Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 14/11/2014 - 14:40
Hãng nội y đình đám thế giới không ít lần vướng bê bối, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Thành lập cách đây gần 40 năm (từ 1977) bởi người đàn ông Mỹ Roy Raymond, hãng đồ lót Victoria's Secret giờ đây đã gây được tiếng tăm, biết đến trên khắp thế giới, gây dựng được thương hiệu với doanh thu trên 6 tỷ đô mỗi năm. Không chỉ chăm cải tiến mẫu mã, nắm bắt thị hiếu của phái đẹp, hãng còn nhanh nhạy trong việc tạo các chiêu PR đánh bóng tên tuổi như tổ chức show thời trang đầy sáng tạo, thuê dàn chân dài hàng đầu sexy nhất hành tinh hay sản xuất những bộ nội y triệu đô độc đáo. Tuy nhiên bên cạnh thành công, Victoria's Secret không ít lần vướng phải những vụ bê bối để đời, chỉ điểm lại trong 5 năm gần đây đã có đến 7 scandal lớn.
Bị tẩy chay vì thông điệp "Cơ thể hoàn hảo"
Ngay trong không khí giới mộ điệu chờ đợi Victoria's Secret Fashion Show 2014, một tin không hay lại đến với thương hiệu nội y nước Mỹ vào đầu tháng 11 khi chiến dịch quảng cáo với thông điệp "Perfect Body" (Tạm dịch: Cơ thể hoàn hảo) vừa tung ra đã bị phản đối rầm rộ. Hãng để chữ "Body" trong ngoặc kép có thể nhằm ám chỉ dòng nội y mang tên Body chứ không phải cơ thể người mẫu. Tuy nhiên, một nhóm sinh viên Anh (khởi xướng là Gabriella Kountourides, Laura Ferris và Frances Black) phối hợp trang web Charge.org đã cho rằng thông điệp này mang tính xúc phạm, vô trách nhiệm và độc ác. Họ yêu cầu thương hiệu phải nói lời xin lỗi người tiêu dùng vì khiến nhiều phụ nữ tự ti, đồng thời không chấp nhận việc các người mẫu được chỉnh sửa qua photoshop, đôi chân dài như búp bê sống, vòng eo nhỏ tí xíu và ngực được đẩy lên hết cỡ mới là hoàn hảo.
Nhiều phụ huynh cũng đồng tình với nhóm sinh viên vì sợ các con gái của mình sẽ bị ám ảnh bởi vòng một nở nang và eo con kiến như các thiên thần nội y. Họ cho rằng quảng cáo không phù hợp với tất cả phụ nữ vì không phải ai cũng có số đo như vậy. Thân hình gầy gò, thiếu sức sống của các siêu mẫu Victoria's Secret không phải là chuẩn.
Một cựu nhân viên của Victoria's Secret cũng cho rằng chiến dịch lần này đánh vào nỗi bất an của phụ nữ: "Xã hội cần thay đổi cách đánh giá vẻ bề ngoài của phụ nữ. Với tư cách là cựu nhân nhân viên của Victoria's Secret, tôi biết sứ mệnh của công ty là phải thiết kế những bộ đồ lót khiến phái nữ cảm thấy mình đẹp và tự tin hơn về bản thân. Nhưng lần này, có vẻ như đội ngũ tiếp thị đã không ghi nhớ điều này”.
Chỉ sau vài ngày đã có gần 30 nghìn chữ ký trên trang Charge.org yêu cầu Victoria's Secret phải xin lỗi và điều chỉnh lại hình ảnh quảng cáo. Trong khi đó, Victoria's Secret không lên tiếng mà lặng lẽ thay đổi slogan thành "A Body for Everybody" (Tạm dịch: "Nội y Body cho tất cả mọi người"). Một số người vẫn chưa nguôi tức tối vì nói là cho tất cả mọi người nhưng lại chỉ sử dụng các cô mẫu thân hình mảnh khảnh kia.
Phụ nữ béo biểu tình phản đối
Cũng với lý do tương tự, nhằm chống đối việc Victoria's Secret luôn dùng người mẫu được photoshop với đôi chân siêu dài, ngực to và eo con kiến, một nhóm phụ nữ béo mang tên About-Face đã biểu tình ngoài cửa hàng đồ lót ở San Francisco (Mỹ) tháng 6/2013.
Họ mặc đồ lót, khoe thân hình ngoại cỡ cùng những tấm băng rôn như "Tôi nguyện yêu cơ thể mình" hay "Tự nói với bản thân trước gương rằng cơ thể bạn rất tuyệt vời”. Trong đó, có cả đàn ông cởi trần tham gia biểu tình khuyến khích phụ nữ.
Tổ chức About-Face cho rằng phụ nữ không phải gầy và nuột nà như các người mẫu của Victoria's Secret mới là hấp dẫn. Họ sẽ tiếp tục tẩy chay những hãng thời trang chuyên mang đến công chúng các hình ảnh phi thực tế bằng việc sử dụng photoshop và chỉ thiết kế trang phục cho những thân hình hoàn hảo.
Bê bối "ngoại tình" của nữ giám đốc điều hành
Có vẻ như mối quan hệ cá nhân không ảnh hưởng đến thương hiệu, nhưng thực tế scandal này lại khiến hãng nội y được chú ý nhiều hơn, vì cái tên của bà Sharen Jester Turney luôn được gắn với Victoria's Secret.
Bà Sharen sinh năm 1957, hiện là CEO và Chủ tịch của Victoria's Secret. Tháng 9/2013, bí mật về chuyện ngoại tình của bà thu hút tò mò của không ít người hâm mộ. Người tình của bà, nhà môi giới bất động sản Cliff Donenfeld (50 tuổi) chính là người khơi ra tin đồn. Ông Cliff cho biết đã gặp bà Sharen từ 2008, quan hệ với nhau bí mật trong suốt 2 năm. Bà chủ Victoria's Secret còn hứa sẽ bỏ chồng để chung sống với ông Cliff trong một biệt thự triệu đô.
Tuy nhiên, mối quan hệ của họ tan vỡ năm 2010 dù vẫn coi nhau là bạn. Đến năm 2013, Cliff nhờ bà nữ triệu phú giới thiệu cho ông gia nhập làng thời trang nhưng bà kiên quyết từ chối khiến quý ông này rất đau đớn và thất vọng. Quá đau khổ vì thấy mình "chỉ là công cụ của bà ấy trong suốt 2 năm, từ cuộc sống cá nhân cho đến công việc", trong khi chưa từng đòi hỏi bà bất cứ điều gì, ông quyết định tiết lộ sự việc.
Người đại diện của Limited Brands cho biết, công ty không bình luận về đời sống riêng tư của nhân viên, phía bà Sharen cũng không xác nhận sự việc. Theo lý lẽ thông thường, câu chuyện ngoại tình của cá nhân vị giám đốc điều hành không liên quan gì đến thương hiệu. Nhưng thực tế, sự việc này một lần nữa lại "hâm nóng" tên hãng nội y Victoria's Secret, được không ít người quan tâm. Một số người nói vui, chuyện giữa quý bà "hồi xuân" và gã "phi công" đào mỏ có thể làm các quý bà ùn ùn kéo đến các cửa hàng của Victoria's Secret vì chắc hẳn một phần nhờ những bộ nội y hấp dẫn mà bà Sharen quyến rũ được người đàn ông 50 tuổi kia.
Quảng cáo đồ lót khêu gợi dành cho trẻ em
Đầu năm ngoái, Victoria's Secret cho ra mắt bộ sưu tập Pink dành cho các cô gái trẻ kèm theo chiến dịch quảng cáo với slogan "Bright young things". Ngay lập tức, chiến dịch quảng cáo này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh có con em 13-16 tuổi. Họ cho rằng các sản phẩm quá khêu gợi, slogan và những dòng chữ trên trang phục rất nhạy cảm, sẽ khiến các bé quan tâm đến ngoại hình và cổ súy quan hệ tình dục khi còn quá nhỏ.
Hãng nội y bị hàng loạt người tiêu dùng buộc tội "cố tình tiêm nhiễm tư tưởng người lớn" vào đầu con cái họ, khiến họ khó nuôi dạy con cái theo lối sống lành mạnh và không chấp nhận được việc thương hiệu nước Mỹ nhắm đến các bé độ tuổi trung học vào chiến dịch thương mại của mình. Nhiều khách hàng quen thuộc còn tuyên bố sẽ không dùng đồ Victoria's Secret nữa vì hành động xấu này.
Trước nguy cơ bị tẩy chay, đại diện Victoria' Secret giải thích đó chỉ là hiểu lầm: "Pink là dòng sản phẩm dành cho các cô gái ở độ tuổi đại học. Chúng tôi chưa bao giờ có kế hoạch sẽ mở một dòng dành cho các bé gái độ tuổi trung học". Tuy vậy, thực tế hãng cũng luôn có tham vọng hướng đến đối tượng trẻ hơn. Trưởng phòng tài chính của hãng, Stuart Burgdoerfer từng nói: "Một bé gái bước sang tuổi 15 - 16 mong muốn điều gì? Họ muốn mình lớn hơn và xinh đẹp như các cô nàng đại học. Đó là điều mà nhãn hàng Pink đang làm!"
Động chạm đến trang phục truyền thống của thổ dân Mỹ
Show Victoria's Secret năm 2012, diễn ra ngày 7/11 tại New York đã gây được hiệu ứng nồng nhiệt từ khán giả. Tuy nhiên, một sự kiện mà hãng nội y không hề ngờ tới là bộ trang phục do chân dài Karlie Kloss trình diễn bị những người Mỹ bản địa chỉ trích gay gắt.
Trang phục gồm bộ đồ lót bằng da lộn, đi kèm trang sức màu ngọc lam và mũ lông lấy cảm hứng từ chiếc mũ truyền thống của nam giới thuộc bộ tộc da đỏ Sioux, tượng trưng cho sự dũng cảm của họ. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, để một phụ nữ da trắng đội chiếc mũ là một hành động đặc biệt xúc phạm và chà đạp lên giá trị văn hóa, phân biệt chủng tộc.
Trước những tranh cãi và sự phẫn nộ của người Mỹ bản địa, phát ngôn viên Tammy Robert Meyers của Limited Brands - công ty sở hữu Victoria Secret đã chính thức nói lời xin lỗi và hứa sẽ cắt phần trình diễn trang phục này trước khi phát trên truyền hình vào ngày 4/12 năm đó. Chân dài Karlie Kloss cũng lấy làm tiếc về điều này: "Tôi thành thực xin lỗi nếu những gì tôi mặc trong chương trình của Victoria's Secret xúc phạm đến ai đó. Tôi ủng hộ quyết định của Victoria's Secret để loại bỏ trang phục này khỏi chương trình phát sóng".
Ngay trong tháng trước đó, MV của ban nhạc No Doubt cũng phải gỡ bỏ khỏi Youtube vì lý do xúc phạm người da đỏ. Cùng năm, cộng đồng người Mỹ bản địa đã chiến đấu với các hãng thời trang Urban Outfitters và Gap vì mục đích thương mại mà sử dụng các họa tiết và mẫu trang phục của họ.
Nghi án gian dối về chất liệu và liên quan đến nạn bóc lột lao động trẻ em
Vụ bê bối của Victoria's Secret công bố vào cuối năm 2011 được coi là khá chấn động trong làng thời trang. Theo đó, cuộc điều tra của phóng viên hãng thông tấn Bloomberg đã tố cáo hãng nội y nước Mỹ liên quan đến việc bóc lột lao động trẻ em trong trang trại trồng bông vải tại quốc gia châu Phi Burkina Faso.
Rất nhiều sản phẩm của Victoria's Secret được may từ sợi bông xuất xứ từ Burkina Faso do trẻ em trồng. Những em bé này chỉ khoảng trên dưới 10 tuổi, phải bỏ học, bị ép buộc lao động hàng nhiều giờ mà không được trả công. Một ví dụ điển hình là cô bé Clarisse Kambire, 13 tuổi, phải đào đất bằng tay để trồng khoảng 500 hàng bông mỗi vụ, đồng thời bị ông chủ đánh dập, bỏ đói thường xuyên.
Loại bông này được Victoria's Secret nhập khẩu, đem đến các nhà máy ở Ấn Độ và Srilanka rồi sản xuất ra những bộ nội y đắt đỏ. Trong khi đó từ năm 2007, Victoria's Secret đã là đối tác của Tổ chức Thương mại Thế giới của WTO (Fair Trade) và chương trình bông hữu cơ vi sinh organic cotton thân thiện với môi trường (không phun thuốc trừ sâu, không chứa chất độc hại, bảo vệ sức khỏe). Bộ sưu tập nội y mùa Valentine năm 2009 được tung ra với lời hứa sử dụng 100% bông hữu cơ và mục đích "Tốt cho phụ nữ, tốt cho trẻ em - những người phụ thuộc vào chúng", giúp ích cho những lao động nghèo khổ ở Burkina Faso nhưng thực tế lại bị cho là vẫn tiếp tay cho hành động lạm dụng lao động dưới tuổi vị thành niên, đồng thời chất xơ (fiber) được trộn vào để sản xuất hàng nghìn bộ nội y.
Điều này là vi phạm luật pháp nước Mỹ. Bộ An ninh Nội địa nước này cho biết, Điều 307 Luật Thuế Quan Smoot-Hawley cấm nhập khẩu hàng hóa sản xuất bởi lao động bị cưỡng bức. Trong khi đó, công ty mẹ của Victoria's Secret - Limited Brands nói, họ không hề biết về tình trạng bóc lột lao động và khẳng định sẽ theo dõi, điều tra nghiêm túc việc này. Người phát ngôn của hãng cho rằng, nếu tình trạng này có thật thì nó đã đi ngược với những quy định về lao động và tiêu chuẩn nguồn hàng hóa mà họ yêu cầu các bên cung cấp phải tuân thủ, trong đó có quy định cấm lao động trẻ em.
Bị người mẫu tố cáo lạm dụng
Kylie Bisutti là cựu người mẫu Mỹ sinh năm 1990. Năm 2009, cô chiến thắng trong một cuộc thi "Tìm kiếm người mẫu Victoria's Secret". Khi ấy Kylie 19 tuổi và đã có chồng. Chân dài được trình diễn trong Fashion show năm đó và xuất hiện trong một số shoot quảng cáo của thương hiệu. Tuy nhiên Kylie nhanh chóng bỏ nghề, năm 2012 cô tuyên bố từ giã sự nghiệp người mẫu vì bị lạm dụng thân xác và công việc đi ngược với giá trị tôn giáo Ki-tô của mình.
Năm 2013, chân dài 1m78 xuất bản cuốn sách mang tựa đề I'm No Angel: From Victoria's Secret Model to Role Model tố cáo chuyện mình bị lạm dụng và tiết lộ những bí mật của Victoria's Secret. Cô nói: "Cơ thể tôi chỉ nên dành cho chồng tôi và nó chỉ là một điều thiêng liêng. Tôi được trả tiền để cởi đồ và khêu gợi những gã đàn ông nực cười chứ không phải là người mẫu quần áo nữa. Tôi cảm thấy mình giống như một miếng thịt. Ngày hôm sau, tôi suy sụp và bắt đầu khóc nức nở. Tôi đã nhốt mình trong phòng ngủ và nằm bẹp, sau đó cầu nguyện: Chúa ơi, sao Người lại cho con chiến thắng cuộc thi Victoria's Secret, nếu biết nó làm cho con như thế này. Con cảm thấy như đang không tôn trọng chồng mình. Con cần câu trả lời".
Cô còn chia sẻ: "Tôi nhận ra rằng mình không muốn làm mẫu cho bất cứ điều gì giống như bán dâm. Vào thời điểm đó, show diễn của Victoria's Secret được phát sóng trên truyền hình. Tôi nhìn vào Twitter và thấy vô số phụ nữ so sánh họ không thể đẹp được như người mẫu. Tôi ngộ ra, công việc của mình đã mang đến một thông điệp xấu đối với phụ nữ, khiến họ tự ti về cơ thể".
Trong khi đó, đại diện của hãng nội y đình đám nước Mỹ rất tức giận trước những lời bêu rếu của Kylie. Hãng cho rằng cô này đã bịa đặt và phát ngôn hoàn toàn sai lệch về mối quan hệ giữa cô ta và Victoria's Secret. Người đại diện khẳng định: "Kylie Bisutti chiến thắng trong một cuộc thi người mẫu nghiệp dư online năm 2009. Giải thưởng dành cho người chiến thắng là cơ hội được sải bước một lần trong show diễn của Victoria’s Secret năm đó. Cô ấy chưa bao giờ là một thiên thần của Victoria’s Secret". Hành động của Kylie được hãng xem là cố tình tạo scandal trong khi đang thất thế trong sự nghiệp thiết kế và kinh doanh. Tuy nhiên, scandal này cũng ảnh hưởng không ít đến uy tín của thương hiệu đồ lót nổi tiếng.
Theo Ngoisao.net
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Đức Tài
Chính Bình
PV
N. Phê
N. Phó
Trung Hà
CB
Đông Hà
Đông Hà
Hoàng Nam
Kim Thành