Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Di tích cấp quốc gia Trịnh Khả đứng trước nguy cơ đổ sập

Chủ nhật, 04/09/2016 - 08:00

(Thanh tra) - Sau hơn 20 năm được công nhận là Di tích cấp quốc gia, Di tích Lịch sử Đền - Bia ký Trịnh Khả tại làng Giang Đông, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù sớm có Dự án trùng tu, tôn tạo nhiều tỉ đồng, nhưng đến nay dự án trên vẫn “đắp chiếu”, còn di tích thì đang đứng trước nguy cơ… đổ sập!

Di tích cấp quốc gia Trịnh Khả trước nguy cơ đổ sập. Ảnh: Văn Thanh

Xót xa… Di tích cấp quốc gia!

Không khó để chúng tôi có thể tìm đến với Khu Di tích cấp quốc gia Trịnh Khả. Từ QL 217 với biển chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể, thế nhưng khi đến nơi thì thực tại hiển hiện trước mắt chúng tôi lại hết sức bất ngờ, khi di tích tồn tại gần như một… phế tích!

Tài liệu lịch sử ghi chép, Trịnh Khả (1391 -1451) người làng Kim Bôi, tổng Sóc Sơn, nay là làng Giang Đông, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông là 1 trong 18 người tham gia Hội thề Lũng Nhai năm 1416. Với tài thao lược, ông nhanh chóng trở thành một trong những tướng tài của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. 

Trịnh Khả làm quan dưới ba triều vua Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Sau khi mất, ông được truy tặng Thái uý liệt quốc công, sau truy phong là Hiển Khánh Vương, vua truyền sắc chỉ xây dựng đền tại quê hương.

Năm 1993, đền thờ Trịnh Khả tại làng Giang Đông được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Đây là một trong những ngôi đền thiêng, có vị trí đắc địa nằm trên một triền đồi lưng tựa núi, mặt hướng về hướng Nam nhìn ra dòng sông Mã. Sau gần 20 năm được công nhận di tích cấp quốc gia, với tầm lịch sử cũng như vai trò tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, nhiều lần di tích được người dân cũng như cấp ngành văn hoá đứng ra tổ chức trùng tù, tôn tạo… Dẫu vậy, theo thời gian, đến nay di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Sự xuống cấp thể hiện ở toàn bộ khu di tích từ hệ thống tường rào, cổng Nghinh môn, nhà thờ, cho tới văn bia, các linh khí, đồ vật thờ cúng…

Di tích cấp quốc gia Trịnh Khả phải chống bằng gậy để không bị đổ sập. Ảnh: Văn Thanh

Ngay cổng Nghinh môn, theo quan sát của chúng tôi, những cánh cửa bị bật bản lề, mối mọt hổng hoét dựng chỏng chơ bên hông cổng; những hoa văn hoạ tiết trang trí ở cổng Nghinh môn rêu mốc, nhiều vết nứt của công trình được bộc lộ. 

Thời điểm chúng tôi đến cũng không có người trông coi. Hỏi dân làng xung quanh thì có một bà cụ chịu trách nhiệm bảo vệ, trông coi hiện ở nhà cách gần cây số. Mạo muội sau khi giới thiệu, xin phép nhân dân, chính quyền địa phương chúng tôi tiếp tục mục thị sự xuống cấp của Khu Di tích lịch sử linh thiêng này.

Từ cổng Nghinh môn, chúng tôi leo qua các bậc thang chạy dẫn thẳng vào khu đền thờ. Ở lối đi vào này cũng bộc lộ sự xuống cấp nghiêm trọng, từ hệ thống tường xây dọc 2 bên đường dẫn lên đền đổ vỡ; các bậc lên xuống được lát gạch, xi măng đã bị bong tróc, cỏ mọc um tùm… Phía 2 bên cổng dẫn lên nhà đền là 2 căn nhà nhỏ, được xây dựng để khách đến nhang hương và đựng đồ tế lễ của đền. Hiện, 2 căn nhà cũng đã xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm xung quanh, cửa đóng kín. Xót xa nhất vẫn là đền chính, với có cấu trúc hình chữ nhị (=), tiền đường có 3 gian 2 dĩ... phần tường xây của tiền đường đã bị nứt, có chỗ mọc rêu; mái tiền đường lợp kiểu vảy cá, chính giữa bờ nóc trang trí lưỡng long trầu nguyệt, hiện phần mái ngói lợp này đã bị sụp đổ một phần. Bên cánh tả của sân đền, chúng tôi còn quan sát thấy một tấm văn bia nằm ngổn ngang, chỏng chơ thách thức cùng tế nguyệt… Nối tiếp với tiền đường là hậu cung, hậu cung rộng 18m cũng ẩm thấp, có mùi ẩm mốc…

Hộ gia đình bà Lê Thị Vinh (nhà ngay cổng đền) xót xa: “Di tích linh thiêng lắm! mỗi năm có rất nhiều lượt khách đến nhang hương, thắp vái. Trước sự xuống cấp của đền, nhiều người không khỏi xót xa, thắc mắc, muộn phiền”. 

Trường hợp hộ gia đình bà Vinh vốn là một trong số những hộ nằm trong diện di dời phục vụ dự án trùng tu, tôn tạo di tích, tuy nhiên theo bà Vinh thì đó mới chỉ là thông báo từ lâu, còn khi nào di dời thì gia đình bà Vinh không hề hay biết.

Dự án 6 năm chỉ xây được tường rào

Trao đổi về sự xuống cấp của Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền - Bia ký Trịnh Khả, ông Lê Thanh Chương - Bí thư xã Vĩnh Hoà thừa nhận sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đền, và không giấu được sự lo lắng về sự an nguy của ngôi đền trước mùa mưa bão sắp tới. 

Theo ông Chương: Năm 2008 di tích xuống cấp trầm trọng, địa phương đã đề nghị với tỉnh và huyện về khảo sát và lập dự án, tiến hành trùng tu, tôn tạo lại. Năm 2009 UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư vốn trùng tu tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư ban đầu là 15 tỷ đồng nhưng sau đó điều chỉnh lại là 9,8 tỉ đồng, UBND huyện Vĩnh Lộc được giao chỉ định nhà thầu.

Theo đó, năm 2010, UBND huyện Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Hoà và nhà thầu tiến hành tổ chức làm lễ khởi công để trùng tu tôn tạo di tích, tuy nhiên đến nay không rõ vì lý do gì mà dự án chỉ làm xong tường rào rồi dừng lại!

Theo ông Chương được biết thì lý do mà dự án bị “đắp chiếu” chậm tiến độ là do nguồn kinh phí và năng lực nhà thầu yếu kém dẫn đến công trình không những không được trùng tu như phê duyệt mà trái lại còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến một số hạng mục kiến trúc của đền, khiến di tích càng trở nên xuống cấp. Điều khó hiểu là, nguồn vốn đã rót về 900 triệu đồng vào việc trùng tu, tôn tạo di tích nhưng phần kết quả làm được thì chỉ là hệ thống tường rào bao quanh ngôi đền!

Tìm hiểu PV được biết, số tiền trên rót về được chi vào khâu thuê nhà thiết kế, khảo sát và xây được hệ thống tường rào.

Hỏi về dự án khi nào được tiếp tục triển khai? Ông Chương tỏ ra mơ hồ phỏng đoán sắp tới sẽ có một dự án mới. Nếu như vậy dự án trước kia, số tiền gần tỉ đồng bỏ ra lập quy hoạch, khảo sát thiết kế chẳng phải lãng phí! “Vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến có đến thắp hương tại đền và đã có chỉ đạo về sự cấp thiết phải trùng tu di tích. Hy vọng rồi đây, nhân dân, chính quyền địa phương xã Vĩnh Hoà sẽ không còn phải lo lắng, ái ngại về sự xuống cấp của di tích nữa” - ông Chương mong mỏi.  

Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Ngân - cán bộ văn hoá xã Vĩnh Hoà vẫn không khỏi lo lắng: Vừa qua, sau khi có phản ánh của nhân dân, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan báo, đài, địa phương thường xuyên nhận được sự chỉ đạo của ngành về công tác trông coi, bảo vệ di tích, đặc biệt là vấn đề “chạy bão” cho di tích. Hiện tại, một số các đồ vật thờ cúng của di tích đã được bảo quản, cất giữ. 

Tuy nhiên, ông Ngân kiến nghị nếu không sớm có biện pháp trùng tu thì sự an nguy của Di tích cấp quốc gia trước mùa mưa bão có thể đổ sập bất cứ lúc nào!

Nhiều điểm trong Di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Văn Thanh

Một Di tích cấp quốc gia lâu nay được nhân dân tín ngưỡng, thờ cúng, được UBND tỉnh phê duyệt dự án trùng tu kịp thời, nhận được sự tán dương của nhân dân,  nhưng lại… “đắp chiếu” suốt nhiều năm trời! không được trùng tu, tôn tạo đồng nghĩa với việc di tích vốn đã xuống cấp, nay lại càng trầm trọng hơn!

Tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng có những giải pháp kịp thời để trùng tu, tôn tạo di tích cấp quốc gia trước mùa mưa bão.

                               Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm