Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhà báo phải luôn làm mới mình, không viết theo lối mòn

Thứ ba, 16/06/2020 - 08:00

(Thanh tra)- Nhà báo Phan Thảo, Báo Sài Gòn Giải phóng, đã chia sẻ như vậy khi nói về nghề, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Theo chị Thảo, mỗi năm đến ngày kỷ niệm 21/6, giới làm báo lại xốn xang, chị cũng không ngoại lệ. Đó là ngày để người làm báo nhìn lại hành trình làm báo của mình, nhớ lại những niềm vui, nỗi buồn mà nghề thú vị này mang lại.

Nhà báo Phan Thảo phỏng vấn chiến sĩ ở Trường Sa trong chuyến công tác 1 năm trước. Ảnh: Lê Phương

Chị Thảo cho biết, đã 20 năm làm nghề, nhưng mỗi lần thấy tin, bài mình trên báo điện tử, trên tờ báo giấy, chị vẫn thấy vui. Những người làm báo trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay có điều kiện được được đào tạo bài bản, chuyên sâu và có cơ hội tiếp nhận công nghệ thông tin, với các phương tiện truyền thông đa phương tiện.

Tuy nhiên, báo chí hiện nay cũng đứng trước thách thức từ mạng xã hội, đòi hỏi mỗi một nhà báo phải luôn có ý thức học hỏi, vận động, nếu không sẽ bị tụt hậu. Đồng thời, nếu không tỉnh táo thì rất dễ bị những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội cuốn đi, hoặc làm công cụ sản xuất nội dung cho mạng xã hội.

Do vậy, các nhà báo phải liên tục cập nhật thông tin, kiến thức và công nghệ mới, để không chỉ song hành mà còn phải vượt lên mạng xã hội. Mặt khác, nhà báo phải luôn có ý thức rèn luyện để trở thành nhà báo đa kỹ năng; chuẩn mực trong đưa tin, bình luận, phân tích và định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó, phải luôn làm mới mình, không viết báo theo lối mòn.

Là một phóng viên theo dõi mảng chính trị - xã hội, chị Thảo cho biết, bản thân cũng như các đồng nghiệp phải luôn học hỏi để làm tốt chức năng phản biện xã hội của báo chí. Không chỉ là đưa tin một cách nhanh nhạy, kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn phải kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách đó đi vào cuộc sống như thế nào.

“Thực tế cuộc sống đang diễn ra những gì, báo chí cũng phải phản ánh trung thực. Báo Sài Gòn Giải phóng và bản thân chúng tôi luôn có nhiều tác phẩm báo chí kịp thời phê phán những thiếu sót, khuyết điểm, đặc biệt là các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền gây bức xúc trong nhân dân”, chị Thảo nhấn mạnh.

Nghề báo là một nghề thú vị, chị Thảo cho biết, nhà báo được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người, được sống với đầu nguồn tin, được phản ánh thực tế cuộc sống lên mặt báo thông qua những tác phẩm báo chí. Một trong những đặc ân của nghề báo là nhà báo được đi khắp nơi, trong vô vàn các chuyến công tác đi khắp mọi miền đất nước, chuyến đi Trường Sa cách đây 1 năm là chuyến đi để lại nhiều cảm xúc mãnh liệt nhất cho chị.

“Mỗi lần đọc báo, xem ti vi, hoặc chuyện trò cùng bạn bè, đồng nghiệp, chỉ nghe hai tiếng Trường Sa là cảm xúc trong tôi lại dâng trào. Tôi nhớ đến từng chi tiết của hành trình vượt sóng lênh đênh trên biển. Tôi nhớ cái không khí chộn rộn của buổi sớm mờ sương. Cả những đêm say sóng nằm bẹp giường không thể ăn nổi, những cảm xúc mạnh mẽ khi nhìn thấy từng hòn đảo hiện ra trước mắt, gương mặt những người lính Trường Sa dãi dầu sương gió, những tiếng khóc nghẹn khi rời đảo... sẽ mãi mãi in sâu trong tâm can chúng tôi”, chị Thảo chia sẻ.

Cũng theo chị Thảo, khi được đặt chân đến những vùng biên giới xa xôi, những hòn đảo giữa mênh mông đại dương xanh thẳm và đặt bút viết những bài báo về những nơi thiêng liêng đó, những người làm báo thấu hiểu, nghề báo có những giá trị riêng khác mà không nghề nào có được.

Lê Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm