Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người có công truyền dạy hát dân ca dân tộc Tày

Trần Quý

Thứ năm, 18/11/2021 - 18:00

(Thanh tra) - Từ một người mê ca hát từ nhỏ, qua quá trình học tập, rèn luyện, bà Hoàng Thị Quanh đã trở thành nghệ nhân ưu tú nhờ nắm giữ, truyền dạy hát dân ca và nghệ thuật múa truyền thống dân tộc Tày.

Bà Hoàng Thị Quanh (thứ 3 bìa phải) nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Ảnh: TQ

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Quanh sinh năm 1960 tại xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Quanh cho biết, mê ca hát từ nhỏ, bà thường xuyên được nghe hát từ những lần hát đối của các cụ khi uống nước, uống rượu… hay mỗi tối theo chân các anh các chị lớn tuổi nghe hát giao duyên. Lời hát Nôm là những lời chào hỏi, hỏi thăm sức khỏe, đến giao duyên đôi lứa… bà nghe rồi nhẩm hát theo. Tối về nhà trước khi đi ngủ, bà thường ôn lại lời hát, chỗ nào chưa thuộc, chưa hiểu bà thường hỏi mẹ để thuộc được các bài hát một cách hoàn chỉnh.

Những câu hát Nôm, điệu múa Then được bà học từ người già, bố mẹ, những người xung quanh mà không có một thầy cô nào dạy đã trở thành vốn liếng tích lũy.

Tuổi thơ êm đềm trôi qua, bà lớn lên trong cái nôi của những bài hát Nôm điệu múa Then như vậy. Rồi bà được theo học tại Trường Thanh niên dân tộc số 2 Bảo Hà, ngôi trường đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho bà phát huy khả năng ca hát khi bà được giao nhiệm vụ là lớp phó văn thể. Bà thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn thể trong trường và đã sưu tầm các bài hát, hướng dẫn lại cho các bạn đồng trang lứa, chủ động xây dựng các tiết mục văn nghệ hướng dẫn các bạn tập hát tập múa, biểu diễn các chương trình khai giảng, tổng kết năm học và chương trình văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ tại trường.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Quanh truyền dạy múa Then cho các đội văn nghệ. Ảnh: TQ

Học hết lớp 7, có nguyện vọng đi học ngành Y với mong muốn được giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho bà con ở địa phương nhưng do điều kiện hoàn cảnh không cho phép, bà trở về địa phương và làm đơn xin đi bộ đội. “Tôi viết 5 lá đơn mà không được chấp thuận. Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ thấy tinh thần thanh niên xung kích rất đáng khen ngợi, đồng thời biết tôi là một cán bộ đoàn rất năng nổ khi còn đi học nên mời tôi đến công tác tại xã, giao chức Phó ban Thông tin phụ trách Văn hóa văn nghệ” - bà Quanh kể lại.

Năm 1976, bà nhận nhiệm vụ. Nhận thấy hoạt động văn hóa văn nghệ của xã còn yếu, bà cùng với cán bộ xã đoàn tổ chức mời các thành viên tham gia đội văn nghệ rồi trực tiếp hướng dẫn. Đây chính là đội văn nghệ đầu tiên được bà truyền dạy lại những bài hát Nôm cổ và điệu múa Then dân tộc Tày.

Dưới sự dẫn dắt của bà, đội văn nghệ đã có buổi biểu diễn đầu tiên vào rằm tháng Giêng năm 1978.

“Sau một năm luyện tập, đội văn nghệ do tôi hướng dẫn đi biểu diễn ở nhiều địa phương. Ngoài sưu tầm bài hát cũ, tôi bắt đầu sáng tác các ca khúc mới nhằm tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước, ca ngợi quê hương, đất nước và con người địa phương… Trong số những bài tôi sáng tác nổi bật là ca khúc tuyên truyền ngăn chặn việc thách cưới bằng bạc trắng trong nghi lễ cưới truyền thống của người Tày ở địa phương. Ca khúc được biểu diễn ở nhiều nơi và được đông đảo người dân đón nhận, tục thách bạc trắng trong đám cưới có sức ảnh hưởng rất lớn, bạc trắng trong đám cưới giảm từ 20 đồng xuống 10 đồng rồi 5 đồng, đến nay bạc trắng chỉ còn là hình thức trao tặng quà cho con bằng một chiếc vòng bạc” - bà Quanh cho biết.

Từ năm 1979 đến năm 1983, đội văn nghệ ngừng hoạt động do chiến tranh biên giới. Khi trở lại công tác, bà được bầu giữ chức Hội trưởng Phụ nữ xã, gây dựng lại phong trào văn nghệ với nòng cốt là 10 thành viên, ngoài ra xã còn có 9 chi hội phụ nữ thôn, mỗi chi hội có một đội văn nghệ từ 6 đến 10 thành viên. Hàng tuần bà đều trực tiếp hướng dẫn, dạy múa dạy hát cho các chi hội. Bà không quên nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác thêm các ca khúc mới cho đội văn nghệ biểu diễn đồng thời ghi chép lại để giữ gìn cho thế hệ sau.

Từ đó tới nay, bà luôn duy trì các đội văn nghệ ở các chi hội thôn, gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ mạnh mẽ trong xã. Với giá trị, tầm vóc của làn điệu khắp nôm nhiều câu lạc bộ “Khắp Nôm” được thành lập dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Văn Bàn. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, đến nay, toàn huyện đã có gần 20 câu lạc bộ "Khắp Nôm" đi vào hoạt động.

Ông Hà Văng Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, bà Hoàng Thị Quanh là một trong những người tiêu biểu, có công trong việc truyền dạy hát dân ca và nghệ thuật múa truyền thống dân tộc Tày. Hiện nay, bà vẫn thường xuyên hướng dẫn, truyền dạy lại các bài hát Nôm cổ, điệu múa Then cho các thành viên câu lạc bộ, cung cấp thông tin cho báo chí và các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

“Năm 2017, cùng với một số nghệ nhân tại địa phương, phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai tiến hành quay phim, chụp ảnh và sưu tầm tư liệu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa "Khắp Nôm" dân tộc Tày, huyện Văn Bàn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” - ông Thắng cho biết.

Một buổi truyền dạy hát Nôm cho các thành viên đội văn nghệ. Ảnh: TQ

Với nhiều đóng góp, bà Hoàng Thị Quanh được lựa chọn là 1 trong 10 đại biểu tham gia Hội nghị Gặp mặt già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực miền Bắc và diện kiến Chủ tịch nước vào tháng 4/2017.

Bà cũng đã đạt nhiều danh hiệu như: Đạt giải A tiết mục múa Bát (dân tộc Tày) huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai trong Liên hoan Tiếng hát Đồng quê tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2010; Huy chương Bạc Liên hoan Tiếng hát đồng quê toàn quốc lần thứ III năm 2010, tổ chức tại Sơn La; Giải Ba Liên hoan hát ru, hát dân ca và cổ truyền khu vực phía Bắc tổ chức tại Bắc Ninh năm 2014; Giải Nhì Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Văn Bàn lần thứ 3 năm 2015; Giải Nhất Liên hoan hát Nôm huyện Văn Bàn lần thứ 1 năm 2016 cho Câu lạc bộ Khắp Nôm xã Làng Giàng…

Đặc biệt, ngày 8/3/2019, bà vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 355/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm