng COVID-19 của WHO với 2 tình huống:

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Cách ly/theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.

Chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành

Cũng tại tờ trình, Bộ Y tế đề xuất chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Đối với dịch COVID-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vắc xin và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào chính thức công bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Một số nước đã đưa các tiêu chí để xem bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành như chỉ số về tỷ lệ tử vong thấp, tỷ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm và độ bao phủ vắc xin cao ở nhiều độ tuổi đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao.

Tại Việt Nam vẫn ghi nhận số mắc, tử vong và đang có xu hướng gia tăng trở lại. Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang được triển khai linh hoạt để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc duy trì công bố dịch COVID-19 như hiện nay đảm bảo được sự quan tâm và huy động nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để có điều chỉnh phù hợp và không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất

Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất

(Thanh tra) - Sáng 22/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất. Các tác phẩm tham dự Giải được đăng trong thời gian từ ngày 1/5/2023 đến ngày 30/5/2025 trên các loại hình báo in và báo điện tử của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; thời hạn nhận bài từ ngày 24/11/2024 đến hết ngày 10/6/2025.

Thái Hải

11:24 22/11/2024
Năm 2025, tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

Năm 2025, tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

(Thanh tra) - Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa quyết định trích 4,9 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi để triển khai chương trình xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại 13 tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2025. Mỗi căn nhà được hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng, giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách có nơi ở ổn định và kiên cố hơn.

Ngọc Phó

10:36 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm