Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bản tình ca bất hủ

Thứ năm, 02/01/2014 - 14:32

(Thanh tra) - “Chuyện tình Khau Vai” là vở cải lương đang công diễn tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội. Vở diễn thu hút lượng lớn khán giả đến xem, bởi nét tươi mới từ cách bài trí sân khấu, phục trang đậm chất dân tộc vùng cao, âm nhạc, ca từ đều mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc.

Một cảnh trong vở "Chuyện tình Khau Vai". Ảnh: Nguyễn Thanh

Dựa theo câu chuyện dân gian về tình yêu giữa cô gái người Dáy và chàng trai người Nùng, tác giả đã khéo léo dựng lên một bức tranh xã hội thu nhỏ. Cô con gái xinh đẹp duy nhất của Tộc trưởng là nàng Út, người Dáy lại đem lòng yêu chàng trai tên Ba tài hoa nhưng nghèo khổ người Nùng.

Mối tình không môn đăng hộ đối ngay lập tức bị bố cô gái ngăn cản vì biết rằng, đôi trẻ đang lặp lại nỗi đau khổ của mình ngày xưa, khi chính ông đã từ bỏ người con gái ông yêu (éo le hơn nữa khi người con gái đó chính là mẹ chàng Ba bây giờ) vì những rào cản về thân phận, về hủ tục trai gái tộc người nào chỉ được lấy tộc người đó.

Để bảo vệ tình yêu, đôi trai gái đã cùng nhau bỏ trốn lên đỉnh núi Khau Vai.

Vở  diễn do NSƯT Triệu Trung Kiên làm đạo diễn

Kịch bản văn học: Nguyễn Thế Kỷ 

Âm nhạc: NSƯT Trọng Đài

Thiết kế mỹ thuật: Doãn Bằng

Biên đạo múa: Quỳnh Lan

Thể hiện ca khúc chủ đề: NSƯT Mai Hoa... 
Sự mất tích của họ khiến Tộc trưởng điên cuồng tìm kiếm. Sự tức giận của ông lên đến đỉnh điểm khi ông biến thành cuộc tàn sát đẫm máu giữa hai làng Nùng và Dáy để buộc con gái trở về.

Cô Út và chàng Ba trước tình cảnh này phải hi sinh tình yêu, trở về để hòa giải.

Sóng gió chưa kịp lắng xuống thì Tộc trưởng bị trúng tên độc chết bởi âm mưu của nhân vật Cố Sầu, vốn được ông trọng dụng và hứa hẹn gả con gái cho. Cô Út phải lấy Cố Sầu theo nguyện ước trăn trối của người cha, để xoa dịu tất cả những xung đột, hận thù…

Vở cải lương có nhiều tình tiết bất ngờ, éo le, với các tuyến nhân vật hấp dẫn, mâu thuẫn giữa các sắc tộc (dưới chế độ phong kiến hà khắc vùng núi Hà Giang); mâu thuẫn giữa thổ ty, Tộc trưởng và người dân nghèo; âm mưu xảo quyệt của Cố Sầu.... các tình tiết đều hết sức gay cấn và đỉnh điểm bi kịch là cô gái tự vẫn trên đỉnh Khau Vai - vào cái ngày họ hẹn gặp nhau hàng năm nơi đây, nơi đầy ắp kỷ niệm tình yêu của họ. Ngày đó trở thành ngày duy nhất trong năm để các đôi lứa yêu nhau nhưng không đến được với nhau gặp nhau: Chợ tình Khau Vai!

Ảnh : Nguyễn Thanh

Đây là một vở cải lương khá hấp dẫn, đáng xem, một bi kịch tình yêu nhưng không quá bi lụy, và được đạo diễn cài cắm các tình tiết hài hước hợp lý, có duyên. Điều đáng nói là, với một dung lượng nội dung lớn, đầy ắp các tình tiết đủ để dựng thành một bộ phim hấp dẫn, khi đưa vào thể loại sân khấu, với những hạn chế về không gian, thời gian, khó có thể chuyển tải được hết, nhưng đã được đạo diễn dẫn dắt khá nhuần nhuyễn, không tạo cảm giác nhồi nhét theo kiểu kể gấp cho xong một câu chuyện quá nhiều tình tiết. 

Điều làm nên sức hấp dẫn của vở diễn ngoài việc tạo được không khí núi rừng vùng cao, còn là các lời thoại, ca từ cải lương đậm chất văn học, thực sự có sức lay động và để lại rất nhiều dư vị bởi những triết lý về cuộc đời, về những được mất, buồn vui, về những hư danh và khát vọng hạnh phúc của con người… được tác giả kịch bản trau chuốt, đặc biệt tác giả kịch bản tập trung ca ngợi những giá trị nhân văn, sức mạnh của tình yêu vào màn cuối, đem đến sức nặng của vở diễn, khiến người ta quên đi phân cảnh đầu vào đề hơi gượng gạo.

Ảnh: Nguyễn Thanh

Không chỉ đơn giản là một câu chuyện mang màu sắc vùng cao, hay câu chuyện tình yêu đôi lứa, vở diễn chứa đựng tầng tầng lớp lớp những xung đột nội tại của con người, của xã hội: Sự phân biệt sang hèn, lòng tham vọng khiến người ta bất chấp mọi thủ đoạn tàn độc, thay đổi cả nhân cách… Trong bức tranh vui buồn, sáng tối, yêu thương, giận hờn đó, nổi lên rất rõ tình người: tấm lòng của những người phụ nữ bao dung, nhân hậu; tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ, cưu mang nhau của những người nghèo; tình yêu đôi lứa ngọt ngào và cay đắng; những nét văn hóa đặc sắc của người Nùng, người Dáy, người Mông; và đọng lại, lan tỏa, đau đáu yêu thương là tình yêu đôi lứa của chàng Ba, nàng Út...

Dù thế nào những giá trị nhân văn vẫn đọng lại, người xem vẫn lặng đi bởi tình yêu hóa giải hận thù, bởi như tác giả đã gửi gắm ở phần kết, truyền thuyết tình yêu về Chợ tình Khau Vai hàng năm sẽ “thêm nét vẽ sắc màu nguyện ước vì : “Rằng tình yêu mãi muôn đời màu nhiệm”… Một bản tình ca bất hủ.


Nguyễn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm