Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nóng cuộc “tấn công” của linh vật ngoại lai

Chủ nhật, 09/11/2014 - 10:42

Sự du nhập của sử tử đá ngoại lai trong không gian văn hóa thuần Việt đang là vấn đề đáng quan ngại và gây bức xúc trong dư luận. Trong khi nhà nghiên cứu gọi đây là cuộc “xâm lăng văn hóa”, một sự lai căng khó chấp nhận, thì người quản lý lại coi đó là hệ lụy tất yếu của thời kỳ hội nhập. Việc tổ chức triển lãm giới thiệu hình tượng nghê và sư tử đá của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ ngày 7-17.11) sẽ là động thái đầu tiên của những người làm văn hóa trong chặng đường ngăn chặn sự xâm lấn của linh vật ngoại lai và tìm chỗ đứng cho linh vật thuần Việt.

Hơn một tháng qua, dư luận nóng lên bởi sự xuất hiện của sư tử đá Trung Quốc ở khắp mọi nơi, từ trường học, bệnh viện, công sở, đến đình chùa miếu mạo. Cuộc xâm lấn này đã gây bức xúc dư luận. Hàng loạt những hội thảo được tổ chức, các nhà làm văn hóa vào cuộc tìm cách hạn chế cuộc xâm nhập này. 

Từ đây cũng bùng nổ những tranh luận về nguyên nhân của sự xuất hiện ồ ạt sư tử đá và linh vật ngoại lai trong không gian văn hóa thuần Việt. 

Sự xâm nhập của sư tử ngoại lai vào công sở, đền thờ, miếu mạo của Việt Nam đã làm nóng dư luận thời gian qua. 


Theo nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, việc sử dụng các linh vật ngoại lai phần nhiều do khoảng trống nhận thức về ý nghĩa của những linh vật thuần Việt của nhân dân ta. “Có lẽ nguyên nhân phần nhiều từ khoảng trống trong giáo dục, nhận thức về di sản nghệ thuật của người dân. Hơn nữa, công chúng thiếu cơ hội được tiếp cận, khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, nên đã sử dụng sư tử ngoại lai làm vật trang trí” – ông Phan Văn Tiến cho biết.

Cũng có những ý kiến cho rằng đây là hệ lụy tất yếu của thời kỳ hội nhập và không phải giờ sư tử đá ngoại lai mới xuất hiện, mà nó đã âm ỉ và bùng nổ từ nhiều năm trước. “Cách đây khoảng hơn 10 năm, đã có một phong trào cúng tiến ồ ạt các vật thể lạ vào các chùa chiền, đền miếu... ở ta. Tuy vậy những người quản lý ở các đền, miếu lại thiếu kiến thức để phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt. Điều này đã làm dấy lên những quan ngại về một cuộc “xâm lăng, lai căng văn hóa” - PSG - TS - Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho biết. PSG - TS - Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo


Ông cũng cho rằng sự xuất hiện của những linh vật ngoại lai đã làm “ô nhiễm” không gian văn hóa Việt, còn những người quản lý di tích đã “làm hỏng nền văn hóa” khi để sư tử ngoại lai án ngữ khắp nơi tại các đến, chùa.


Trong khi các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa tranh cãi, thì sự “chết yểu”, điêu đứng của các làng nghề chế tác linh vật thuần Việt trên khắp cả nước vì không cạnh tranh nổi về giá cả lẫn mẫu mã với những linh vật ngoại lai đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Đòi hỏi phải tìm lại chỗ đứng cho linh vật thuần Việt trước sự xâm lấn ồ ạt của của những linh vật, biểu tượng ngoại lai.


Tại sao không sử dụng linh vật thuần Việt?


Đó là câu hỏi của rất nhiều người, cả nhà nghiên cứu lẫn người dân sau khi tham quan triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức. Việc đưa hơn 60 hiện vật, đều do chính những bàn tay tài hoa của những người thợ điêu khắc Việt Nam chế tác, trong suốt chiều dài của lịch sử nước nhà là một việc làm thiết thực và ý nghĩa của những người làm văn hóa lúc này.

Điểm nhấn của triển lãm chính là những con nghê (hay còn gọi là chó đá) – một linh vật vô cùng gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam từ thời xa xưa. Thế nhưng từ lâu đã bị bỏ quên và bị sư tử đá ngoại lai lấn át.  Lần đầu tiên một triển lãm quy mô gồm 60 hiện vật là những linh vật thuần Việt đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới công chúng.


Nhiều người khi đến tham gia triển lãm đã trầm trồ trước vẻ đẹp của những linh vật thuần Việt. Đó là những con nghê, sư tử đá gần gũi, mềm mại tượng trưng cho sự đôn hậu của người dân Việt Nam chứ không “dữ tợn”, cơ bắp như các linh vật ngoại lai. 

“Đã từ rất lâu rồi, từ thời Lý, Trần, ông cha ta đã sử dụng con nghê để làm vật canh cổng, giữ chùa, làm bệ đỡ cho Phật ngồi trên. Nó rất đẹp và ý nghĩa, lại được những người thợ điêu khắc của chúng ta chế tác từ các chất liệu khác nhau. Đó là linh vật thuần Việt, vậy tại sao chúng ta lại phải sử dụng linh vật ngoại lai?” - PSG – TS Nguyễn Đỗ Bảo bức xúc vì sự lãng quên của người dân với những linh vật tượng trưng cho văn hóa của dân tộc.Rất đông người dân đã tới tham quan và chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc công phu, đẹp mắt của những người thợ thủ công Việt Nam. 

“Óc sáng tạo của những người thợ điêu khắc Việt Nam qua các thời kỳ lịch thật lớn. Dưới bàn tay tài hoa của họ, con nghê đã hiện lên với các hình dạng, màu sắc khác nhau. Tôi băn khoăn tại sao người dân Việt Nam lại không sử dụng những linh vật thuần Việt đẹp đến thế này mà lại thích những sự lai căng văn hóa” – Nguyễn Anh Tú (sinh viên Đại học KHXH&NV) chia sẻ cảm xúc khi tham quan triển lãm những linh vật thuần Việt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những con nghê được tạo tác từ những chất liệu khác nhau, có từ thời Lý, Trần đã được giới thiệu tới công chúng.


Và việc tổ chức triển lãm này cũng là động thái, hành động thiết thực đầu tiên của những nhà làm văn hóa trên chặng đường tìm kiếm chỗ đứng của linh vật thuần Việt. Ý nghĩa của của nó vượt qua vấn đề mỹ thuật để trở thành động lực kinh tế cho các làng nghề chế tác linh vật của Việt Nam, cũng như tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về nét đẹp của con nghê, con sấu - những linh vật từ lâu đã là biểu tượng cho nét đẹp và văn hóa của Việt Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm