Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Với chủ đề "Chỉ một trái đất", các tôn giáo chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Trà Vân

Chủ nhật, 05/06/2022 - 15:52

(Thanh tra)- Ngày Môi trường thế giới diễn ra hằng năm vào ngày 5/6. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: Anh Minh

Nhiều năm qua, các tôn giáo đã vận động tăng, ni, Phật tử, giáo dân, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Để phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) với 14 tôn giáo và 40 tổ chức tôn giáo đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động hiệu quả.

Năm 2022, với chủ đề "Chỉ một trái đất", nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất..

Vừa qua, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, được chọn là điểm đến thăm của phái đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) để chia sẻ về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã và BVMT tại Việt Nam.

Phaí đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) chia sẻ về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã và BVMT tại Việt Nam tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh: T.V

Ban lãnh đạo cùng tăng, ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội xem đây là sự kiện có ý nghĩa nhằm hướng tới Ngày Môi trường thế giới. Theo đó, học viện sẽ cùng Tổ chức Phật giáo Thế giới chung tay kêu gọi tăng, ni, Phật tử, tuyên truyền trong việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như kêu gọi người dân không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, có ý thức BVMT.

"Với việc Phật giáo lấy từ bi làm nền tảng cho sự tu tập sẽ góp phần to lớn vào việc dấn thân, kêu gọi bảo vệ, tuyên truyền, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm làm từ động vật hoang dã trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”, ông Dhammapiya - Tổng Thư ký IBC nói.

Những năm qua, các cơ sở tôn giáo như: Chùa Pháp Bảo (TP Hồ Chí Minh); Chùa Pháp Vân (TP Hà Nội); Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức (tỉnh Thừa Thiên Huế) là điển hình trong việc thực hiện tốt Chương trình Phối hợp số 01 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và sở TN-MT các tỉnh, thành về phát huy vai trò của các tôn giáo trong tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.

Từ các phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay, cụ thể là tại khu vực miền Trung, tỉnh Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH" vùng đồng bào theo đạo Bà La Môn giáo.

Tín đồ đạo Cao Đài cùng người dân làm vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường. Ảnh: CTV

Tỉnh Quảng Nam có mô hình tuyến đường tự quản về BVMT, ứng phó với BĐKH của các cơ sở thờ tự trên địa bàn xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Kim, phường Minh An, Cẩm Châu, Cửa Đại; mô hình "Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác BVMT" tại Chùa Long Quang (thị trấn Núi Thành); "Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu" của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn; mô hình khu dân cư "BVMT và ứng phó với BĐKH" tại xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức).

TP Cần Thơ có mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt); “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng; hạn chế khói nhang khi Phật tử lễ Phật; vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tự viện, ăn ở sinh hoạt để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp” tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.

Tỉnh Lâm Đồng với mô hình "Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp" của Giáo xứ Thánh Mẫu (phường 7), thôn R'Chai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), Giáo xứ Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà); "Khu dân cư đoàn kết BVMT" ở thôn Đa Hoa (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương).

TP Hà Nội với mô hình "Chùa Xanh" BVMT, ứng phó với BĐKH tại Chùa Xuân Trạch (Đông Anh); xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế đốt vàng mã trong cơ sở thờ tự trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Sóc Sơn; hạn chế đốt rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất đai tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng.

Tỉnh Đồng Tháp với mô hình "Câu lạc bộ Phật tử thu gom rác thải, xây dựng hố rác gia đình, làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng"; "trồng cây xanh, thắp sáng đường quê, sử dụng nước hợp vệ sinh, xóa ao tù lắng đọng, thu gom, xử lý rác thải"; "Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, xây dựng tuyến đường hoa gắn với đèn đường, cột cờ, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp" của Cao Đài Ban Chỉnh Đạo; "Câu lạc bộ tín đồ Hội thánh tham gia xử lý rác thải, đường thông, hè thoáng" của Tin Lành; "Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương thực hiện thu gom rác thải, không vứt rác bừa bãi, xác động vật xuống sông, giữ gìn vệ sinh, BVMT".

Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, các tổ chức tôn giáo đã gắn bó, đồng hành cùng MTTQ Việt Nam các cấp, đóng góp tích cực vào công tác BVMT và ứng phó với BĐKH.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với ngành TN-MT, các tổ chức tôn giáo vận động chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân tăng cường giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, từ đó, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng.

Hàng năm, MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát các công trình, biện pháp BVMT đối với những dự án đã được phê duyệt trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Tiêu biểu, tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát, phát hiện và đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính đối với một số cơ sở vi phạm; di dời 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở TN&MT giám sát việc BVMT tại Công ty CP Mía đường Sóc Trăng.

Tại Đồng Nai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và TP Biên Hòa đã thành lập 4 đoàn giám sát, tổ chức 24 cuộc giám sát về thực hiện pháp luật trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Qua các đợt giám sát đã có 38 kiến nghị trong việc thực hiện pháp luật về BVMT, được đoàn giám sát gửi đến chính quyền, cơ quan chức năng, nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về BVMT tại địa phương.

Nhìn chung, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Phối hợp với các tôn giáo trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH đã đạt được những kết quả tích cực, có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng, cách thức triển khai sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Nhiều nội dung của chương trình phối hợp đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Toàn dân tham gia BVMT" nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, ngành; sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân, nhân dân, cũng như các cộng đồng tôn giáo. Qua đó, khẳng định vai trò “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, đồng thời đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm