Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 25/06/2012 - 14:13
(Thanh tra) - Trong 5 năm qua, có khoảng 40 vụ nhà báo bị hành hung, thời gian gần đây có 5 vụ nhà báo bị hành hung, cản trở tác nghiệp, trong đó có khoảng 90% số vụ việc ấy đều không được xử lý một cách thỏa đáng, gây nhiều bức xúc cho báo giới và nhân dân. Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn tại buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Hoàng Tuấn
Nghề nguy hiểm, có được bảo vệ?
Nghề báo chí là nghề lao động trí óc có độ nguy hiểm bậc nhất, chỉ đứng sau thợ mỏ. Theo thống kê của Hiệp hội liên hiệp Phóng viên Thế giới và số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy: Tỷ lệ tử vong của phóng viên thuộc lĩnh vực điều tra trên thế giới ngày càng gia tăng, số nhà báo bị chết khi đang hoạt động nghiệp vụ trong 2 năm 2006 - 2007 là 122 người, năm 2008 - 2009 là 123 người, năm 2010 - 2011 là 127 người. Số phóng viên bị đe dọa, bị hành hung, bắt cóc cũng không ngừng tăng lên. Với tính nguy hiểm lớn chắc chắn sẽ mang lại một tâm lý căng thẳng cao độ.
“Báo chí được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất, vì thế, hơn ai hết, người làm báo phải là người tự trang bị cho mình kiến thức về chuyên môn, pháp luật và xã hội”. Đó là nhận định của Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh và ông cho biết thêm, các cơ quan báo chí bảo đảm quy trình tác nghiệp của phóng viên thông qua những lớp học bồi dưỡng kiến thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Người làm báo luôn phải học hỏi, trau dồi, bổ túc công tác nghiệp vụ, đặc biệt là đưa thông tin sự việc chính xác đến với người đọc.
Việc nhiều nhà báo bị các hành vi cản trở bất hợp pháp khi hoạt động báo chí thường xuyên diễn ra với nhiều mức độ khác nhau đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà báo thuộc lĩnh vực điều tra. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) năm 2011 cho thấy, có 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia điều tra xã hội học cho biết, đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức, phần lớn các nhà báo viết về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong nhiều trường hợp luật pháp cũng chưa quy định rõ nhà báo là công chức Nhà nước. Khi tác nghiệp đúng pháp luật, nhiều trường hợp nhà báo bị cản trở, thậm chí bị xâm hại tài sản và cơ thể. Nếu pháp luật can thiệp, trước hết chỉ can thiệp vào quyền lợi hợp pháp của một công dân. Hầu như những trường hợp trên chưa được xem là hành vi chống người thi hành công vụ.
Nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, ngăn cản cái xấu, nhà báo được xem như người lính xung kích thâm nhập, dấn thân đi điều tra, tìm ra sự thật. Và khi ấy những kẻ xấu, đối tượng đang bị điều tra sẽ tìm cách ngăn cản nhà báo, kể cả dùng vũ lực. “Nhà báo đôi lúc bị đặt lên dùi cui. Đã có hiện tượng liên kết nhóm, liên kết cơ quan để chống lại nhà báo. Trong khi đó pháp luật lại không bảo vệ được nhà báo...”, nhà báo Đinh Phong nói.
Sở dĩ, nhiều vụ hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp hợp pháp xảy ra thường xuyên trong thời gian qua là vì Luật Báo chí chưa đủ mạnh. Cần có hành lang pháp lý để bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với tình hình thực tế. Những hành vi ngăn cản, tấn công nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật phải được xem là hành vi chống người thi hành công vụ.
Không riêng ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp hợp pháp đang là chủ đề nóng trên toàn cầu. Trước khi kết thúc kỳ họp năm 2012 tại thủ đô Paris nước Pháp, Chương trình quốc tế phát triển truyền thông (IPDC) đã yêu cầu UNESCO thúc đẩy các biện pháp hiệu quả để bảo vệ các nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt yêu cầu Tổng Giám đốc UNESCO chuẩn bị trình kỳ họp sắp tới của Hội đồng IPDC kế hoạch hành động của UNESCO đảm bảo an toàn cho nhà báo và vấn đề tội phạm chống các nhà báo hoạt động nghiệp vụ mà không bị trừng phạt.
Người làm báo không thẻ, ai bảo vệ?
Theo điều 14 Luật Báo chí: “Nhà báo phải là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định, đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo”.
Hiện nay, ngoài số người thâm niên công tác ổn định tại cơ quan báo chí được cấp thẻ nhà báo, còn phần lớn người hoạt động nghề báo vẫn chưa được cấp thẻ, được gọi chung là phóng viên. Lực lượng phóng viên, nhất là phóng viên trẻ đóng góp rất nhiều cho ngành Báo chí nói chung và từng cơ quan báo chí nói riêng, nhưng vì chưa đủ thâm niên nên chưa được cấp thẻ. Vậy thì lực lượng này hoạt động dựa trên quy định nào của pháp luật? Qua tham khảo ý kiến một số người làm báo thâm niên, thì hầu như đều trả lời: Họ chưa từng thấy văn bản nào quy định về hoạt động nghề nghiệp của phóng viên - những người chưa có thẻ nhà báo.
Trước những rủi ro tiềm tàng khi tác nghiệp, người làm báo trẻ cần trau dồi kỹ năng tác nghiệp, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, vốn sống và đưa tin thật chính xác… đó là vũ khí để tự bảo vệ mình.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, dựa trên các văn bản pháp luật sẵn có, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các địa phương cần nhanh chóng xây dựng quy chế liên quan đến quá trình tác nghiệp để làm chuẩn, giúp các nhà báo dựa vào đó để tác nghiệp không vi phạm pháp luật, trong đó cần phân biệt trong trường hợp nào nhà báo được “đóng vai” để lấy thông tin; trường hợp nào được ghi âm, chụp hình và tài liệu đó có được xem là hợp lý, hợp pháp. Còn thực tế hiện nay không có chuẩn nào để phân biệt.
Tại điều 6 nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011, quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo. Ngoài hình phạt chính bằng tiền, điều luật còn quy định về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi; Buộc trả lại phương tiện, tài liệu bị thu giữ trái phép đối với hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo.
Đối với những trường hợp xâm phạm, tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm nhà báo mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự.
Liệu những biện pháp chế tài trên có đủ mạnh! Để người làm báo yên tâm công tác, đặc biệt là lĩnh vực đấu tranh chống tiêu cực, phát huy phẩm chất tốt đẹp của truyền thống Báo chí Cách mạng và xây dựng nền Báo chí Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Hoàng Tuấn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh