Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiện vật lịch sử bị… trưng dụng và xếp xó

Thứ tư, 30/05/2012 - 12:04

(Thanh tra) - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Hòa Bình là một trong những địa danh ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc, biểu tượng cho tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Nhiều địa danh, chứng tích đã được ghi vào trang sử vàng của dân tộc như Nhà tù Hòa Bình (nơi thực dân Pháp đã giam giữ những chiến sĩ cách mạng trung kiên là Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Đức Tâm, Lê Quốc Thân…), tàu chiến Pháp bị đánh chìm trên sông Đà...

Trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình xây dựng trên khu đất Nhà bảo tàng

Nhà tù Hòa Bình được xây dựng năm 1896 để giam giữ thường phạm. Đến năm 1943, thực dân Pháp chuyển một số tù chính trị từ Nhà tù Sơn La về đây giam giữ.

Di tích Nhà tù Hòa Bình là nơi ghi dấu tội ác của chế độ thực dân. Di tích này còn là minh chứng về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Di tích Nhà tù Hòa Bình đã được cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia.
 

Bốt gác Nhà tù Hòa Bình bị trưng dụng làm Trạm Dự báo khí tượng thủy văn


Nay, Nhà tù Hòa Bình chỉ có bốt gác là hiện vật duy nhất còn lưu lại. Nhưng, hiện vật lịch sử này đã bị “người ta” trưng dụng làm Trạm Dự báo khí tượng thủy văn.

Không chỉ với quần thể di tích, những chứng tích lịch sử ở Hòa Bình hiện cũng đang chung số phận bị bỏ rơi.

Chiếc xe tăng của Pháp do Anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt trong trận đánh ngày 13/12/1951 tại dốc Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Kỳ Sơn (nay là huyện Ca), tỉnh Hòa Bình năm 1993 đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia. Nơi đây đã xây dựng Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan đánh xe tăng trên đường số 6, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Tiếc thay, chiếc xe tăng bị Anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt, đáng lẽ phải được đặt tại khu tượng đài để du khách đến thăm quan được xem, chụp ảnh lưu niệm thì lại đang bị "nhốt" ở một góc tường, cạnh nhà xe của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình.
 

Chiếc xe tăng bị Anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt


Tàu chiến Pháp bị đánh chìm trên sông Đà trong Chiến dịch Hòa Bình 1950 - 1951, đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình trục vớt, là hiện vật lịch sử quan trọng không chỉ đối với lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình mà còn là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Thế nhưng, tàu chiến này cũng chung số phận như chiếc xe tăng, bị bỏ lọt thỏm vào một góc phía sau khu vui chơi, giải trí Sao Mai. Vây quanh con tàu chứng tích này là… nhà vệ sinh, bếp, bãi xếp vỏ chai bia và rác.
 

Chiếc tàu chiến Pháp bị bắn chìm trên sông Đà


Ngoài ra, còn nhiều hiện vật, di tích lịch sử, văn hóa khác không được trưng bày tại Nhà bảo tàng mà bị xếp gọn vào một góc trong Nhà Văn hóa tỉnh Hòa Bình
 

Thân tàu thành nơi để rác


Trao đổi vấn đề trên với một cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, phóng viên được biết: Trước đây Hòa Bình cũng có Nhà bảo tàng rất bề thế, nằm giữa trung tâm TP Hòa Bình, nhưng hiện nay đã được chuyển đến địa điểm khác bên bờ trái sông Đà. Khu đất Nhà bảo tàng nay là trụ sở của  Mặt trận Tổ quốc tỉnh, còn Nhà bảo tàng mới thì vẫn là dự án nằm trên giấy.

Hiện vật, di tích lịch sử là tài sản vô giá không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau. Tàu chiến, chiếc xe tăng và nhiều hiện vật khác, nếu không bảo quản tốt sẽ bị mưa nắng làm hư hỏng. Điều đáng quan tâm hơn là, hiện vật lịch sử của quê hương, đất nước mà để vào những nơi “kín đáo” như thế, có nên không?


Đức Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm