Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế đánh giá an ninh với dự án đầu tư nước ngoài

Thứ năm, 22/08/2019 - 16:55

(Thanh tra) - Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nghị quyết của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 20/8, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Chuyển giá, đầu tư "chui” ngày càng tinh vi

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, qua hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới như thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định.

Bộ Chính trị nhấn mạnh, các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế…

“Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của các cấp, các ngành và của xã hội còn chưa đầy đủ, nhất quán; thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc. Tư duy và định hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo; khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm”, Bộ Chính trị nhận định.

Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài

Bộ Chính trị cho rằng, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. 

Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp. Song cần, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu, hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030...

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".

Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Về chính sách thu hút đầu tư thì xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước.

Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế xảy ra

Về quản lý, giám sát đầu tư, Bộ Chính trị yêu cầu, rà soát, hoàn thiện các quy định về chống độc quyền phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nghị quyết cũng nêu rõ, các cấp chính quyền thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế xảy ra.

Xử lý nghiêm tình trạng thực hiện thể chế, chính sách thiếu thống nhất giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương. Nghiêm cấm việc cấp, điều chỉnh, quản lý, đàm phán dự án đầu tư nước ngoài, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư... trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật. Việc đàm phán, thoả thuận các cam kết bảo lãnh Chính phủ (GGU), ký hợp đồng BOT, bao tiêu sản phẩm... phải thực hiện đúng quy định pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài. Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài…. 

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm).

- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

  Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

Lào Cai: Khánh thành 40 căn nhà nơi vùng lũ Làng Nủ

(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.

Nam Dũng

14:11 15/12/2024
Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm