Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đi qua những mùa vàng

Chủ nhật, 06/03/2011 - 21:49

(Thanh tra) - Cánh đồng ấy nằm dọc theo dòng sông Đồng Nai. Dòng sông như thể sinh ra cho cánh đồng với những mùa màng tươi tốt. Bởi thế mà cánh đồng đỏng đảnh với dòng sông chăng? Cho nên, mỗi mùa màng đi qua, trên cánh đồng ấy, tưởng chừng như chỉ còn lại là rơm rạ thôi chăng? Không hẳn thế! Vẫn còn đó trong tôi, trong chúng ta, trong những người nông dân một nắng hai sương bên dòng Đồng Nai bao ký ức khó nhòa! Ít nhất, đó là những ký ức rơm rạ!

Cuống rạ trơ lại sau mùa gặt khiến bước chân lũ trẻ chăn trâu vướng víu. Nhưng, chúng lại thích như thế. Vụ gặt mùa khô hanh, cả cánh đồng vung vãi khói đồng. Khói phủ mờ cả một góc trời, phủ mờ cả một dòng sông. Không chỉ lũ trẻ chăn trâu mà cả tôi và chúng ta hẳn cũng thấy vô cùng thú vị!

Những ký ức rời  

Cánh đồng nằm bên dòng sông Đồng Nai ấy thuộc hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên của tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng). Một người bạn lớn tuổi của tôi làm ở ngành điện có cách ví von khá lý thú về dải đất Nam Tây Nguyên: “Lâm Đồng hệt như con bướm đang sải cánh bay lên! Sông Đạ Dâng phía thượng nguồn và là Đồng Nai hạ lưu chính là “dòng sông lấp lóa ánh mặt trời” của “đường viền” cánh bướm!”. Không hiểu hết ngầm ý của sự ví von này nhưng quả thực, gần ba mươi năm sống với vùng đất mới Nam Tây Nguyên và may mắn được đi từ phía thượng nguồn Đạ Dâng đến vùng hạ lưu Đồng Nai, tôi phần nào thấm thía cách nghĩ về “con nước” của người dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên: Đồng Nai là sông cháu, Đa Dâng là sông con, còn Krông Nô và Krông Kna là sông bố mẹ. Bởi lẽ, từ phía thượng nguồn giáp với Đắk Lắk, hai dòng sông bố Krông Knô và sông mẹ Krông Kna phát sinh rồi gặp nhau ở Lâm Đồng thành sông Đạ Dâng rồi trôi về xuôi thành sông Đồng Nai. Ở Lâm Đồng, sông “con” và sông “cháu” ấy chính là đường viền điểm tô cho cánh bướm.    

Trên dưới ba mươi năm trước, nơi vẫn còn là “thâm sơn” Đạ Tẻh và Cát Tiên này là chốn lập nghiệp của những dấu chân mở đất khẩn khai đồng vàng của những con dân miền Trung và miền Bắc. May mắn, tôi có mặt trong đoàn người khai khẩn kia vào năm 1982 để ít nhất là nhìn thấy sự hoang sơ của một miền đất, của một cánh đồng “rừng rú” bên một dòng sông hoang hoải mải miết về xuôi. Đạ Tẻh ngày đó tuy đã mọc lên những nông trường nhưng vẫn còn nguyên sơ lắm. Con dốc Ma Thiên Lãnh từ đường nhựa Madagui vào đến Đạ Tẻh, ngày đó vẫn còn thuộc huyện Đạ Huoai, rộng lớn cao ngất ngưởng khiến bước chân con người ta e ngại. Vượt con dốc này, tôi lạc vào rừng rậm với vài mái nhà sàn heo hút giữa bạt ngàn lau lách và tre nứa, rồi sau đó mới đến được những khoảnh ruộng mới mở bên những dãy núi thoai thoải của những người dân kinh tế mới. Ba tôi, một cựu tù Côn Đảo, ngày ấy, năm 1982, sau khi về hưu, đã đưa cả nhà đến lập nghiệp trên vùng quê mới Đạ Tẻh. Dấu chân của những người khai khẩn đã lưu lại bên dòng sông Đồng Nai và lưu lại trên cánh đồng lúa trĩu nặng mồ hôi mỗi năm hai mùa mưa nắng. Thế rồi, thời gian trôi qua, giờ đã là mười năm, hai mươi năm và trên dưới ba mươi năm với biết bao mồ hôi lăn trên những khuôn ngực trần, với những dấu chân nẻ mạ mùa màng và cùng với khói đồng phủ kín dòng Đồng Nai sau mỗi vụ gặt để tạo dựng nên cánh đồng vàng ngập tràn kỷ niệm trên quê hương mới của những con dân miền Trung và miền Bắc.

Hầu như năm nào tôi cũng về với vùng quê Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đó như là sự trở về của ký ức rơm rạ với khói đồng, như là sự trở về của ký ức sông xưa với dòng chảy, như là sự trở về của ký ức nguồn cội với hoài niệm đời người. Dòng  Đồng Nai vẫn mải miết trôi xuôi. Cánh đồng dường như không nhớ nổi tuổi của mình. Trong khi đó, đời người thì hữu hạn. Con sông làm nên mùa vàng nhưng không đo đếm được tuổi tác của cánh đồng. Còn cánh đồng thì tận hiến vị ngọt ngào chắt ra từ dòng sông nhưng lại không thể đo đếm được thời gian của chính mình. Chỉ có con người là có thể nhìn thấy chính mình từ những mùa vàng của cánh đồng và từ trong hạt phù sa của dòng sông qua từng mùa mưa nắng.

Tương lai của... rơm rạ

Những ký ức rời trong tôi đang trộn hòa với khói đồng rơm rạ trên cánh đồng vàng bên dòng Đồng Nai trong buổi sáng này. Không rõ nữa, nhưng quả thực là hạt mồ hôi của nhà nông trên cánh đồng Đạ Tẻh và Cát Tiên ấy đã thấm vào trong tôi tự lúc nào xưa cũ lắm thay! Vị của giọt mồ hôi ấy trong tôi có lúc đắng chát, có lúc ngọt ngào. Nhưng, yêu nó lắm lắm!

Đêm, trong căn nhà của Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, Đỗ Phú Quới, ngay giữa trung tâm thị trấn Đạ Tẻh như vẫn đang vương mùi rơm rạ, tôi và anh ngồi nhâm nhi chén trà thơm nồng quý phái nhưng lẫn cả hương đồng ngái hạt mồ hôi. Anh Quới nói nhiều với tôi về những ngày đầu lập nghiệp của người dân nơi này. Trong câu chuyện của anh, tôi như nhìn thấy những hạt mồ hôi của nhà nông một nắng hai sương ròng ròng trên những khuôn ngực trần để làm nên mùa vàng cho cánh đồng bên dòng Đồng Nai. Anh bảo: “Bây giờ, người dân An Nhơn (xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) trồng lúa chất lượng cao đã thu lãi không dưới 70 triệu đồng mỗi năm. Mức thu nhập này cao hơn 8-10 lần so với trồng lúa bình thường”. Quả thực là tôi hơi bị “giật mình” trước con số này. Nhưng sau đó, qua một người bạn là cán bộ của xã An Nhơn, tôi còn được biết, nếu một héc ta đất ruộng làm hai vụ lúa và một vụ dưa trong một năm thì con số này còn cao hơn gấp nhiều lần. Ví dụ như năm Tân Mão này, với giá dưa hấu “ngất ngưởng” hiện nay, một héc ta dưa hấu thu lãi ròng không dưới trăm triệu đồng! Vậy, mức phấn đấu 150 triệu đồng trên một héc ta đất nông nghiệp vào năm 2015 mà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đề ra không phải là quá xa. Tất nhiên, đó là nhờ dưa hấu được giá. Còn riêng lúa thì sao? Người bạn của tôi, anh Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch UBND xã An Nhơn, nói rằng: “Mô hình trồng lúa cao sản được người dân trong xã thực hiện trên diện tích hơn 300 héc ta từ nhiều năm nay rồi. Theo chủ trương của huyện, An Nhơn cùng một vài địa phương khác của Đạ Tẻh sẽ phấn đấu trong thời gian ngắn, đến năm 2012 sẽ đạt được con số 1.600 héc ta lúa cao sản với thu nhập trung bình 75 triệu đồng mỗi năm trên một héc ta”. Mừng lắm thay: Cánh đồng vàng bên dòng Đồng Nai thuộc huyện Đạ Tẻh, nơi mà người dân miền Trung và miền Bắc đến lập nghiệp ngót nghét trên dưới ba mươi năm qua ấy, giờ đã thực sự “đẻ ra vàng”!

Dòng sông Đồng Nai chảy qua Đạ Tẻh như một dải lụa vắt ngang trời rồi sau đó đổ về Cát Tiên làm thành vòng cung ôm tròn hơn một nửa vùng đất này. Con sông đổ về Cát Tiên, vùng đất tận cùng về phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, vẫn hào phóng dâng hiến đến hạt phù sa cuối cùng để làm nên mùa vàng cho cánh đồng 7.000 héc ta lúa trong tổng số 11.500 héc ta đất canh tác nông nghiệp của huyện. Anh Huỳnh Văn Đẩu, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, báo tin vui: “Huyện vừa hoàn tất thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận độc quyền cho thương hiệu “Gạo Cát Tiên” đấy!”. Đúng, đây quả là một tin vui! Tôi nhớ lại bữa cơm của người chị hiện đang sinh sống tại thị trấn Bun Go, huyện Cát Tiên, mới đây: Trong bữa ăn, người anh rể của tôi sau khi rót ly rượu mời đã “vào đề” để khoe: “Gạo này thuộc giống “OM Cát Tiên” đấy! Thơm và dẻo lắm!”. Tìm hiểu thêm, tôi được biết, giống lúa mà người anh rể của tôi gọi là “OM Cát Tiên” ấy chính là giống lúa OM 4900 do huyện Cát Tiên chọn lọc từ nhiều giống khảo nghiệm mà có. Với đặc trưng của vùng “rốn lũ”, sông Đồng Nai hàng năm cho Cát Tiên một lượng phù sa nhất định để làm nên hạt gạo hết sức đặc biệt này. “Gạo Cát Tiên” sẽ là một thương hiệu độc quyền được nhắc đến tại các siêu thị trong thời gian tới!” nhiều cán bộ của huyện Cát Tiên khẳng định với tôi như vậy.

Tôi hiểu, lúa gạo không phải là thế mạnh của tỉnh miền núi đất đỏ bazan Lâm Đồng. Nhưng với riêng hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, cây lúa có một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Bởi ở đó, những hậu duệ của cư dân lúa nước miền Trung và miền Bắc khi đến khai khẩn vùng đất mới ở Nam Tây Nguyên vẫn trung thành với truyền thống canh tác của tổ tiên là tạo dựng một cánh đồng vàng bên “con nước vàng” Đồng Nai. Tất nhiên, vùng lúa cao sản của Đạ Tẻh và thương hiệu “Gạo Cát Tiên” chưa phải là tất cả nhưng dẫu sao thì đó cũng chính là thành quả mấy mươi năm khai khẩn đồng vàng bên sông của những con dân hậu duệ của cư dân lúa nước ấy.  

Tôi nhìn ra cánh đồng bên sông Đồng Nai chảy qua huyện Đạ Tẻh ôm trọn hơn nửa vòng vùng đất Cát Tiên: Mải miết sông trôi xuôi bên ruộng lúa ngăn ngắt màu xanh con gái hứa hẹn một mùa vàng. Bàn tay của sông như chạm thấu vùng ký ức của tôi, và không chỉ riêng tôi!

Khắc Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm