Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer

Nhật Huyền

Thứ hai, 08/11/2021 - 18:57

(Thanh tra) - Cùng với Bảo tàng Văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh đã góp phần gìn giữ và giới thiệu đầy đủ về đặc trưng đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer ở tỉnh Trà Vinh nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.

Bảo tàng Văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh là nơi lưu giữ, giới thiệu đầy đủ về đặc trưng đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Ảnh: NH

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có 2 bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng và Trà Vinh, là nơi lưu giữ các hiện vật phong phú về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.

Được xây dựng vào năm 1995, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nằm trong quần thể Khu Di tích Ao Bà Om và chùa Âng, thuộc phường 8, TP Trà Vinh. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn rất nhiều hiện vật quý giá, phản ánh về đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người Khmer ở tỉnh Trà Vinh nói riêng và ở Nam bộ nói chung.

Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh có thiết kế xây dựng với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống của dân tộc Khmer và kiến trúc hiện đại, gồm một khối nhà 2 tầng, có diện tích sử dụng hơn 1.700m2. Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị, tái hiện đời sống văn hóa tinh thần và vật chất, các trang phục, nhạc cụ, mô hình các chùa của người Khmer…

Các phòng trưng bày của bảo tàng được chia thành 4 chủ đề chính, gồm tôn giáo và tín ngưỡng của người Khmer; văn hóa, cuộc sống đời thường; ngành nghề truyền thống của dân tộc Khmer và văn hóa nghệ thuật của người Khmer.

Phòng trưng bày về tôn giáo và tín ngưỡng là nơi giới thiệu về văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer, trong đó ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer chiếm vai trò chủ đạo. Tại đây, tái hiện lại chánh điện Phật giáo Nam tông Khmer, mô hình Sala thờ Néak Tà và hơn 143 ngôi chùa Khmer khác. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày tượng của các vị thần, các tác phẩm điêu khắc, tượng phật do các nghệ nhân là người Khmer chế tác rất tinh xảo.

Phòng chủ đề về văn hóa, cuộc sống đời thường là nơi tái hiện về đời sống, sinh hoạt, cách ăn mặc, lao động của người Khmer qua các giai đoạn lịch sử. Các hiện vật trưng bày ở đây là những công cụ lao động thô sơ, trang phục, trang sức rất độc đáo của người Khmer như: Cày, bừa, phảng, cù nèo, nôm, lọp, xà nô…

Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Nguồn ảnh: travinh.gov.vn

Người Khmer đã sử dụng các công cụ này để đánh bắt hải sản, sản xuất nông nghiệp. Điểm nổi bật của các công cụ này là được trang trí, điêu khắc các hoa văn rất tinh xảo. Tại khu vực trưng bày này còn tái hiện không gian bàn thờ tổ tiên, nhà bếp trong căn nhà ở tại các phum sóc của người Khmer.

Phòng trưng bày về ngành nghề truyền thống là nơi giới thiệu về các làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer như dệt chiếu, làm cốm dẹp, điêu khắc, đan lát… Hiện vật trưng bày ở đây là các công cụ lao động như khung dệt vải, cối và chày giã cốm dẹp, các sản phẩm điêu khắc bằng gỗ, tre nứa được các nghệ nhân người Khmer làm ra…

Phòng chủ đề văn hóa nghệ thuật là nơi trưng bày, giới thiệu những hiện vật có giá trị trong đời sống tinh thần của người Khmer, bao gồm các nhạc cụ, trang phục, mặt nạ dùng trong biểu diễn nghệ thuật… Ở đây còn tái hiện không gian nghệ thuật sân khấu của người Khmer như múa Rô băm, sân khấu ca kịch Dù kê…

Sau khi chính thức được đưa vào hoạt động, cùng với Bảo tàng Văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Bảo tàng Văn hóa Khmer tỉnh Trà Vinh đã góp phần gìn giữ và giới thiệu đầy đủ về đặc trưng đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Bảo tàng còn là địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, đây cũng là một địa chỉ để nghiên cứu về văn hóa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm