Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thái Bình khai hội đền Tiên La

Trọng Tài

Thứ hai, 11/04/2022 - 07:28

(Thanh tra) - Tối ngày 10/4 (tức 10/3 Âm lịch), di tích cấp quốc gia đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chính thức khai hội. Trong ngày 10/4, đông đảo du khách thập phương đã đến tham quan, vãn cảnh và chiêm bái.

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3 Âm lịch, người dân lại mở lễ hội, tục gọi là lễ “giỗ mẹ tháng 3” để tri ân công đức. Ảnh: Trọng Tài

Đây là lễ hội đầu tiên của tỉnh Thái Bình được tổ chức sau thời gian cả nước mở cửa du lịch, trở về trạng thái bình thường mới.

Đền Tiên La là nơi thờ Đông Nhung Đại tướng Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương), một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Lễ hội đền Tiên La là lễ hội lớn, có quy mô cấp vùng, chính thức diễn ra từ ngày 10/4 đến 20/4 (tức 10/3 đến 20/3 Âm lịch).

Theo sử cũ ghi, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, yêu nước, thương dân. Khi giặc Đông Hán sang xâm lược nước ta, tên Thái thú Tô Định bạo tàn đã ép bà làm vợ. Bị bà từ chối, Tô Định đã giết cha và chồng của bà, cho quân lùng bắt bà.

Không để rơi vào tay Tô Định, Vũ Thị Thục đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La, Đa Cương Hương (Hưng Hà ngày nay) chiêu binh dựng cờ khởi nghĩa.

Khi Hai Bà Trưng dấy binh chống quân Đông Hán, bà đã đem quân sĩ hội quân cùng Hai Bà Trưng đánh giặc, lập nhiều chiến công, được Hai Bà Trưng phong là “Đông Nhung Đại tướng quân”.

Năm 41 (sau Công nguyên), Mã Viện đem quân sang đánh chiếm lại nước ta. Thế giặc rất mạnh, Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục lui về vùng Đa Cương Hương. Trong trận chiến đấu cuối cùng, bà cùng quân sĩ của mình đã anh dũng hy sinh ở gò Kim Quy.

Tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ trên chính nơi bà đã hy sinh. Hàng năm vào dịp tháng 3 Âm lịch lại mở lễ hội tri ân công đức, giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

Theo tục lệ, đền Tiên La khai hội vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, chính hội vào ngày 17 và 18 tháng 3 Âm lịch với quy mô lớn, gồm các nghi thức tế lễ truyền thống và các trò chơi dân gian độc đáo như: Rước kiệu, rước nước, đánh đáo, biểu diễn chèo, hát văn, làm bánh dày, trổ tài têm trầu cánh phượng…

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Xuân Dương cho biết, lễ hội đền Tiên La được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Sau hơn 2 năm tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay, lễ hội đền Tiên La đã được tổ chức trở lại.

Để chuẩn bị cho lễ hội diễn ra an toàn, chính quyền địa phương các cấp trong huyện đã có các phương án, kịch bản để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức phun thuốc khử trùng ở các điểm di tích thuộc quần thể di tích...

Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tại di tích ký cam kết chấp hành nghiêm quy định tại lễ hội, như: Không xem tướng số, bói toán, đổi tiền lẻ, không bán hàng ở khu vực nội tự các đền; niêm yết công khai giá các loại dịch vụ đảm bảo quy định.

Năm nay, lễ hội đền Tiên La vẫn duy trì lễ rước nước đường thủy và đường bộ, đây là một nghi thức quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội; góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích cấp quốc gia đền Tiên La.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm