Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cướp vợ”: Bản sắc văn hóa của người Thái

Thứ ba, 14/02/2017 - 10:58

(Thanh tra) - Trong thời kỳ hội nhập văn hóa hiện nay, nhiều nét văn hóa của người Thái miền Tây xứ Nghệ đã bị “đồng hóa”. Tuy nhiên, một số phong tục, tập quán được coi là bản sắc của người Thái vẫn được duy trì, gìn giữ, trong đó có phong tục “cướp vợ”. Đây là một trong những phong tục mang đậm nét văn hóa có từ lâu đời của người Thái.

Phong tục cưới xin của người Thái miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Như Ý

 “Cướp vợ” mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái

Trong những ngày vừa qua, trên mạng Facebook xuất hiện một clip ngắn có ghi lại cảnh cướp vợ của người Thái (tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) khiến dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều và hầu hết cư dân mạng đều cho rằng đây là một hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, với người Thái thì đây là một nét văn hóa không thể thiếu và cần được duy trì, gìn giữ.

PV đã có mặt tại huyện miền núi Quỳ Châu, nơi được xem là mảnh đất người Thái cổ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của dân tộc mình. Qua tìm hiểu được biết, phong tục “cướp vợ” đã có từ rất lâu đời và đây là một nét văn hóa của người Thái.

Phong tục “cướp vợ” chỉ là một trong những nghi thức bắt buộc không thể thiếu trong tục lệ cưới, hỏi của người Thái. Tục lệ cưới, hỏi của người Thái bao gồm: Cướp vợ, ở rể, thách cưới, rước dâu ban đêm, rửa chân và buộc chỉ cổ tay... Bất kì một cặp vợ chồng nào người Thái đều phải trải qua các nghi thức này.

Người Thái nơi đây cho biết, “cướp vợ” là một nét văn hóa chứ không phải hủ tục lạc hậu. Để trải qua nghi thức “cướp vợ” thì chàng trai phải bắt buộc nhận được sự đồng ý từ cô gái và quan trọng là nhận được sự đồng thuận của 2 bên gia đình. Nghi thức “cướp vợ” thường được diễn ra vào lúc 12 giờ đêm, đây là thời khắc giao thoa giữa ngày và đêm, giữa ngày cũ và ngày mới. Người dân nơi đây có một quan niệm rất riêng rằng, ban ngày thường có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang vất vưởng, nếu “cướp vợ” được tiến hành vào ban ngày thì những linh hồn này sẽ theo về phá hoại hạnh phúc của đôi tân lang, tân nương. Đồng thời, thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới chính là lúc trong lành, may mắn và có nhiều lộc trời nhất, “cướp vợ” vào giờ khắc này cuộc sống vợ chồng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Ông Vi Thanh Đoàn (70 tuổi), trú tại Xóm Mới, xã Châu Phong, Quỳ Châu cho biết: “Không biết nghi thức cướp vợ có từ bao giờ, chúng tôi chỉ biết rằng nghi thức này đã tồn tại từ lâu đời và nó như một nét văn hóa riêng biệt của người Thái. Đây là nét văn hóa, chứ không phải hủ tục, cướp vợ không có nghĩa là gặp ai, thích ai thì cướp về mà là được sự đồng ý của đối phương mới cướp vợ được. Đây là giá trị văn hóa có từ lâu đời của người Thái cổ, thể hiện sự tự do hôn nhân”.

Cũng theo ông Đoàn: “Cướp vợ”, ngoài thời khắc chọn ngày, giờ ra thì một nghi lễ không thể thiếu đó là, chàng trai trước khi đi cướp vợ phải mang theo 1 chai rượu, 1 cái đĩa, 4 têm trầu cau và một ít tiền lẻ. Trước khi thực hiện nghi thức cướp vợ, chàng trai phải đặt têm trầu cau và chai rượu trên gác bếp (người thái thường gọi là: Xà Khau), rồi mới được cướp vợ về nhà chàng trai. Người Thái nơi đây quan niệm rằng, gác bếp quan trọng đối với người phụ nữ, đặc biệt là với mẹ cô gái. Vì gác bếp người Thái thường để lúa, gạo, nên mỗi buổi sáng mẹ, cô gái sẽ vào bếp và quan trọng là nhìn thấy lễ vật “báo tin” con gái đã lấy chồng.

Tuy nhiên, đôi khi vẫn có trường hợp chàng trai chỉ yêu đơn phương và “bắt” không đúng đối tượng thương yêu mình. Trong trường hợp này cô gái sẽ tìm cách trốn khỏi nhà chàng trai hoặc được chàng trai cố tình để cô gái trốn thoát. Trường hợp này, gia đình nhà chàng trai phải làm lễ vật sang nhà cô gái để “đền danh dự” cho nhà gái.

 Đừng biến văn hóa dân tộc thành hủ tục

 Trong thời kì hội nhập hiện nay, nhiều nét văn hóa của người Thái đang dần bị biến tướng. Phong tục “cướp vợ” của đồng bào người Thái nơi đây là một minh chứng rõ nét. Rất nhiều thế hệ trẻ đồng bào Thái đã tự mình đánh mất đi nét văn hóa lâu đời mà đáng ra cần được duy trì, gìn giữ. Điển hình, trong những ngày gần đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại cảnh “cướp vợ” đang đi ngược lại với giá trị văn hóa vốn có của nó. Đoạn clip có ghi lại cảnh một nhóm nam thanh niên cố tình bắt một cô gái về làm vợ, mặc dù cô gái không hề đồng ý.

Sự việc trên đã khiến cho cộng đồng mạng vô cùng bức xúc và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, mà hầu hết đều cho rằng đây là phong tục lạc hậu và đáng được loại bỏ. Việc lợi dụng luật tục để “bắt trộm”, "cướp vợ" đang càng ngày càng bị lên án, vì đó là hành vi xâm hại đến quyền tự do thân thể, quyền tự do hôn nhân của công dân. Thế nhưng, lại rất ít người biết rằng đây là nét văn hóa có từ lâu đời.

Chia sẻ về phong tục “cướp vợ” của người Thái, cô gái Vi Thị Dung (20 tuổi), trú tại bản Na Bua, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu nói: “Bản thân em cũng mới trải qua nghi thức cướp vợ xong cách đây không lâu. Để đến được với nhau, em và chồng em đều phải trải qua nghi thức cướp vợ này. Khi được thực hiện nghi thức này vợ chồng em rất hạnh phúc. Đây là nét văn hóa của người Thái, không chỉ thể hiện tự do trong hôn nhân mà hơn hết là nét văn hóa dân tộc. Em hy vọng rằng, thế hệ trẻ đừng biến giá trị văn hóa, phong tục tập quán thành hủ tục”.

Như vậy, phong tục “cướp vợ” là nét văn hóa có từ rất lâu đời của dân tộc Thái chứ không phải là một hủ tục. Nghi thức “cướp vợ” cũng mang trong mình yếu tố văn hóa nhân văn riêng biệt, của đồng bào người Thái miền Tây xứ Nghệ. Do vậy, đừng vì các hành động sai lệch của một số người về nghi thức “cướp vợ”, mà hiểu sai về bản sắc văn hóa của cộng đồng người Thái.

 Lương Ý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm