Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Thái Hải

Thứ năm, 21/11/2024 - 21:03

(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: ĐH

Ngành CNVH đóng góp khoảng 4,04% tổng GDP của cả nước

Ngày 21/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam (Chỉ thị 30/CT-TTg).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nêu rõ: Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có điểm mới là quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ VHTTDL mà còn của các bộ, ngành liên quan; quy định trách nhiệm của các địa phương, nhất là các địa phương được xác định là trọng điểm trong việc phát triển CNVH.

"Đây là một bước để nâng cao nhận thức về ngành CNVH và thay đổi cách làm văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH. Trước đây, ngành VHTTDL chủ yếu là "làm văn hóa", nay chuyển từ "làm văn hóa" sang "quản lý Nhà nước về văn hóa". "Làm văn hóa" thì có xã hội, hiệp hội, địa phương, tổ chức, cá nhân cùng làm. Còn "quản lý Nhà nước về văn hóa" thì phải hoạch định chính sách, kiến tạo", Thứ trưởng Hồ An Phong nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hồ An Phong, ngành CNVH có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH.

Chẳng hạn, ở Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò và Văn miếu Quốc Tử Giám mở cửa với chất lượng dịch vụ tốt đã tạo doanh thu mạnh mẽ, thu vượt mức HĐND đề ra. Đó là sản phẩm CNVH rất độc đáo.

Ngành Điện ảnh, hay lĩnh vực thiết kế, phần mềm sáng tạo, ẩm thực… của Việt Nam ngày càng có nhiều thế mạnh và khởi sắc. Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, các ngành CNVH Việt Nam đã đóng góp khoảng 4,04% tổng GDP của cả nước.

Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, ngành CNVH có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Ảnh: ĐH

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, từ năm 2015 đến nay, địa phương này đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành CNVH được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.

Đà Nẵng xác định phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa thật sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của Đà Nẵng; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế. Các ngành CNVH tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Hiện Đà Nẵng giao Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành CNVH TP Đà Nẵng đến năm 2030.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho hay, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, TP Hồ Chí Minh đã chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 (gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang).

Tháng 10/2024, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành CNVH TP Hồ Chí Minh để thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ các nguồn lực, phát huy sự sáng tạo, mở rộng thị trường phát triển trong nước và quốc tế.

Đề án nhằm phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP Hồ Chí Minh có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐH

Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu, dù phát triển CNVH còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng sản phẩm từ các ngành CNVH cũng đã ít nhiều tạo hiệu ứng du lịch.

"Rõ ràng, phát triển CNVH là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành CNVH mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững", ông Hà Văn Siêu nói.

Ðể phát huy vai trò của ngành CNVH trong mối liên kết với du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đề xuất, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành CNVH, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.

Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách rất lớn, nhưng nếu cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một sản phẩm thì sẽ không thể tạo ra sức hấp dẫn. Vì thế, cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi đang khá quan tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia...

Cũng theo ông Hà Văn Siêu, để triển khai thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 30/CT-TTg về phát triển các ngành CNVH, ngành Du lịch cần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia, nhấn mạnh bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng và địa phương để tạo nên một hình ảnh độc đáo, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quảng bá, tiếp thị, giúp du khách tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin và trải nghiệm văn hóa Việt Nam từ xa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch với kiến thức văn hóa sâu rộng và kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp là yếu tố then chốt để cải thiện dịch vụ du lịch văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cân bằng giữa khai thác du lịch và bảo vệ di sản, sẽ góp phần duy trì tính bền vững cho ngành. Phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm di sản và văn hóa cũng cần được đầu tư để tạo điều kiện thuận tiện cho du khách. Việc phối hợp với các ngành như điện ảnh, nhiếp ảnh và quảng cáo trong quảng bá văn hóa, cùng với liên kết phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, sẽ mở rộng mạng lưới và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa Việt Nam.

Khuyến khích đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa, góp phần quảng bá sâu rộng giá trị văn hóa của đất nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Thái Hải

21:03 21/11/2024
Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia

Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia

(Thanh tra) - Hướng đến Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2024), ngày 21/11, tại Bảo tàng Bình Định diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.

N. Phê - L. Bình

16:20 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm