Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 12/02/2015 - 21:48
(Thanh tra) - Mảnh đất Thiên Trường - Nam Định ngày nào đang từng ngày “thay da đổi thịt”, đô thị hóa hiện đại hơn, khang trang hơn. Đam mê thú vui sưu tầm vật và tranh ảnh cổ, Triệu Thanh Sơn (33 tuổi) là người lập ra trang web “Thành Nam xưa & nay” được biết tới như một người lưu giữ hồn xưa của quê hương.
Triệu Thanh Sơn là một trong hai hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Cổ vật Thiên Trường Nam Định
Tuổi trẻ đam mê “việc già”
Ngôi nhà nhỏ mộc mạc của Triệu Thanh Sơn trên đường 21B, Đồng Phù, Nam Định khiến nhiều người ngỡ ngàng vì nó giống như “một phòng trưng bày cổ vật mini” được sở hữu bởi một chàng trai trẻ thế hệ 8X . Bà con hàng xóm hay khách đến đây không thể rời mắt khỏi những tủ đồ lưu giữ gốm sứ cổ từ thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, cả đồ gốm sứ Trung Hoa từ đời nhà Thanh. Cũng từ đó, người ta quen gọi anh là “Sơn đồ cổ”, “Sơn già” mà quên mất công việc nghệ thuật anh đang làm.
Tốt nghiệp chính quy hệ 4 năm Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nam Định năm 2007, Triệu Thanh Sơn đầu quân cho Công ty Biểu diễn nghệ thuật Hồng Phúc của nghệ sĩ Vượng Râu, ngoài ra còn làm dăm bảy nghề phụ.
Thừa hưởng niềm đam mê của ông nội, từ một người không có chút kiến thức nào về cổ vật, anh Sơn bắt đầu sưu tầm những con tem, đồng xu, to hơn là những chiếc bát chiếc đĩa, dần dần tích cóp dần và mua nhiều hơn, vừa để chơi vừa nghiên cứu.
Anh trở thành hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường Nam Định, hội viên của Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam. Công tác ở Ban Đấu giá của Hội, anh được tiếp xúc với nhiều cổ vật quí giá hơn, trong đó có những bức ảnh về Thành Nam cổ xưa như một định mệnh trong 10 năm anh làm công việc sưu tầm.
Một lần khi lên mạng lấy tư liệu qua những trang web của nước ngoài về Thành Nam một thời cổ xưa, anh tải ảnh về máy tính thì máy luôn bị nhiễm virus do mỗi file ảnh đính kèm một con virus. Sau này anh mới biết ảnh đó có bản quyền và chủ yếu do người Pháp chụp lại. Trong số đó, nhiều ảnh trong thời chiến tranh do phóng viên chụp lại mà phải đánh đổi sinh mệnh và xương máu của mình nên phải trả tiền theo qui định là 200 USD/bức. Anh thuyết phục họ: “Tôi làm cái này chỉ chơi thôi, không để kinh doanh buôn bán gì, tôi muốn làm điều gì đó cho Nam Định, nơi tôi sinh ra và lớn lên, vì tôi thấy Thành Nam cổ xưa giờ đang bị mai một đi nên tôi muốn phục chế lại”.
Trân trọng điều đó, họ quyết định trao tặng cho chàng trai tất cả những gì trên trang mạng của họ mà thuộc về Nam Định mà không phải trả tiền, còn tất cả những gì thuộc về tỉnh, thành khác họ phải giữ lại để bán bản quyền.
Khi có những bức ảnh đó, anh bắt tay tìm kiếm những thông tin từ xưa tới nay về những địa danh và lịch sử gắn liền, sau đó tải lên trang web riêng để người Nam Định cũng như bạn bè gần xa biết thêm về lịch sử thành lập thành phố Nam Định, chân dung phố phường qua nhiếp ảnh, để thấy được Thành Nam phồn hoa đô hội một thời nay đã “thay da đổi thịt” như thế nào.
Trang web lấy tên “Thành Nam xưa & nay” được thành lập cuối năm 2014, đến nay đã có hơn ba ngàn hội viên và nhận được sự quan tâm của nhiều người ngoài hội.
Bức đầu tiên anh sưu tầm được là ảnh chùa tháp Phổ Minh. Khi đó anh có cảm giác ngỡ ngàng trước sự thay đổi của chùa. Vẫn khuôn viên đó nhưng chùa cổ rất mộc mạc và đơn sơ. Cũng vì sự ngỡ ngàng đó mà anh càng muốn tìm hiểu nhiều về Thành Nam xưa.
Tháp Phổ Minh - văn hóa điển hình của Phật giáo thời nhà Trần
Trong 200 bức tranh ảnh về Nam Định, Triệu Thanh Sơn sở hữu khoảng 100 ảnh được chụp từ đầu thế kỉ 20, nhiều bức được chụp từ những năm 50 đến 1975, ghi lại cảnh vật cũng như con người đương thời.
Chiêm ngưỡng những bức ảnh như được sống lại năm tháng xưa, khi Thành Nam là kinh đô phồn hoa bậc nhất song song với Thăng Long bởi có 44 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa (phố cổ) tính từ trước cách mạng. Cư dân phố cổ xưa buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó.
Qua thăng trầm của lịch sử, mảnh đất ''địa linh - nhân kiệt'' hội tụ các bậc tài cao đức trọng với những ''võ công - văn trị''danh sáng muôn đời như danh tướng Trần Hưng Đạo, Trạng nguyên Đào Sư Tích, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Tam Nguyên Trần Bích San, Phạm Văn Nghị.
Nhà thờ Khoái Đồng có diện tích 5.800 m2, được khởi công xây dựng năm 1934 cùng với Giáo hoàng Chủng viện Thánh Alberto Cả (nay là Trường Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Cừ) và Trường Sư phạm Saint Thomas (nay là Trường THPT Nguyễn Khuyến).
Sức đến đâu, âu đến đó
Khi lên diễn đàn và chia sẻ ảnh, có một số người đã có lời xin lại những bức ảnh và những bộ phim tự liệu anh tự tay làm, thậm chí là hỏi mua bản quyền nhưng dự định của anh là không phải để kinh doanh mua bán. Anh định sẽ in ra đĩa và tặng lại để họ đem về giảng dạy ngoại khóa cho học sinh biết đến và hiểu về Nam Định cổ xưa, mảnh đất địa linh nhân kiệt.
Anh hồ hởi chia sẻ: “Tôi dự định 2 - 3 tháng sẽ làm một bộ phim tư liệu về Thành Nam cổ. Còn bức ảnh lần đầu tiên sưu tầm được, bức chùa tháp Phổ Minh tôi định tặng kỷ niệm nhà chùa để mọi người cùng chiêm ngưỡng”.
Trước đây, anh cũng từng ấp ủ ý định làm một triển lãm nho nhỏ “Thành Nam xưa & nay”. Vì lửa đam mê, anh dồn hết tâm sức và khoản thu nhập kiếm được từ ca hát để săn lùng, tìm hiểu và có được chúng.
Anh đã lên Hà Nội, tự in những bức tranh khổ A3 nhưng rồi một số người tìm đến và xin nhiều, anh cũng cho. Nhiều lúc nhà in bận, anh phải tự điều khiển máy in, tự cán giấy, dán giấy, gắn mác, về Nam Định mới đóng khung được.
Nâng niu chồng ảnh trên tay, đôi mắt như hoài niệm, anh nhớ lại: “Nói thật là lần in ảnh triển lãm đầu tiên, tôi phải bán một vài món đồ cổ nho nhỏ để có kinh phí làm. Tiếc lắm nhưng vì cái chung của quê hương Thành Nam nên biết làm sao. Không thế thì làm sao mọi người biết đến Thành Nam xưa & nay ”.
Trong tháng 5/2015, anh dự định mở một triển lãm, hơn 100 bức tranh sẽ được in to hơn khổ A3. Nói tới khó khăn, Anh Sơn bày tỏ: “Công việc này của tôi hiện nay chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền hay cơ quan đoàn thể cũng như cá nhân nào cả. Có điều đưa lên facebook, anh chị em bạn bè rất thích và ủng hộ, cũng khen một vài câu rồi thôi chứ chưa hiểu được khó khăn. Nếu như hội viên hoặc bạn bè có ảnh đưa cho mình là tốt lắm rồi, dù đó là những bức ảnh chưa thật là hiếm... Giá như có ai làm cùng thì tốt”.
Ngày nay, nhiều người mải chạy theo lợi nhuận kinh tế mà bỏ quên giá trị văn hóa tinh thần mang lại. Công việc “Giữ hồn Thành Nam” và tấm lòng của chàng trai trẻ Triệu Thanh Sơn được nhân dân Nam Định đánh giá rất cao. Anh Thái (33 tuổi, Nam Định) chia sẻ: “Tôi biết Sơn cũng gần một năm, tôi cũng chủ động tham gia trang Thành Nam xưa & nay. Việc làm đó có ý nghĩa, khơi dậy nền tảng con người cho mình về quê hương, xuất thân và niềm tự hào. Từ xưa đến nay con người thường nhìn về quá khứ và hướng tới tương lai. Nhìn về góc độ văn hóa phải cảm ơn anh Sơn rất nhiều vì đã khơi dậy tinh thần dân tộc trong tôi. Việc làm của anh Sơn có ý nghĩa gắn kết cái xưa và cái nay, đóng góp lớn cho mảnh đất này. Tôi rất tự hào vì Nam Định có một người con như thế”.
Huyền Trang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình