Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Lê
Thứ năm, 09/11/2023 - 18:45
(Thanh tra) - Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với trên 1 triệu người sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 600 nghìn người. Các DTTS của Thanh Hóa chủ yếu là: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng biệt, góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa truyền thống của xứ Thanh.
Nhà Thơ Vương Anh là nhà thơ nổi bật của người Mường nói riêng và của miền núi nói chung. Ảnh: TL
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa rất quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS và miền núi. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng cho khu vực miền núi được ban hành và triển khai đã đem lại sức sống mới cho các huyện miền núi xứ Thanh.
Việc quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các DTTS không chỉ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp mà bên cạnh đó, chính đồng bào DTTS cũng tham gia đóng góp tích cực vào bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Những người say mê bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mường
Nếu nói về những người say mê nghiêm cứu, sưu tầm, am hiểu về văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa trong số đó phải nhắc đến nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải quê ở huyện Cẩm Thủy (hiện đang sinh sống tại TP Thanh Hóa) và nhà thơ Phạm Vương Anh, quê huyện Ngọc Lặc.
Về nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, ông đã có hàng chục công trình, chưa kể đến thơ, tuyển tập thơ, rồi tham gia tập hợp, biên soạn tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật với chùm 3 tác phẩm: “Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa”, “Lễ Pồn Pôông eng cháng” (song ngữ), truyện thơ “Nàng Út Lót - đạo Hồi Liêu” (tình ca dân tộc Mường, song ngữ).
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải sinh ra và lớn lên tại mường Voong, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ông đã từng kinh qua nhiều chức vụ như: Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội.
Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện, ông đã già yếu những vẫn miệt mài say mê nghiêm cứu văn hóa dân gian của dân tộc mình.
Còn nhà thơ Phạm Vương Anh (Vương Anh) sinh ra ở làng Lú, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Ông được xem là nhà thơ nổi bật của người Mường nói riêng và các nhà thơ dân tộc miền núi nói chung. Đến nay, nhà thơ Vương Anh đã có gần chục tập thơ, trường ca như: “Sao chóp núi” (trường ca, 1968), “Trăng mắc võng” (thơ, 1973), “Tình còn” (thơ, 1978), “Đến hẹn” (thơ, 1983), “Hoa Li-pa yêu” (thơ, 1989), “Rượu mặn” (thơ, 1993), “Hồn chiêng gánh núi” (trường ca, 2008)... ông được cả nước biết đến với tư cách là đồng tác giả biên soạn trường ca “Đẻ đất đẻ nước” và giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969; giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Tính đến nay, ông có trên 50 cuốn sách.
Nhà thơ Vương Anh từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa... trong suốt cuộc đời mình ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, ông luôn đau đáu với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.
Vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mường hiện cũng đang đặt ra cần quân tâm nhiều hơn nữa đó là những trẻ người dân tộc Mường say mê nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc mình không nhiều người tâm huyết. Trong khi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải và nhà thơ Phạm Vương Anh hiện tuổi đã cao.
Những người say mê bảo tồn và phát triển ngôn ngữ viết của người Thái
Ở Thanh Hóa nói về một số người Thái say mê nghiên cứu, bảo tồn, phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình phải kể đến các ông: Hà Nam Ninh, Cao Bằng Nghĩa và Phạm Bá Thược.
Ông Cao Bằng Nghĩa (đứng bên phải mặc áo trắng), ông Hà Nam Ninh (đứng giữa) và các cộng sự thảo luận về bảo tồn tri thức bản địa. Ảnh: TL
Ông Hà Nam Ninh trước kia làm Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đến năm 2006 thì về nghỉ chế độ. Sau khi nghỉ hưu, ông giành toàn bộ thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc Thái. Hàng chục năm nay, ông thu thập được rất nhiều những tư liệu về các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, phong tục, tập quán của người Thái lưu giữ hàng trăm loại sách, tư liệu quý bằng chữ Thái, như: Văn khế địa giới đất đai giữa các bản, các tổng; Lịch sử hình thành cộng đồng dân cư làng xã; Thần phả và những câu chuyện về nhân vật lịch sử có công. Trong đó, quý giá nhất phải kể đến là truyện thơ bằng chữ Thái “Truyện kể đường lên thiên đàng”, "Truyện thơ Khăm Panh", "Khun Lú - Nàng Ủa", "Sống Chụ Son Sao", "Truyện tình Pha-dua"… Đây là những tác phẩm nổi tiếng, có giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái ở Thanh Hóa nói riêng và người Thái Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, ông Hà Nam Ninh rất say mê nghiên cứu, biên soạn tài liệu về chữ Thái như: "Bộ chữ thái cổ Thanh Hóa", "Bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa", "Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái"… Sau khi biên soạn thành giáo án, ông còn mở lớp dạy chữ Thái miễn phí tại huyện Bá Thước cho những người yêu và muốn học chữ Thái. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tổ chức mời ông Ninh dạy chữ Thái cho cán bộ, chiến sỹ biên phòng, lực lượng vũ trang công tác ở các đồn, các huyện miền núi cao và các xã vùng cao biên giới.
Ông Cao Bằng Nghĩa là nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa. Hiện, ông Nghĩa đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Vào khoảng năm 1989, ông làm Trưởng phòng Văn hóa huyện (thời đó Quan Hóa của Thanh Hóa chưa tách thành 3 huyện: Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát). Sau đó, ông vào Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đến năm 2010, ông nghỉ chế độ, từ đó dành toàn bộ thời gian sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa của dân tộc mình. Ở Thanh Hóa, ông Cao Bằng Nghĩa được xem là một trong những người đóng góp rất lớn về sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Thái. Ông say mê sưu tầm về hiện vật cổ, về ngôn ngữ chữ viết dân tộc mình. Hiện ông đang nghiên cứu, sưu tầm hàng trăm trang về các bài mo: Mo cúng người chết, mo cúng thổ địa, mo cúng cơm mới….
Còn ông Phạm Bá Thược sinh năm 1957 ở xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn là người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, truyền dạy tiếng Thái trên địa bàn nhiều huyện miền núi của tỉnh. Ông Thược không chỉ thành thạo chữ viết dân tộc Thái mà còn sưu tầm, phiên âm và lưu giữ được trên 2.000 câu tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ dân tộc Thái, lưu giữ được 300 cuốn sách cổ gồm đủ các thể loại: Ca dao, truyện thơ, sách tâm linh và sách cổ nói về luật tục, tập tục người Thái. Thu thanh và lưu giữ hàng chục làn điệu Khặp theo hình thức diễn xướng các bài dân ca.
Ngoài ra, ông Phạm Bá Thược còn vận động các bậc cao niên, các nghệ nhân dân gian sưu tầm sách cổ bằng chữ Thái, cập nhật ghi chép lại những tác phẩm văn học, những câu thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội sau đó phiên âm sang chữ Việt phổ biến lại cho bà con nhân dân. Năm nay, ông Thược gần 70 tuổi rồi nhưng vẫn miệt mài nghiên cứu và giảng dạy tiếng Thái cho đồng bào trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh..."
Mong rằng, các ông đóng góp nhiều hơn nữa trong sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa Thái, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngôn ngữ viết của dân tộc mình.
Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa không thể không nói đến đan lát, thêu thùa, dệt thổ cẩm, dân ca dân vũ, lễ hội... Đăc biệt là các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ hội Pồn Pông của người Mường, Múa Rùa trong Tết nhảy của người Dao, Lễ hội Chá Mùn của người Thái…. rất độc đáo, đậm nét văn hóa dân tộc rất cần được bảo tồn và phát huy.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc”.
Phương Anh
21:55 22/11/2024(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh