Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nét độc đáo riêng có tại lễ hội đền Trần Thái Bình

Trọng Tài

Thứ bảy, 04/02/2023 - 16:32

(Thanh tra) - Trải qua hàng trăm năm lưu truyền, ngày nay, các nghi thức trong lễ hội đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vẫn được người dân địa phương phục dựng, phát huy nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo, riêng có của mảnh đất và con người Thái Bình.

Màn trống hội đặc sắc trong lễ khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2023. Ảnh: M.T

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Thái Bình là vùng đất phát tích, hưng nghiệp của vương triều Trần, là nơi vua Trần Thái Tông được sinh ra và cũng là nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của hoàng tộc nhà Trần…

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, năm 2014, di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hàng năm, lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức từ ngày 13 - 17 tháng Giêng Âm lịch, với nhiều nội dung phong phú, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Trải qua hàng trăm năm lưu truyền, ngày nay, các nghi thức trong lễ hội vẫn được người dân địa phương phục dựng, phát huy nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo, riêng có.

Lễ rước nước ngày 13 tháng Giêng

Với người dân Tam Đường nói riêng và cộng đồng các làng thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà nói chung, lễ rước nước rất được chú trọng, tổ chức trên sông Hồng.

Theo các bậc cao niên trong vùng, nghi lễ được thực hiện từ hàng trăm năm qua, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ lại thuở xa xưa nhà Trần trước khi có được giang sơn xã tắc vốn làm nghề chài lưới trên sông.

Lễ rước nước ở lễ hội đền Trần Thái Bình là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc. Ảnh: T.D

Đoàn rước trống dong cờ mở rợp trời, khởi hành theo thứ tự định sẵn, từ đền Trần ở làng Tam Đường đi đến cầu bến (đầu làng) sát với đền Bà (nơi thờ Huyền Trân công chúa), tiếp đó đoàn rước đi đến chùa Hội Đồng (nơi trước đây để ngai thờ các vua, hoàng hậu và công chúa Huyền Trân) sau đó đoàn tiếp tục vòng kiệu ra đê.

Tại đây, trên sông Hồng đã có đoàn thuyền chờ sẵn dưới mép sông. Kiệu được để lại trên bờ, thuyền đưa đoàn rước ra tới giữa sông Hồng thì dừng lại giữa dòng nước trong xanh cuồn cuộn chảy. Các cụ bô lão trong làng dùng gáo dừa (có cán dài) múc nước sông Hồng đổ vào chum. Sau khi nước đã đầy chum, thuyền mới bắt đầu hành trình trở về bờ.

Chum nước sau từ 3 - 5 ngày tế lễ tại đền Trần được chia cho các giáp mang về chia lại cho các gia đình trong thôn làng để lấy phúc. Tập tục này cho đến nay luôn được coi là một nét văn hóa đặc biệt của lễ hội đền Trần.

Thi cỗ cá ngày 14 tháng Giêng

Ngoài tục rước nước, lễ hội đền Trần còn độc đáo bởi hội thi cỗ cá để dâng cúng các vua Trần. Theo truyền thuyết, đây là nghi thức tưởng nhớ các vua Trần có nguồn gốc xuất thân từ nghề chài lưới.

Các giáp chuẩn bị vào thi cỗ cá. Ảnh: T.L

Trước khi lễ hội diễn ra nhiều tháng, dân các làng trong xã có đăng ký thi cỗ cá, đã chọn người được nuôi cá theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt (gia đình làm ăn thuận buồm xuôi gió, trên dưới hòa thuận). Cá được chọn mua về, thả xuống ao nhà và chăm lo thức ăn cho cá sạch sẽ, sao cho đủ lớn theo trọng lượng làng quy định. Ao để nuôi cá phải thoáng mát, nước trong ao phải sạch sẽ không ô nhiễm. Cá được chọn có hai loại: Loại cá trắm đen to, khoảng 5 - 7kg (trước đây tính bằng vổ, mỗi vổ bằng độ dài ngang bàn tay, đo theo độ dài thân cá, từ mép đến chót đuôi đủ 12 vổ); loại cá chép thường nặng trên 3kg.

Điều đặc biệt của cỗ cá là sau khi đã chế biến xong cá vẫn có hình dáng như đang bơi và mâm cỗ của làng nào cũng được bày biện cẩn thận, đủ đầy, chỉn chu và đẹp mắt.

Hơn 700 năm qua, bí quyết nấu cỗ cá đã được lớp lớp thế hệ 8 thôn trong xã Tiến Đức gìn giữ, cứ thế tiếp nối nhau, người đi trước truyền dạy lại cho người đi sau.

Bà con nơi đây luôn tâm niệm: Dù cuộc sống lúc thăng, lúc trầm nhưng còn gốc văn hóa sẽ là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng đất dựng nghiệp nhà Trần.

Các hội thi dân gian

Trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội đền Trần còn có các hội thi dân gian như thi pháo đất (ngày 14 tháng Giêng), thi gói bánh chưng (ngày 15 tháng Giêng), thi kéo lửa nấu cơm cần (ngày 16 tháng Giêng) với thành phần tham gia là người dân các xã Tiến Đức, Chi Lăng (huyện Hưng Hà).

Thi kéo lửa nấu cơm cần tại lễ hội đền Trần. Ảnh: L.A

Tại lễ hội đền Trần năm 2023 được tổ chức quy mô cấp tỉnh còn diễn ra triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng mừng Xuân trong suốt các ngày lễ hội; liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hưng Hà (tối ngày 14 tháng Giêng); ngày Thơ Việt Nam (ngày 15 tháng Giêng); giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình (ngày 15 tháng Giêng), giải kéo co huyện Hưng Hà (ngày 16 tháng Giêng).

Tối ngày 3/2 (ngày 13 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần đã diễn ra Lễ khai mạc lễ hội đền Trần năm 2023.

Tại lễ khai mạc, đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương đã được theo dõi chương trình nghệ thuật đặc sắc "Hào khí Đông A".

Chương trình được dàn dựng công phu, gồm 2 phần: Phần 1 với chủ đề “Âm vang Thái Bình” gồm các ca khúc viết về Thái Bình, về Đảng và Bác Hồ; phần 2 với chủ đề “Khát vọng mùa Xuân - bừng sáng tương lai” bao gồm các màn nghệ thuật sôi động với các ca khúc về Tết, mùa Xuân và đất nước.

Tại lễ khai mạc đã diễn ra lễ vinh danh kỷ lục cặp bánh lớn nhất Việt Nam cho Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng. Với trọng lượng 200kg/mỗi chiếc, cặp bánh được truyền cảm hứng từ những vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Việt, là sự kết tinh hài hòa, chứa đựng hơi thở của đất trời hòa quyện tinh túy với thiên nhiên đất mẹ và được Ban Tổ chức dâng tưởng niệm các vị Vua Trần từ ngày 3/02/2023 đến hết ngày 5/2/2023 tại đền Trần Thái Bình.

Trước lễ khai mạc, các đại biểu cũng đã dự lễ bái yết tại sân tòa trung tế đền Vua và theo dõi màn trình diễn thư pháp 2 câu thơ của vua Trần Nhân Tông: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu". 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm