00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đọc sách trực tuyến - xu hướng phổ biến trong thời kỳ chuyển đổi số

Thu Huyền

Thứ ba, 15/04/2025 - 14:19

(Thanh tra) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển đột phá về chuyển đổi số. Trong sự phát triển đó, việc đọc sách cũng có sự chuyển biến theo hướng tích cực và phù hợp, xu hướng đọc sách trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến.

Khách tham quan Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Huyền

Xuất bản phẩm điện tử tăng nhanh

Trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội, sách luôn là phương tiện quan trọng đối với việc giúp con người tiếp cận tri thức, hoàn thiện bản thân để phục vụ cho công việc, cuộc sống và nhu cầu giải trí.

Tại Việt Nam, việc tôn vinh sách và văn hóa đọc đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ xưa tới nay. Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” vào ngày 21/4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Trong thời kỳ chuyển đổi số, ngành xuất bản có xu hướng dịch chuyển về tỷ trọng xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử. Theo số liệu được công bố tại hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 16/1/2025, số đầu xuất bản phẩm in năm 2024 giảm 2,97% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số đầu xuất bản phẩm điện tử lại có sự gia tăng mạnh mẽ với hơn 4.000 đầu xuất bản phẩm điện tử, tăng 120,7% so với năm 2023.

Đến cuối năm 2024, số lượng xuất bản phẩm điện tử đã chiếm 8,9% trong tổng số xuất bản phẩm; số lượt nghe sách nói, sách điện tử tăng 200% so với năm 2023. Những con số này cho thấy, mặc dù tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử trong tổng số xuất bản phẩm ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng tốc độ tăng thì rất nhanh và số lượt đọc sách trực tuyến cũng có mức tăng mạnh mẽ. Đây là xu hướng dịch chuyển tích cực, xu hướng tiếp cận tri thức trên nền tảng số.

Xu hướng đọc sách trực tuyến ngày càng phổ biến

Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, nhiều người đã lo ngại về vai trò của sách. Trên thực tế, những yếu tố này có tác động không nhỏ tới văn hóa đọc. Trong đó, công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra những hình thức giải trí mới, khiến con người, đặc biệt là giới trẻ sao nhãng việc đọc sách. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người đọc sách thường xuyên chiếm khoảng 30% và đang có xu hướng giảm, trong khi đó có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Đây là một tình trạng đáng lo ngại.

Tuy nhiên, sách vẫn có giá trị riêng, những giá trị bền vững không thể thay thế. Sách vẫn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, nhưng việc đọc sách được thực hiện dưới một hình thức mới, đó là đọc sách trực tuyến. Số lượt nghe sách nói, sách điện tử của năm 2024 tăng 200% so với năm 2023 đã minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của hình thức đọc sách trực tuyến.

Em Nguyễn Thị Hoàng Giang, một học sinh lớp 8 tại phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bản thân em tiếp xúc với sách điện tử từ cách đây 2 năm, khi còn học lớp 6. Theo Giang, so với đọc sách truyền thống thì hình thức đọc sách trực tuyến có nhiều ưu điểm, trong đó nổi bật là việc tích hợp trong sách cả âm thanh và hình ảnh động nên thuận tiện hơn trong việc nắm bắt nội dung. Cùng với đó, sách điện tử cũng tích hợp hệ thống từ điển nên rất thuận tiện cho việc tra cứu trong quá trình đọc.

Cũng theo em Nguyễn Thị Hoàng Giang, hiện nay trên thị trường còn chưa phổ biến các thiết bị chuyên dụng đọc sách trực tuyến. Giang vẫn phải đọc sách bằng máy tính bảng nên dễ gây ảnh hưởng tới mắt.

Về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc nâng cao dân trí thông qua phát triển văn hóa đọc, phát biểu trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự tin tưởng rằng việc nâng cao dân trí thông qua phát triển văn hóa đọc là một cách thức quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Để phát triển văn hóa đọc trong thời đại chuyển đổi số và thu hút độc giả trẻ thông qua sách điện tử, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã nêu ra một số giải pháp. Trong đó có giải pháp phát triển các tính năng tương tác trong sách điện tử như âm thanh, hình ảnh động, video và các hoạt động tương tác khác để tạo ra trải nghiệm đọc thú vị và hấp dẫn hơn cho độc giả trẻ.

Trong quá trình chuyển đổi số, ngành xuất bản đang hướng tới việc hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số. Để có được những mô hình, sản phẩm mới đáp ứng được xu hướng đọc trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng ngành xuất bản cần có sự tích cực, chủ động trong việc ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, chuyển đổi số cho hoạt động xuất bản, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản sách điện tử.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hồi ức nữ biệt động Sài Gòn duy nhất đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968

Hồi ức nữ biệt động Sài Gòn duy nhất đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968

(Thanh tra) - Bà Vũ Minh Nghĩa (sinh năm 1947, bí danh Chính Nghĩa) - người con kiên cường của vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi - đã trải qua tuổi thơ dữ dội trong khói lửa chiến tranh. Từ rất sớm, bà đã giác ngộ cách mạng, dấn thân vào con đường đấu tranh và trở thành nữ chiến sĩ biệt động duy nhất trực tiếp tham gia trận đánh Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; sau đó tiếp tục góp mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Minh Khoa

07:01 29/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm