Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhận diện, tháo gỡ “điểm nghẽn” để văn hóa phát triển

Hương Giang

Thứ hai, 12/12/2022 - 19:00

(Thanh tra) - “Nếu Đảng, Nhà nước không quan tâm, chăm lo về thể chế, chính sách, bảo đảm nguồn lực thì khó đạt được những thành tựu về văn hóa như vừa qua. Tuy nhiên, qua rà soát từng vấn đề thấy có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, hội thảo tập trung vào 3 vấn đề lớn là: Thể chế, chính sách và nguồn lực văn hóa. Ảnh: Nghĩa Đức

Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ diễn ra vào ngày 17/12 với chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Sẽ có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá

Tại buổi họp báo ngày 12/12, trả lời báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, hội thảo tập trung vào 3 vấn đề lớn là: thể chế, chính sách và nguồn lực văn hóa.

“Lâu nay Đảng, Nhà nước chăm lo rất nhiều, nếu không có sự quan tâm, chăm lo về thể chế, chính sách, bảo đảm nguồn lực thì khó đạt được những thành tựu về văn hóa như vừa qua. Tuy nhiên, qua rà soát từng vấn đề thấy có những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo ông, nếu những “điểm nghẽn”, vướng mắc được nghiên cứu giải quyết thỏa đáng, toàn diện sẽ khơi thông được nguồn lực, tạo môi trường tốt hơn cho văn hóa phát triển.

“Ngân sách đầu tư cho văn hóa là không nhỏ, nhưng có đáp ứng được yêu cầu hay chưa thì cần đánh giá, tính toán lại để tăng cường hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho hay, vừa qua Chính phủ đề xuất và nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hoá.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: N.Đức

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, ông Vinh cũng nhấn mạnh cần quan tâm thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư cho văn hóa. “Muốn khai thông nguồn lực này thì phải sửa thể chế, xây dựng chính sách phù hợp để tạo sức hấp dẫn”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục nói thêm, mục tiêu là sau hội thảo, sau khi đánh giá, phân tích các vấn đề thì sẽ có những kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách, bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính để phát triển văn hóa đúng mục tiêu và Đảng đề ra, cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bố trí cán bộ làm văn hóa đang có những bất cập

Đề cập đến vấn đề cán bộ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho hay, công tác đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác văn hóa được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Điều đó đã được thể hiện trong các đề án, chiến lược phát triển đội ngũ làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện một dự thảo trình Chính phủ liên quan đến nhiệm vụ này.

Trong đó, bộ đã đề cập, đánh giá việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở địa phương đang có những bất cập nhất định.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy. Ảnh: Đ.Nghĩa

“Nhiều địa phương chưa bố trí cán bộ đúng với năng lực, sở trường, vị trí, vai trò của cán bộ. Đây cũng là một trong những nội dung trong các vấn đề lớn mà hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp và từ đó cụ thể hóa thành các chính sách lớn về đào tạo, bố trí cán bộ làm văn hóa để khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua”, bà Thủy cho hay.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cho biết, hiện nay bộ đang xây dựng dự thảo nghị định về chính sách đặc thù cho lực lượng văn, nghệ sĩ, nhất là với lĩnh vực đặc thù như múa, xiếc...

“Trên thực tế, tuổi nghề của họ ngắn nên sau thời gian cống hiến, nghệ sĩ không thể tham gia được trình diễn, thì chính sách đãi ngộ như thế nào, bố trí, phân công như thế nào cho phù hợp. Không thể vắt kiệt sức của nghệ sĩ khi họ còn sung sức, sau đó lại không quan tâm, phải có chế độ đãi ngộ khi họ không còn sức khỏe”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói thêm.

Chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài lĩnh vực văn hóa còn tự phát

Trong tham luận gửi đến hội thảo, PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và HĐND các cấp đã chú trọng nâng cao mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển văn hóa, song còn một số bất cập, yếu kém.

Trong đó, Nhà nước đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa còn thấp. Nguồn vốn đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu. “Chính sách đãi ngộ, sử dụng nhân tài trên lĩnh vực văn hóa còn tự phát, tùy vào mỗi địa phương, chưa trở thành chính sách chung của quốc gia”, ông Đức nêu.

Cạnh đó, công tác quản lý, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực để phát triển văn hóa còn nhiều bất cập. Việc triển khai nguồn lực đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan còn nhiều lúng túng, thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh, hướng dẫn…

Từ đó, ông Đức kiến nghị, thể chế hóa đồng bộ quan điểm của Đảng; tăng mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa tương đương 2% tổng ngân sách, khuyến khích các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa.

Ông Đức cũng đề nghị, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ tri thức văn nghệ sĩ, bồi dưỡng tài năng về văn học, nghệ thuật. Chú trọng đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư cho phát triển văn hóa, con người.

Tăng cường hiệu quả của đầu tư, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa đã được xây dựng

Văn hóa trở thành ngành công nghiệp “làm ra tiền”

Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, văn hóa từ một lĩnh vực vốn được coi là vũ khí tư tưởng, công cụ giáo dục con người, một ngành “chỉ biết tiêu tiền”, sống dựa vào bao cấp của các ngành khác đã trở thành một ngành “làm ra tiền”, có tiềm năng, giá trị kinh tế và có thể có đóng góp thiết thực vào GDP của đất nước.

Những năm qua, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đã có tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Đơn cử, doanh thu ngành điện ảnh trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19 đã đạt khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 176 triệu USD) vượt mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gần 20% và đến đích trước 1 năm.

Tuy nhiên, bà Loan cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Trong đó, một số lĩnh vực văn hoá nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm vẫn đang quản lý bằng nghị định mà chưa phải luật, trong khi đây là những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.

GS.TS Từ Thị Loan kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sớm xây dựng và ban hành các luật như Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật…

Cùng với đó, đồng bộ hóa nội dung phát triển công nghiệp văn hóa trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, thuế, công nghệ thông tin và truyền thông; tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm; thành lập các quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật…

Đặc biệt, bà Loan đề nghị đổi mới cơ chế quản lý với các ngành công nghiệp văn hóa để giải phóng sức sáng tạo của nghệ sỹ, thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích sự đa dạng các biểu đạt văn hóa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm