Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Di chỉ khảo cổ học đặc biệt giữa Thủ đô đối mặt nguy cơ biến mất

Thứ hai, 11/12/2017 - 09:07

Ngay từ khoảng những năm 2009-2010, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng đề nghị khoanh vùng, bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, nằm cận kề trung tâm thành phố.

Một hố khai quật tại di chỉ Vườn Chuối

Thậm chí, ở thời điểm gần 10 năm trước, công trình khai quật này còn được coi là “có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội”. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, di chỉ này có nguy cơ bị xóa sổ khi nằm trong lòng một khu đô thị mới đang được xây dựng.

Di tích khảo cổ học tiền Đông Sơn

Ông Nguyễn Huy Nhâm (Bảo tàng Nhân học - Trường Đại học KHXH&NV) cho biết, Vườn Chuối là tên gọi của một di tích nằm trong một phức hợp các di tích khảo cổ học có niên đại từ giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên, cho tới Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và sau Đông Sơn. Đó là các di chỉ: Gò Mỏ Phượng, Gò Rền Rắn, Gò Chùa Gio, Gò Chiền Vậy và Gò Vườn Chuối. Trong số phức hợp di chỉ khảo cổ này, Gò Vườn Chuối là di chỉ quan trọng nhất.

Địa điểm Vườn Chuối đã được phát hiện đầu tiên vào năm 1969 và tới nay Di tích Vườn Chuối đã trải qua 8 đợt khai quật, mới nhất gần đây là tháng 12-2014. Di chỉ này được các nhà khảo cổ học đánh giá là rất quan trọng trong hệ thống các di tích khảo cổ học tiền Đông Sơn cho tới Đông Sơn ở phía Bắc.

Trong quá trình mở rộng đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực trung tâm Hà Nội ra các vùng ngoại biên như hiện nay, để tìm được một di chỉ nguyên vẹn, đầy đủ và có niên đại rất sớm, kéo dài hàng nghìn năm như ở Vườn Chuối là rất hiếm. Trong hơn 100 di tích, di chỉ khảo cổ học được thống kê có niên đại từ tiền Đông Sơn cho tới Đông Sơn ở khu vực Hà Nội (tính từ sau 2008) thì chỉ có 2-3 di tích có niên đại cư trú hàng nghìn năm. Và Vườn Chuối là một trường hợp hiếm như vậy.

Di vật mũi tên đồng được phát hiện trong một lần khai quật di chỉ Vườn Chuối gần đây

Vì sao phải bảo tồn?

Trong lá đơn kiến nghị mới đây gửi Thành ủy, UBND TP Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã nêu đầy đủ lý do để giữ gìn di chỉ khảo cổ học này. Dù đã trải qua 8 lần khai quật nhưng tới nay di chỉ khảo cổ Vườn Chuối vẫn chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội.

Do không được kiểm kê nên không được đánh giá để xếp hạng, và hiện nay toàn bộ 19.000m2 của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đã bị quy hoạch vào dự án Thăng Long 9 (Khu đô thị Kim Chung Di Trạch) do Tổng công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Việt Nam (VIETRACIMEX) đầu tư.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: “Nếu các cơ quan có thẩm quyền không có kế hoạch bảo vệ di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng này thì chắc chắn Vườn Chuối và các di chỉ khảo cổ lân cận sẽ bị xóa xổ trong tương lai gần”.

Hơn hết, đây là một địa điểm cư trú lâu dài của người Việt cổ, góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người rất sớm trên địa bàn Hà Nội, một điều hết sức hiếm hoi ở Thủ đô một quốc gia. Hơn nữa nó còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền-sơ sử. Ngoại trừ di chỉ khảo cổ Đình Tràng nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, rất khó tìm ra một di chỉ khảo cổ học tiền-sơ sử nào như khu Vườn Chuối ở xã Kim Chung, Hà Nội.

Tại Vườn Chuối, qua 8 lần khai quật với diện tích gần 300m2 trong tổng số 1.900m2 của di chỉ, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 29 ngôi mộ tiền sử (chủ yếu là mộ thuộc văn hóa Đông Sơn có đồ gốm và vũ khí đồng được chôn theo); gần 15 vạn mảnh gốm cùng với gần 50 hiện vật gốm vỡ và nguyên vẹn; 216 hiện vật bằng đồng; 11 hiện vật bằng sắt; hơn 1.000 hiện vật bằng gỗ và nhiều hiện vật bằng xương. Đây là những con số thống kê khổng lồ đối với một di chỉ khảo cổ học.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm: “Trong những năm 2009-2011 khi dự án Thăng Long 9 san lấp mặt bằng đã làm phát lộ nhiều ngôi mộ tiền sử, cùng với đó là phá hủy một phần di chỉ làm hư hại nhiều hiện vật khảo cổ trên bề mặt di chỉ, các bạn đồng nghiệp của chúng tôi từ các trường đại học và Viện khảo cổ học đã gửi tâm thư lên Cục Di sản văn hóa và Bộ VH-TT&DL. Báo chí cũng đã có nhiều bài đăng về sự phá hủy của một khu vực khảo cổ học đang diễn ra ở Vườn Chuối”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ mong muốn: Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bảo tồn khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, trước hết cho lập hồ sơ đánh giá để sớm đưa di chỉ này vào danh mục di tích lịch sử văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp; làm việc với Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng Việt Nam (chủ đầu tư) để có phương án bảo tồn di chỉ văn hóa này; nếu không khi công trường xây dựng triển khai đầu năm 2018 thì di chỉ khảo cổ học quý này có thể sẽ bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Quỳnh Vân/An Ninh Thủ Đô

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm