Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 28/01/2013 - 06:29
(Thanh tra) - Cứ mỗi độ Xuân về, vùng đất Kinh Bắc lại rộn ràng âm hưởng quan họ. Đón Tết cổ truyền ngoài chuẩn bị gói bánh chưng, bánh gio (tro), kẹo lạc, chè lam, người Kinh Bắc còn chuẩn bị cho ngày hội Lim hát quan họ vào 13 Tết…
Nhắc đến Kinh Bắc - chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều liên tưởng đến một vùng quê trù phú, giàu truyền thống văn hóa. Một vùng quê đã đi vào thơ ca, đi vào lịch sử, một vùng quê đã sản sinh ra biết bao nhân tài, một vùng quê nổi tiếng với những lễ hội… Kinh Bắc là tên gọi xưa kia cho 4 phủ, ngày nay gồm toàn bộ 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một phần nhỏ của Hà Nội, Hưng Yên và Lạng Sơn. Tết ở xứ Kinh Bắc cũng rất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như chính lịch sử ngàn năm văn hiến của vùng đất này.
Cũng giống như một số vùng miền, người Kinh Bắc đón Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp là ngày mà người dân cúng ông Công, ông Táo về trời. Tục đưa Táo quân về trời nhằm răn dạy con người tự giữ gìn đạo đức, lối sống vì mọi việc làm của con người trong năm đều được trình báo với Ngọc Hoàng.
Từ ngày 23 đến chiều 30 tháng Chạp, không khí chuẩn bị tết rộn ràng hơn bao giờ hết. Mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ tết, không khí chuẩn bị tết còn hiện diện ở khắp các chợ vùng quê. Xưa kia, người Kinh Bắc có tập tục giết lợn gói giò, gói bánh chưng. Đâu đâu cũng thấy người dân chuẩn bị củi lửa, ngâm gạo đỗ, rửa lá dong gói bánh, quây quần bên bếp lửa bập bùng, củi nổ tanh tách, tàn than bay ra như pháo hoa và nồi bánh chưng sôi sùng sục. Với những người con xa quê, có lẽ ký ức về những ngày chợ phiên giáp tết, lẽo đẽo theo mẹ đi bộ vài cây số để được mua quần áo mới, mua pháo tép, mua bóng bay về chơi tết sẽ không thể nào phai mờ…
Tết ở Kinh Bắc không thể thiếu cành đào, cây quất và mâm cỗ Tết. Chiều 30 tết, thức ăn và trái cây được bày biện trang trọng trên bàn thờ tổ tiên. Đây là dịp cả gia đình quây quần trước vong linh cửu huyền thất tổ, ôn lại những việc đã làm trong năm để rút lại kinh nghiệm cho năm tới. Đêm 30, trong không khí tất niên, mọi người ai về nhà nấy để chuẩn bị đón thời khắc Giao thừa linh thiêng trong ngôi nhà nhỏ với những người thân của mình. Sau lễ cúng Giao thừa, mọi người kéo nhau ra đường hái lộc và lên đình, lên chùa làm lễ cầu may.
Sáng mồng Một, những người đã được gia chủ nhờ từ trước đến xông đất cho nhau. Gia chủ mời người xông đất uống nước và tặng phong bao cho họ. Trong ngày này, người Kinh Bắc rất kiêng quét dọn nhà cửa và nếu có dọn dẹp thì cũng chỉ dồn rác rưởi thành một đống dấp trong xó nhà, để đến ngày hôm sau mới được hót đổ đi vì mọi người quan niệm đó là lộc, là những điều may mắn, tốt lành.
Người Kinh Bắc quan niệm: Mồng Một tết Cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết Thầy. Vì vậy, ngay từ sáng sớm ngày mồng Một, người ta kéo nhau về nhà cha mẹ hai bên của mình để chúc tết và thắp hương cho tổ tiên. Sau đó mới đi thăm hỏi, chúc tết những người cao niên, những bậc bề trên trong dòng họ. Đây là dịp mọi người được trò chuyện, tâm sự cùng nhau về việc làm ăn, chuyện gia đình... trong suốt một năm qua. Những người bề trên thường tặng (mừng tuổi) cho người dưới những chiếc phong bao màu hồng, bên trong có vài đồng tiền lẻ còn mới gọi là tiền mừng tuổi lấy may với ý nghĩa phát vốn, phát lộc, phát tài cho con cháu kèm theo những lời chúc có nội dung và ý nghĩa rất cụ thể, thiết thực…
Từ ngày mồng Bốn, các cuộc vui bắt đầu tưng bừng diễn ra khắp nơi và kéo dài đến hết mùa Xuân. Có dịp về miền quê Kinh Bắc những ngày xuân, đâu đâu cũng thấy không khí tưng bừng, náo nhiệt bởi những lễ hội diễn ra liên tiếp: “Mùng Bốn đi hội kéo co, Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về. Mùng sáu đi hội Bồ Đề, Mùng bẩy trở về đi hội Đống Cao…”. Trong đó có những hội nổi tiếng vượt ra khỏi quy mô làng, xã như hội Dâu, hội Diềm, hội đền Bà Chúa Kho, hội Phật Tích, hội Đền Đô, hội Thập Đình…
Trong hàng trăm lễ hội của vùng quê Kinh Bắc thì có lẽ hội Lim là một trong những lễ hội thể hiện rõ nét nhất những nét tinh hoa của người Quan họ, hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Kinh Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ. Khách kéo về dự hội Lim rất đông để được xem hát quan họ giữa các “liền anh” “liền chị”, hát sau chùa, hát trên đồi, hát đối đáp từng cặp đôi, hát trên thuyền... với đủ các làn điệu quan họ khác nhau…
Chu Tuấn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền