Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 03/10/2011 - 11:31
(Thanh tra)- Tháng 9, nước Mỹ kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố 11/9. Sự kiện cách đây tròn 1 thập kỷ đã gây thiệt hại to lớn về mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và quân sự của Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Trong đó, sự phát triển của giới nghệ thuật, hoạt động của các nghệ sỹ 10 năm qua cũng chịu ảnh hưởng, in lại dấu ấn của sự kiện này.
"World Trade Center", bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc khủng bố 11/9
Đề tài của các sáng tác nghệ thuật
Sự kiện 11/9 đã tạo cảm hứng sáng tác cho các nghệ sỹ ở mọi lĩnh vực, từ điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, ca kịch cho tới văn học, kiến trúc, điêu khắc.
Đến nay, Hollywood đã tung ra 3 bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc tấn công khủng bố 11/9, trong đó, 2 bộ phim phản ánh trực diện là “United 93” (Chuyến bay số hiệu 93), "World Trade Center" (Trung tâm Thương mại Thế giới) và “Remember me” (Nhớ tên anh). Cả 3 phim đều đã đến với khán giả Việt Nam trong năm 2006 và 2010.
Kinh đô Bollywood (Ấn Độ) cũng đã khai thác câu chuyện Bin Laden với bộ phim hài “Tere Bin Laden” ra mắt tháng 7/2010, do Hãng Walkwater Media phát hành. Tuy bị cấm ở Pakistan, song bộ phim đã kiếm được một khoản doanh thu khổng lồ.
Nhà sản xuất Dick Wolf đã mang đến Liên hoan phim Sundance (Mỹ) bộ phim tư liệu “Tháp đôi”, nói về công cuộc cứu sống những nạn nhân của vụ khủng bố năm 2001.
Đầu tháng 9/2010, phim nhạc rock “Clear Blue Tuesday” về cuộc sống của các nhân vật trong các năm sau sự kiện 11/9 đã đến với công chúng New York (Mỹ).
Cùng với phim ảnh, âm nhạc cũng mang dấu ấn của sự kiện 11/9. Ngay trong năm 2001, ca sỹ nhạc đồng quê Toby Keith đã phát hành bài hát “Vì màu cờ đỏ, trắng và xanh” với nội dung yêu nước. Ca sĩ này cho hay, Đại tướng Thủy quân lục chiến James L. Jones (sau này là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong 2 năm 2009 - 2010) đã nói với anh: "Cậu phải cho phát hành bài hát này. Có nhiều cách phục vụ Tổ quốc chứ không cứ gì phải mặc quân phục ra chiến trường". Bài hát đã vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các bài hát nhạc đồng quê.
Tiếp đó, album "The Rising" (2002) của ca sỹ, nhạc sỹ Bruce Springsteen với cảm xúc chủ đạo là tâm trạng đau buồn lấy cảm hứng từ sự kiện kinh hoàng ngày 11/9 cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Trong lĩnh vực hội hoạ, hoạ sỹ Thomas Kinkade đã sản xuất hàng loạt bức “The light of freedom” (Tạm dịch: Ánh sáng tự do) dành cho sự kiện 11/9.
Một thập kỷ qua, nhiều công trình tưởng nhớ nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9/2001 cũng được xây dựng trên khắp nước Mỹ. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Gìn giữ sự thăng bằng” được đặt tại nhà ga trung tâm của Sân bay Los Angeles và bức phù điêu bằng đồng đặt đối diện khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới.
Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9, những đống đổ nát từ tòa tháp đôi ở New York trở thành đề tài được giới văn chương đeo đuổi. Theo một trang chuyên theo dõi các sách được xuất bản và phát hành ở Mỹ, có tới 164 tác phẩm đã viết trực tiếp về sự kiện này hoặc thông qua sự kiện để chuyển tải chuyện tình yêu, sự sống và sự mất mát.
“Extremely Loud and Incredibly Close”, tiểu thuyết của Jonathan Safran Foer xuất bản năm 2005 là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về vụ khủng bố. Tác giả người Pháp Frederic Beigbeder đã viết "Windows on the World" (tạm dịch: Cửa sổ nhìn ra thế giới), xuất bản 2003), để “kể lại những gì đã không được kể” (lời tác giả).
Amis viết “The Second Plane” (Chuyến bay thứ hai), tập hợp những bài tiểu luận, những câu chuyện ngắn về vụ khủng bố.
Don DeLillo, người đã tạo được dấu ấn trên văn đàn Mỹ bằng những cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi, năm 2008 đã cho ra mắt cuốn “Falling Man” kể về cuộc sống thường nhật của một nạn nhân sống sót sau thảm họa…
Năm 2011, lễ kỷ niệm 10 năm ngày 11/9 đã tạo nên một “cơn mưa” sách với những cái tên mới như "After the Fall: New Yorkers Remember September 11 and the Years that Followed", nói về New York đã thay đổi như thế nào sau khi bị tấn công tàn phá Trung tâm Thương mại Thế giới; "The Eleventh Day: The Full Story of 9/11 and Osama bin Laden" của Anthony Summers và Robbyn Swan Drawing, được Nhà xuất bản Ballantine Books giới thiệu là "cái nhìn toàn cảnh, chính xác đầu tiên về sự kiện 11/9”; tiểu thuyết "The Submission" của Amy Waldman, cựu phóng viên Tờ New York Times...
Hiện thực hay tưởng tượng?
Các nhà phân tích nghệ thuật cho rằng, hậu 11/9, nghệ thuật đi theo hướng: Nhiều hiện thực, nhưng cũng nhiều tưởng tưởng.
Nhìn lại 10 năm qua, chúng ta thấy rằng, giới lao động nghệ thuật đã có rất nhiều nỗ lực cho ra đời các tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân và dấu ấn thời đại. Thực tế cho thấy, sự kiện 11/9 đã “lái” con đò nghệ thuật đến gần với hiện thực hơn. Nhưng, cũng thúc đẩy các tác phẩm ảo tưởng, hư cấu ra đời.
Nhà làm phim Morgan Spurlock cho rằng, “sự kiện 11/9 chắc chắn đã tạo nên một cơn “đói” sự thật đối với những người muốn biết về nó nhiều hơn". Còn nhà thơ Nathalie F. Anderson lại nhấn mạnh, đây là thập kỷ của “Harry Potter”, “Avatar”, tiểu thuyết và phim “Twilight”, của “True Blood”... Và như vậy, 10 năm qua, chúng ta có cả 2 thứ “hiện thực”, “tưởng tượng”.
2001 - 2011 cũng là thập kỷ nở rộ các bộ phim tài liệu, một loại hình nghệ thuật không hư cấu. Và, sự kiện 11/9/2001 đã góp phần khiến các chương trình truyền hình thực tế ngày càng trở thành "món ăn tinh thần" được mọi người quan tâm. Nhưng, 10 năm qua, ở Hollywood lại chưa có nhiều phim làm về ngày 11/9. Chỉ có 2 hãng phim ở Hollywood tung những tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng trực tiếp từ những cuộc khủng bố này là Universal với “United 93” và Paramount với “World Trade Center”. Rõ ràng, đề tài phim ngày 11/9 chỉ dấy lên một làn sóng nhỏ ở Hollywood.
Giải thích cho điều này, nhà sản xuất Brian Grazer nói: “Với tôi, ngày 11/9 là ngày tôi muốn quên... 10 năm chưa đủ dài để người ta quên những nỗi đau đó”. Còn nhà sản xuất Bonnie Curtis cho rằng: Mức độ quan tâm tới các sự kiện ngày 11/9 và các cuộc chiến sau đó rất lớn. Tuy nhiên, giới sản xuất phim đã bàn thảo rất nhiều và tự hỏi: Liệu làm phim về sự kiện ngày 11/9 có sớm quá không? Liệu khán giả có quan tâm tới đề tài đó để tới rạp xem phim hay không?
Câu trả lời đã rõ ràng khi cả phim “United 93” và “World Trade Center” đều thất thu khi được phát hành hồi năm 2006. Hai phim lần lượt thu về được 74 triệu USD và 161 triệu USD trên toàn thế giới - mức doanh thu quá “khiêm nhường” đối với một sản phẩm của Hollywood.
Theo Don Hahn, nhà sản xuất của Hãng Disney, phần lớn người Mỹ không muốn thấy lại những hình ảnh đau thương đó trên màn bạc. Thế nên, “tốt hơn hết là nên xem những bộ phim mang tính giải khuây, đưa công chúng ra khỏi hiện thực khó khăn mà họ buộc phải thoát ra. Có thể đó chính là lý do tại sao thời gian qua, chúng ta được xem nhiều bộ phim siêu hùng đến vậy…”.
Trong lĩnh vực văn học, như đã nêu, có hàng trăm tác phẩm lấy cảm hứng từ sự kiện 11/9. Tuy nhiên, rất ít nhà văn được trực tiếp chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng này. Vì chỉ có thể theo dõi qua truyền hình, nên nhiều người đã chọn thủ pháp siêu thực để cố gắng mô tả thời khắc định mệnh ấy. Trong cuốn "Windows on the World", tác giả Frederic Beigbeder nói rằng: “Cách duy nhất để biết điều gì đã xảy ra ở nhà hàng trên tầng thứ 107 ở tòa tháp phía Bắc thời điểm từ 8 giờ 30 – 10 giờ 29 sáng ngày 11/9 chỉ có thể là... tưởng tượng ra nó”.
Tưởng niệm
Đối với cá nhân các nghệ sỹ, sự kiện 11/9 đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống tinh thần của họ. Các ca sỹ trên khắp thế giới đã hát để tưởng niệm và làm từ thiện cho nạn nhân ngày 11/9/2001.
Tháng 5/2011, ca sĩ Beyonce Knowles phát hành đĩa đơn từ thiện mang tựa đề “God Bless The USA”. Toàn bộ số tiền thu được dành tặng cảnh sát New York, Quỹ Từ thiện Fire Widows và thiếu nhi để hỗ trợ các gia đình bị mất người thân trong cuộc tấn công khủng bố 11/9.
Tháng 9 này, Liên hoan phim Quốc tế Sedona hợp tác với Goldenstein Gallery giới thiệu miễn phí bộ phim kinh điển "Yankee Doodle Dandy" (phim đạt 8 đề cử và 3 giải Oscar tại lễ trao giải vào năm 1942) và tổ chức một sự kiện đặc biệt có tên: "Tưởng nhớ... Tôn vinh nước Mỹ" vào đúng ngày 11 để ca ngợi những con người dũng cảm trong lực lượng vũ trang, cảnh sát, cứu hoả.
Trước đó, ngày 11/9/2009, “ông vua nhạc rap” Jay-Z đã hát tưởng nhớ nạn nhân. Đồng thời, dùng toàn bộ tiền thu được từ buổi biểu diễn để trợ giúp gia đình của các nhân viên cứu hỏa và cảnh sát đã hi sinh trong khi khắc phục hậu quả cuộc tấn công khủng bố. Cùng tham gia với Jay-Z còn có ca sỹ Rihanna, Mary J.Blige, John Mayer, Swizz Beats, Kanye West… và Beyonce Knowles.
Nhóm nhạc N’Sync cùng hãng đồng hồ Audemars Piguet của Thuỵ Sỹ cho ra đời 200 chiếc đồng hồ để bán với mục đích từ thiện. Đạo diễn Oliver Stone trích 10% doanh thu trong 5 ngày đầu công chiếu bộ phim "A true story of survival" để quyên vào quỹ của 4 tổ chức từ thiện. Nữ minh tinh Sandra Bullock đã tặng 1 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ Mỹ để ủng hộ nạn nhân cuộc tấn công ngày 11/9…
Trong các nghệ sỹ, có những người đã trực tiếp chứng kiến, thậm chí là nạn nhân của vụ khủng bố 11/9. Denzel Washington, diễn viên da màu với 2 tượng vàng Oscar cho biết, sự kiện 11/9 để lại trong anh nhiều ấn tượng: “Tôi là người New York nên ở ngay hiện trường. Lúc đó, tôi có thể đến ngay cái hố và nhìn xuống đống đổ nát. Đối với tất cả chúng ta, đây là một sự kiện đau đớn. Tôi đã gom một chút bụi, bỏ vào túi để mang về nhà”.
Còn ngôi sao Hollywood Rob Lowe, sau 10 năm, tháng 5/2011, anh mới tiết lộ với báo giới về câu chuyện đã bay cùng chuyến với những tên khủng bố tham gia vào vụ tấn công tòa tháp đôi trước ngày định mệnh 11 ngày. Và, Rob Lowe cũng từng nằm trong danh sách nhân chứng chống lại Zacarias Moussaoui, kẻ được biết đến là tên không tặc thứ 13.
Điểm mặt các gương mặt tham gia diễn xuất bộ phim nhạc “Clear Blue Tuesday” có bà Jan O’Dell là người đã trải nghiệm thực sự trong ngày 11/9. Bà O’Dell cho biết: "Tất cả những gì tôi biết là đám khói bụi xoáy tít bao quanh mình. Đó là hình ảnh cuối cùng mà tôi còn nhớ. Tôi bị bất tỉnh trong khoảng 2 tiếng và khi tỉnh dậy, tôi đã ở trong một trung tâm y tế của New Jersey".
Năm nay 75 tuổi, bà O’Dell vẫn trong tình trạng hộp sọ bị rạn, một vết thương bên vai đang cần phẫu thuật, mắt bị tổn thương và nhiều vết thương khác. Tham gia bộ phim, bà muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình với mọi người và cũng để tự mình tưởng niệm lại những giây phút không thể quên trong cuộc đời.
Hoài Phương
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh