Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị Đình (Đền) Nội Bình Đà là Di tích Quốc gia đặc biệt

Hải Hà

Thứ năm, 29/06/2023 - 16:30

(Thanh tra) - Đình (Đền) Nội Bình Đà, ​xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội, được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa Quốc gia năm 1991 và đang được đề nghị nâng cấp là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đình (Đền) Nội Bình Đà, ​xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Ảnh: H.H

Sáng 29/6, UBND huyện Thanh Oai phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà.

Nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa và truyền thống anh hùng cách mạng, đặc biệt trên địa bàn huyện có rất nhiều đình, đền, chùa cổ kính và những làng nghề lâu đời, đặc sắc.

Trong đó, Di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận di tích cấp Quốc gia lần thứ nhất năm 1985 và được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa Quốc gia năm 1991.

Các đại biểu dâng hương tại Di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà. Ảnh: H.H

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trong đình đến nay còn lưu giữ được nhiều di vật quý, gồm thần phả, sắc phong, bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, đồ thờ tự...

Đặc biệt là bức phù điêu chạm khắc hình tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và các nhân vật thời Hùng Vương nổi tiếng tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2015.

Gắn liền với Di tích Đình (Đền) Nội và Đình Ngoại là Lễ hội Bình Đà diễn ra từ ngày 26/2 đến ngày 6/3 Âm lịch hàng năm, trong đó ngày 26/2 Âm lịch là ngày giỗ Đức Linh Lang Đại vương, ngày 6/3 Âm lịch là ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận Di tích Quốc gia lần thứ nhất năm 1985. Ảnh: H.H

Ông Bùi Hoàng Phan - Bí thư Huyện ủy Thanh Oai cho biết, Lễ hội Bình Đà là lễ hội rất nổi tiếng, có lịch sử lâu đời, được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Lễ hội Bình Đà có nhiều điểm đặc sắc, thủ tục tế lễ được lưu truyền qua hàng nghìn năm, nay vẫn được các thế hệ người dân Bình Đà trân trọng lưu truyền đời này qua đời khác.

Năm 2014, Lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước công nhận là Lễ hội Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đầu tiên của TP Hà Nội và được huyện chọn là lễ hội cấp huyện duy nhất trên địa bàn.

Năm 2014, lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước công nhận là Lễ hội Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của TP Hà Nội. Ảnh: H.H

Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Oai, Đình (Đền) Nội Bình Đà gắn liền với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha.

Đến đất Bảo Đà nay là Bình Đà, cách biển không xa, truyền cho các con dừng chân dựng trại, thấy thế đất lục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi.

Việc tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ảnh: H.H

Chẳng bao lâu, cả vùng Cổ Nõi được coi là đất quý trở nên trù phú, người dân khắp nơi đổ về đất linh bái yết Long Quân, hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng.

Khi Đức Quốc Tổ về trời, ngài được an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi Đình (Đền) Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt tổ” (Tổ dân Bách Việt).

Suốt 6 thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ. Đã có 16 hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai quốc thần” được lưu giữ tại Đình (Đền) Nội và Viện Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Các đại biểu dự hội thảo tham quan ảnh giới thiệu về Di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà. Ảnh: H.H

Với những giá trị độc đáo của di tích, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, huyện đã có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà, báo cáo TP quy hoạch thêm gần 20ha để xây dựng thêm một số công trình trong khuôn viên di tích và đã được TP quan tâm phê duyệt quy hoạch chung.

Đồng thời, TP xác định đầu tư, hỗ trợ cho huyện Thanh Oai 150 tỷ đồng giai đoạn 2022-2025 để thực hiện các nhiệm vụ tại di tích. Huyện xác định chọn di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà để xây dựng điểm du lịch đề nghị TP công nhận đạt chuẩn trước năm 2025.

Tại hội thảo, đã có 13 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các tác giả tại địa phương. Ảnh: H.H

“Việc tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà có ý nghĩa hết sức quan trọng để tuyên truyền giá trị di tích, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ... của Di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà, từ đó bổ sung, tổng hợp khái quát có hệ thống, khoa học các tư liệu về Đình (Đền) Nội Bình Đà làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và đề xuất các giải pháp khoa học cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần phát triển du lịch huyện” - ông Bùi Hoàng Phan nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới phát triển văn hóa, trong đó có công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thủ đô.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 5.922 di tích, bao gồm các loại hình di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích danh lam thắng cảnh gồm nhiều loại hình như đình, đền, chùa, phủ, quán, hội quán, khu phố cổ, làng cổ... Trong đó, có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích xếp hàng cấp quốc gia.

Nhiều bức ảnh giới thiệu về Di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà đã thu hút được sự quan tâm của đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: H.H

Bà Trần Thị Vân Anh đánh giá, những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô, trong đó có huyện Thanh Oai đã tổ chức tốt công tác quản lý di tích, di sản đưa lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị.

Tại hội thảo, đã có 13 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học và các tác giả tại địa phương nơi hiện tồn di tích. Các tham luận tập trung nêu bật về giá trị vật thể và giá trị phi vật thể của di tích, khái lược nội dung Di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà xưa và nay; đưa ra những kiến giải về giá trị vật thể của di tích…

Các ý kiến tại hội thảo cũng đồng thuận lập hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận xếp hạng Đình (Đền) Nội Bình Đà từ Di tích Quốc gia thành Di tích Quốc gia đặc biệt; đổi tên cho khu di tích này từ Đình Nội thành Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng: Di tích đình Bình Đà là một di sản văn hóa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng về thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc, là điểm tựa, ký ức về nguồn cội và là niềm tự hào của người Việt Nam về tổ tiên của mình. Di sản này còn là tiềm năng phát triển giáo dục di sản, vì vậy xứng đáng được nghiên cứu, công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt để bảo tồn và phát huy.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Thái Hải

21:03 21/11/2024
Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia

Bình Định: Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia

(Thanh tra) - Hướng đến Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2024), ngày 21/11, tại Bảo tàng Bình Định diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.

N. Phê - L. Bình

16:20 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm